Việt Nam phải “tăng cường tốc độ ứng phó” do tình hình Covid-19 trên thế giới đang xấu đi rất nhanh so với dự tính của nhiều chuyên gia.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sáng 18/3 (Ban chỉ đạo), đã thống nhất với nhận định nêu trên.
Trước hết, Phó thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn bệnh xâm nhập vào Việt Nam thông qua các chính sách về xuất nhập cảnh, trên tinh thần “mềm dẻo, hợp tác nhưng kiên quyết”.
Ông cho biết, trong những ngày qua, do không thể ngăn giao lưu ngay với bên ngoài nên các lực lượng chức năng phải làm việc “không có đêm, không có ngày” để rà soát, tìm kiếm, giám sát hành khách, nhất là các trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh trên hàng chục chuyến bay đến Việt Nam.
Trong nước hiện vẫn còn hàng trăm nghìn người nước ngoài đã nhập cảnh chưa quá thời hạn 14 ngày, trong đó rất nhiều người đến từ các nước có dịch.
“Tất cả các đơn vị, lực lượng phải tiếp tục hiệp đồng từ con người, cơ chế, công nghệ để phát hiện nhanh nhất người bệnh, những người tiếp xúc gần”, Phó thủ tướng nói.
Ông cũng đề nghị tất cả mọi người, dù là người nước ngoài, cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của Bộ Y tế. “Chúng ta phải kiểm soát được người nhập cảnh bằng chính sách quản lý thị thực, đồng thời tiếp cận, cách ly tất cả những người có nguy cơ lây nhiễm đã nhập cảnh”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, sáng 18/3. Ảnh: VGP
Cũng tại cuộc họp, Ban chỉ đạo thống nhất Việt Nam sẽ kiên trì thực hiện các nguyên tắc chống dịch là: Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm; cách ly kịp thời; khoanh vùng gọn; dập dịch triệt để; điều trị khỏi bệnh.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ tổ chức điều trị; phân loại nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao (người già, người có bệnh nền, người dễ bị lây nhiễm, người khuyết tật, yếu thế…) để theo dõi y tế tại cơ sở; tăng cường tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ.
Trước diễn biến dịch bệnh trên thế giới, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo, người Việt Nam ở nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng việc trở về nước. Do tình hình di chuyển bằng đường hàng không giữa các nước hiện nay rất khó khăn. Nhiều nước siết chặt việc xuất nhập cảnh; có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc dừng, thay đổi chuyến bay.
Một số chuyên gia y tế cũng nêu rõ, người dân cần thận trọng khi di chuyển đến sân bay và trên máy bay, do khả năng lây nhiễm dịch bệnh rất cao.
Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, người Việt Nam ở nước ngoài nên thực hiện nghiêm các khuyến cáo, hướng dẫn y tế của chính quyền nước sở tại. “Trường hợp người dân thực sự phải về nước, dù còn nhiều khó khăn, nhưng các cơ quan luôn nỗ lực hết sức để thực hiện các biện pháp cần thiết, lo cho bà con một cách tốt nhất có thể, vì đó là nghĩa đồng bào”, Phó thủ tướng nói.
Vì vậy, dù sẽ có những bất tiện như các thủ tục sân bay, điều kiện nơi cách ly, nhưng ông mong mọi người nghiêm chỉnh chấp hành các quy định, hợp tác và chia sẻ.
Về chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung, thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, theo kế hoạch mới nhất quân đội đã chuẩn bị 140 khu cách ly với 44.718 chỗ. Tổng số người cách ly từ đầu dịch đến giờ mới đạt hơn 21.000 chỗ. Trong số này, khoảng 14.000 người đã hoàn thành cách ly. Tính đến 6h ngày 18/3), quân đội đang cách ly 6.986 người.
Như vậy, các khu cách ly của quân đội hiện sẵn sàng để tiếp nhận gần 38.000 người, và đã xây dựng kế hoạch dự phòng, có thể huy động thêm 10.000 đến 20.000 chỗ.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng thảo luận việc chuẩn bị cơ sở lưu trú, quy trình thực hiện tổ chức cách ly tại khách sạn có thu phí đối với các chuyên gia, người lao động nước ngoài vào Việt Nam.
Đến trưa 18/3, Việt Nam ghi nhận 68 ca bệnh trong đó 16 ca khỏi từ tháng trước, 52 ca đang cách ly điều trị. Các ca bệnh xâm nhập chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, sau đó lây lan cộng đồng. Sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, tuy nhiên có hai ca nặng đều trên 60 tuổi và có bệnh nền. Có 5 bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm âm tính ít nhất một lần.
Ngoài ra, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 31.659; trong đó 2.543 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 6.299 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 22.817 người đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú.