Các doanh nghiệp F&B cho rằng khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn yêu cầu tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động.
Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch COVID-19 với 7 giải pháp trọng tâm.
Các giải pháp tập trung được Thủ tướng nêu ra, trước hết là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử, đáng chú ý là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỉ đồng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch.
Đơn cử như ngành nhà hàng và ăn uống, nhiều chuyên gia gọi Covid-19 là cơn địa chấn và ngành này có thể xem là ở tâm chấn khi chịu tác động nặng nhất. Hàng loạt nhà hàng, cửa hàng ăn uống không thể trụ lại và rời khỏi thị trường khi xuất hiện hàng loạt mặt bằng trống tại các vị trí đắc địa tại Hà Nội hay Tp. HCM. Rất nhiều khó khăn đang đè nặng lên doanh nghiệp.
Mặc dù có nội lực mạnh hơn các hàng quán nhỏ lẻ, nhưng nhiều chuỗi cửa hàng ẩm thực lớn cũng đang có dấu hiệu xuống sức vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
“Để thuê trong khu vực trung tâm phố cổ Hà Nội thì trung bình tiền thuê mỗi mặt bằng rơi vào khoảng 200 đến hơn 200 triệu đồng. Vốn mình chuẩn bị cũng đã cạn kiệt rồi”, ông Bùi Tuấn- Đại diện công ty TNHH Thương mại dịch vụ Golden bell Hà Nội trả lời phỏng vấn VTV.
Một số nhà hay chuỗi khác như Bếp Cụ Nho, Viva Star Coffee cho biết, doanh thu hàng này không đủ để chi trả tiền mặt bằng, thậm chí giảm 60%. Những nhà hàng này buộc phải cắt giảm chi phí nhân sự, điện nước, thậm chí nếu dịch kéo dài sẽ buộc phải đóng cửa, chuyển đổi mô hình kinh doanh.
“Trong trường hợp xấu nhất không thể thương lượng với chủ nhà thì bài toán bây giờ làm sao để trụ lại, hạn chế các chi phí”, chị Đặng Thị Hồng Ngọc – Giám đốc điều hành nhà hàng Pachi Pachi cho biết.
Với những gã khổng lồ như Golden Gate hay Redsun cũng không ngoại lệ, thậm chí cũng phải chọn hướng đóng cửa một số địa điểm. Cụ thể “đại gia” F&B Golden Gate với kinh nghiệm 14 năm trên thị trường cũng không tránh khỏi thiệt hại.
Ngày 12/3 trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, ông Hà Thúc Tú, Giám đốc chi nhánh miền Nam của Golden Gate Group, chia sẻ, tại Hà Nội, Golden Gate chỉ đóng tạm vài nhà hàng ở các trung tâm thương mại, có thể cuối tuần ổn hơn thì mở lại. “Lý do chúng tôi đóng cửa là do quá ít khách. Miền Nam thì chưa đóng cửa hàng nào. Chúng tôi vẫn đang theo dõi tình hình kinh doanh”, ông Tú cho biết. Tuy nhiên đến ngày 16/3, trên trang Fanpage của tập đoàn này tiếp tục thông báo đóng cửa thêm nhiều nhà hàng.
Thông tin từ VTV cho biết, doanh thu trên toàn hệ thống Golden Gate sụt giảm lên tới hàng chục tỷ đồng, hơn 30 nhà hàng trong hệ thống phải dừng hoạt động.
Mới đây, tại hội nghị trực tuyến có sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) với chủ đề “Đồng hành cùng đất nước chiến thắng dịch bệnh”, nhiều doanh nghiệp cho rằng khó tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, nhất là với DN vừa và nhỏ hoặc các DN trong lĩnh vực F&B, bán lẻ liên quan đến F&B.
Chia sẻ với báo Tuổi trẻ, đại diện Công ty Chảo Đỏ (Red Wok), sở hữu các chuỗi nhà hàng ở TP.HCM và các địa phương lân cận, cũng cho biết đã gặp khó khăn khi tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng bởi các ngân hàng đánh giá mức độ tín nhiệm của từng trường hợp theo tiêu chuẩn thông thường thay vì trong tình huống dịch bệnh, vẫn đòi tài sản thế chấp nếu muốn được tiếp tục vay vốn để duy trì hoạt động.
Golden Gate – chuỗi F&B dẫn đầu thị trường và trụ khá vững trong thời gian dịch bệnh vừa qua nhưng cũng đang gặp khó trong tiếp cận gói tín dụng. Hiện không chỉ Golden Gate mà các DN bán lẻ khác cũng bị từ chối cho vay thêm, đặc biệt là sau ngày 26/03 khi hàng loạt nhà hàng đóng cửa, theo thông tin từ báo Công thương.
Theo đại diện Golden Gate, một số ngân hàng thương mại có hỗ trợ giãn nợ, muốn vay thêm phải có bất động sản đảm bảo, nhưng đối với ngành F&B, mặt bằng chủ yếu là thuê, không có nhiều bất động sản là tài sản đảm bảo… Đại diện này cho biết hy vọng gói tín dụng hỗ trợ có thể dễ dàng tiếp cận hơn đối với các ngành, DN bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong đó có F&B nói chung và Golden Gate nói riêng.
Theo Trí Thức Trẻ / Tổng hợp