Việc tràn lan khai thác, chế biến đá trái phép làm vật liệu xây dựng, gây hại cho các giá trị quý của Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đang gây bức xúc trong dư luận.
Đoàn kiểm tra vừa đi khỏi, “đá tặc” lại làm
Để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng gây bức xúc trong dư luận kể trên, chúng tôi đã liên lạc với bà Nguyễn Thị Hoài – Bí thư Đảng ủy xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh nơi có “đại công trường” đào đá ầm ầm ngay gần UBND huyện. Bà Hoài thừa nhận, trên địa bàn, có nhiều cơ sở nghiền đá, chế biến gạch từ đá núi. Các cơ sở trên cần làm cam kết không phá đá trên địa bàn (cũng là khu vực Công viên địa chất) thì mới được phép hoạt động…
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Cần có kế hoạch truy xuất nguồn gốc đá nguyên liệu đem về xã Hữu Vinh và các địa bàn có các cơ sở chế biến đá trước khi xuất bán ra thị trường. Bởi, nếu chỉ yêu cầu các chủ cơ sở cam kết không phá đá ở vùng được bảo vệ đặc biệt (còn chế biến thì được phép); mà không giám sát xem đá đó lấy từ nguồn gốc nào thì kẽ hở còn quá lớn.
Điều vô lý nữa là: Cứ xử phạt rồi lại… tái phạm, lại xử phạt, thì đó là bài toán luẩn quẩn. Và trong sự luẩn quẩn đó, di sản địa chất địa mạo, các quy định luật pháp đã có bị “làm ngơ” một cách rất nghiêm trọng. Cần xử lý hình sự các hành vi tái phạm trên quy mô lớn. Cần quy trách nhiệm cho cán bộ huyện, xã, khi để xảy ra tình trạng phá núi đá Công viên Địa chất toàn cầu. Cần thu máy móc, xử phạt nặng, kiên quyết chấm dứt tình trạng công khai mở “đại công trường” ngay gần trụ sở UBND huyện, UBND xã như trên.
Theo lãnh đạo huyện Yên Minh, họ đã xử phạt đến mức 45 triệu đồng cho một số cơ sở vi phạm, song tình trạng vẫn tái diễn, có “gia đình” còn mua máy móc khai thác đá trái phép trị giá tới 70 triệu đồng để rầm rộ “thi công phá núi”.
Khi chúng tôi vào vai người cần mở một “lò” chế biến đá thành vật liệu xây dựng đem bán, thì lãnh đạo xã Hữu Vinh đề nghị làm việc với Phòng Tài nguyên- Môi trường, Công an huyện Yên Minh, và cần cam kết đảm bảo môi trường, mới được hoạt động.
Thử hỏi: Quy chế chặt chẽ vậy, sao vi phạm vẫn ngày ngày diễn ra? Có hay không sự “bảo kê” như Báo NTNN/Dân Việt đã nêu. Chính ông Nguyễn Hữu Tuyển – Trưởng Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Yên Minh, trong buổi làm việc với chúng tôi cũng thừa nhận: Dư luận còn bảo liệu tôi (Tuyển) có bảo kê cho khai thác đá hay không.
Trao đổi với nhóm PV, ông Vàng Khái Sèng – Bí thư Đảng ủy xã Sủng Thài thừa nhận: Có nhiều điểm khai thác đá trái phép trên địa bàn đã bị dừng hoạt động. Nhưng cũng vẫn có hiện tượng họ vẫn vào lấy đá cũ đi (ý là tiếp tục khai thác công trường đã bị xử phạt và dừng hoạt động).
Vợ chồng nhà D – Ch làm đá mấy năm nay, lấy đi khối lượng đá rất lớn. Xã kiểm tra nhiều lần, thấy quy mô của “công trường” vượt quá thẩm quyền của xã, phải báo cáo huyện thành lập đoàn kiểm tra vào xử lý. Tuy nhiên, vì máy móc đắt tiền, to lớn, sau xử phạt vẫn tại vị ở hiện trường khai thác trái phép mà không hề bị chuyển đi hoặc tịch thu, vì thế đoàn kiểm tra đi khỏi thì người ta lại… vi phạm tiếp.
Huyện chưa “quan tâm thực hiện nghiêm túc”
Qua điện thoại, bà Phan Thị Minh – Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cũng thừa nhận về tình trạng khai thác đá lén lút diễn ra “không kiểm soát (hết) được”, dù huyện đã xử phạt nhiều trường hợp với quy trình xử lý từ xã lên huyện…
Quả thế, trong các dịp tháng 7 và tháng 9/2019, bà Hà Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng liên tiếp có văn bản chỉ đạo UBND huyện Yên Minh nghiêm túc kiểm tra, xử lý các hành vi phạm khai thác đá làm ảnh hưởng đến Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Đồng thời, lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị: Làm rõ trách nhiệm và kiên quyết xử lý người đứng đầu cấp xã, huyện tại địa bàn để xảy ra tình trạng khai thác đá trái phép.
Văn bản nhấn mạnh “việc quản lý và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác đá vôi trái phép tại thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh vẫn chưa được Chủ tịch UBND huyện Yên Minh quan tâm thực hiện một cách nghiêm túc”.
Khi chúng tôi vào vai người cần mở một “lò” chế biến đá thành vật liệu xây dựng đem bán, thì lãnh đạo xã Hữu Vinh đề nghị làm việc với Phòng Tài nguyên – Môi trường, Công an huyện Yên Minh, và cần cam kết đảm bảo môi trường, mới được hoạt động. Thử hỏi: Quy chế chặt chẽ vậy, sao vi phạm vẫn ngày ngày diễn ra? Có hay không sự “bảo kê”?
Với sự chỉ đạo đâu ra đấy kể trên, những tưởng tình trạng sẽ được cải thiện… Nhưng, 10 tháng sau đó, chúng tôi có mặt ở Yên Minh, tình trạng vi phạm vẫn tràn lan (như đã phản ánh ở bài trước). Câu hỏi đặt ra ở đây là: Vì sao xử lý các cỗ máy to, nổ ầm ĩ, người làm việc công khai giữa ban ngày như công trường… lại khó thế?
Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Hữu Tuyển – Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường. Ông này nói: “Đá tặc” bây giờ gian manh lắm. Đoàn kiểm tra xuống, họ chửi bới, họ xua chó ra cắn, họ ném cả tổ ong vào đoàn cán bộ. Rồi, ngang nhiên có, lén lút cũng có. “Đá tặc” làm cả ngày lễ tết để trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng…
Ông Tuyển báo cáo: Huyện đã có đề nghị, cho lực lượng công an kiểm soát, dừng xe chở đá kiểm tra giấy tờ nguồn gốc của đá; các đơn vị liên ngành kiểm tra các cơ sở chế biến đá, nếu không chứng minh được sự “trong sạch” của đá nguyên liệu, thì rút giấy phép, xử phạt nghiêm.
Bản thân ông Tuyển khi được hỏi về tình trạng nổ mìn trái phép và câu chuyện thuốc nổ ở đâu ra, thì trả lời đại ý: Tôi chưa được biết chuyện đó. Song, chuyện đó đã được Bí thư Chi bộ thôn bức xúc kiến nghị, chính lãnh đạo phòng này cùng công an huyện, các ngành chức năng cùng ký, đóng dấu trong văn bản đã dẫn ở phần trên.
Có hay không tình trạng “phạt cho tồn tại”, “phạt như phủi bụi”, trong khi ai cũng hiểu lý do thực sự “phía sau” sự tồn tại ngang nhiên của các điểm mỏ trái phép kia! Đã đến lúc Hà Giang nói chung và Yên Minh nói riêng cần có một “bàn tay thép” để ngăn chặn tình trạng trên. |