Các cơ quan chức năng cần có một cuộc rà soát trên diện rộng để làm sạch không gian mạng và cần có người phải chịu trách nhiệm không chỉ hành chính mà thậm chí là cả về mặt hình sự.
Ngày cuối tuần, mấy gia đình chúng tôi hẹn nhau ra ngoài ăn uống, nhà nào cũng kèm theo vài đứa trẻ. Trong quán, người lớn trò chuyện, trẻ con xúm lại mỗi đứa một chiếc điện thoại, chăm chú xem YouTube. Nhìn xung quanh, dường như đâu cũng thế…
Tôi thầm nghĩ, có lẽ ở thời đại này, những đứa trẻ kết nối với thế giới internet còn nhiều hơn với cha mẹ, người thân trong nhà. Ngoại trừ giờ lên lớp, cuộc sống đứa trẻ nào cũng xoay quanh chiếc smartphone, nhất là với trẻ con ở thành phố. Học qua mạng. Chuyện trò qua mạng. Và chủ yếu là… chơi qua mạng.
Không rõ từ lúc nào, smartphone trở thành một “công cụ trông trẻ”, một “bảo mẫu” giúp trẻ không quấy khóc, mè nheo, khiến trẻ ngoan ngoãn ngồi một chỗ ăn cơm và tạo điều kiện cho những ông bố bà mẹ có thời gian để làm việc của mình (cũng có thể là họ được yên ổn xem một trận bóng, xem một livestreams bán hàng….).
Tôi không phủ nhận có những phụ huynh đã khai thác hữu hiệu YouTube, các ứng dụng giáo dục để giúp con học thêm về ngoại ngữ, các kiến thức ngoài nhà trường, tuy nhiên, không nhiều người làm được vậy.
Tôi đã dành thời gian để quan sát cách sử dụng smartphone của trẻ, trẻ rất thích các kênh sôi động và giải trí đơn thuần, nếu không có sự hướng dẫn của người lớn sẽ vô cùng nguy hiểm.
Chẳng riêng gì một video của YouTuber Thơ Nguyễn chỉ cách “xin vía” học giỏi cho các em học sinh, cả một thế giới mạng đầy cạm bẫy đang giăng sẵn, với nào vô số các video hài nhảm nhí, các “giang hồ mạng” mà nhiều bạn nhỏ coi như thần tượng. Xem hết video này sẽ lại có gợi ý các video khác tương tự, hết kênh này lại sang kênh kia…
Không ít lần về nông thôn, tôi choáng váng khi các cháu bé mới 5 tuổi đang tập tành diễn theo những “anh”, những “chị” trên YouTube và TikTok với những ngôn từ tục tĩu. Đó là chưa đề cập đến những clip cuốn trẻ vào các trào lưu độc hại bạo lực, máu me, gieo rắc hình ảnh tự tử với trẻ…
Tôi không rõ cha mẹ của các cháu có biết về điều đó không khi giao điện thoại cho con mà không hề kiểm soát.
Mỗi một lượt “đăng ký”, mỗi một click của những đứa trẻ với đủ lứa tuổi từ 2-3 tuổi đến 14-15 tuổi đều mang lại cơ hội “Nút Vàng”, “Nút Bạc” cho những chủ kênh mạng xã hội. Hàng triệu view đó đều quy ra tiền!
Không hề quá khi nói rằng, con trẻ trở thành một “mỏ vàng” để những YouTuber, TikToker như Thơ Nguyễn… kiếm về thu nhập khủng. Và không rõ, ngành thuế đã thu được bao nhiêu tiền từ các nhân vật này?
Mới đây, khi Thanh tra Sở Thông tin và Truyền Thông tỉnh Bình Dương đến làm việc, YouTuber Thơ Nguyễn nói đang bị “suy sụp” tinh thần nên hẹn Thanh tra Sở làm việc vào một ngày khác. Vậy, cô Thơ cũng có biết rằng bao nhiêu ông bố, bà mẹ cũng đã “suy sụp” khi biết “thần tượng” của con cái họ đã tạo ra video gây phẫn nộ như vậy? Ngẫm mà… nực cười, ngán ngẩm!
Và tôi tự hỏi, những mạng xã hội như YouTube, TikTok khi hoạt động đều có những “tôn chỉ” riêng, song vì sao họ vẫn để lọt vô vàn clip bẩn đang mỗi ngày đầu độc cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em? Có phải cứ có lợi nhuận kếch xù thì họ có quyền ngoảnh mặt làm ngơ?
Hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần có một cuộc rà soát trên diện rộng để làm sạch không gian mạng, tạo môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển. Cần có người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, không chỉ hành chính mà thậm chí là cả về mặt hình sự.
Đây cũng là lúc mà các vị cần lên tiếng mạnh mẽ, thưa các nhà “bảo vệ trẻ em”, “hoạt động vì trẻ em”!
Còn phụ huynh chúng ta, đừng nên chờ nữa. Hãy tự cứu lấy con em mình trước hết!
Theo Bích Diệp – dantri.com.vn