TS Wee Yong, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây là một kết quả quan trọng. Nó là bước tiến đầy hứa hẹn trên con đường tìm ra phương pháp chữa trị cho căn bệnh nan y này. Cần nhấn mạnh rằng, các tế bào gốc của u nguyên bào thần kinh đệm có khả năng kháng lại các phương pháp điều trị hiện có một cách mạnh mẽ. Do đó, thay vì nhắm và chúng, chúng tôi lựa chọn giải pháp nhắm vào hệ miễn dịch, để giúp cơ thể tấn công và tiêu diệt những tế bào gốc này”.
U nguyên bào thần kinh đệm được hình thành từ tế bào thần kinh đệm hình sao (tế bào hình sao Astrocytes) hay tế bào ít nhánh (Oligodendrocyte), đây được xem là loại ung thư não nguy hiểm nhất. Mặc dù được chữa trị bằng hóa, xạ trị nhưng hầu hết bệnh nhân vẫn sẽ tử vong sau 14-16 tháng kể từ khi được chẩn đoán. Một trong những nguyên nhân khiến căn bệnh này đáng sợ đến vậy, chính là bởi nó có thể “miễn nhiễm” với tế bào miễn dịch, thậm chí còn tái lập trình đội quân phòng thủ của cơ thể trở thành “nô lệ” của chúng. Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi 45-70, tỷ lệ mắc mới của u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng là 2-3/100.000 người trưởng thành và chiếm khoảng 52% tất cả các khối u não nguyên phát.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phát hiện ra rằng, liệu pháp chỉ sử dụng niacin có thể kéo dài thời gian sống của những con chuột bị ung thư. Thời gian sống tăng thêm thậm chí còn nhiều hơn, trong trường hợp niacin được kết hợp cùng temozolomide (một loại thuốc hóa trị thường được sử dụng trong điều trị u nguyên bào thần kinh đệm). Cụ thể, thời gian sống trung bình của những con chuột mắc u nguyên bào thần kinh đệm đã tăng từ 40 ngày lên 150 ngày (hơn gấp 3 lần), sau khi sử dụng liệu pháp kết hợp.
Đi sâu vào nghiên cứu, họ nhận thấy khả năng kéo dài sự sống đến từ việc tổ hợp niacin và temozolomide đã kích hoạt lại các tế bào miễn dịch bị khối u biến thành “nô lệ”, khiến chúng ngừng giúp đỡ khối u và quay lại tấn công tiêu diệt dần tế bào ung thư.
“Chúng tôi đã có thể giúp các tế bào miễn dịch thực hiện việc mà chúng nhẽ ra phải làm, đó là tấn công và tiêu diệt khối u. Để đi đến kết quả này, chúng tôi đã phải thử nghiệm trên 1040 hợp chất, sau đó phát hiện ra niacin có đặc tính cần thiết để kích hoạt các tế bào miễn dịch, từ đó ngăn chặn sự phát triển của các tế bào gốc ung thư não” – TS Susobhan Sarkar, một thành viên của nhóm tác giả, chia sẻ.
Nhóm tác giả cũng khẳng định rằng, kết quả này chỉ là thành công bước đầu, để có thể cho ra đời một phương pháp điều trị ung thư mới, cần phải tuân theo một quy trình rất nghiêm ngặt, tuần tự từng bước một.
Minh Nhật