YouTuber Thơ Nguyễn sau một thời gian “sóng yên biển lặng” thì mới đây lại tiếp tục gây tranh cãi vì một clip dài 1 phút mà cô đăng tải trên kênh TikTok. Theo đó, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng “mẹ” và gọi búp bê là “con” rồi “xin vía cho trẻ nhỏ học giỏi”.
Clip này ngay sau đó đã lập tức gây ra làn sóng phản đối dữ dội. Nhiều phụ huynh lên tiếng cho rằng nội dung của clip hoàn toàn không phù hợp để đưa lên mạng xã hội. Việc truyền bá văn hóa nuôi Kumanthong có thể sẽ khiến người xem, đặc biệt là trẻ em có suy nghĩ lệch lạc.
Đây không phải là lần đầu tiên nữ YouTuber tai tiếng này bị phản ánh vì nội dung các clip do mình đăng tải. Trước đó nhiều lần cô gái này đã có những video với nội dung tiêu cực như thí nghiệm bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung; đun bia, nước ngọt trên bếp gây nổ; dạy trẻ chế tạo bồn tắm bằng thạch jelly, bột màu,… rồi nhảy vào tắm và tạo ra âm thanh phản cảm,…
Hình ảnh phản cảm trong clip của Thư Nguyễn
Hình ảnh được cắt ra trong 1 clip bị phản ánh 3 năm trước
Trao đổi với tiến sĩ tâm lý Lê Minh Thuận, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, thầy cho biết dưới góc nhìn của nhà chuyên môn thì không đánh giá kênh này đúng hay sai. Nhưng một khi có nhiều người phản ánh tức là kênh này cũng có vấn đề. Đôi lúc họ tạo ra với mục đích giải trí vui nhưng lại để lại hậu quả nghiêm trọng. Truyền thông về kiến thức nào đó thì nên dựa trên bằng chứng khoa học.
Theo quan điểm của thầy, rất khó để kiểm soát được nội dung của các kênh này và nó có nhan nhản trên mạng xã hội. Thầy tâm sự: “Ví dụ hôm nay có Thơ Nguyễn, ngày mai lại có Nguyễn Thơ, rồi Thơ Nguyễn 2, tức là còn rất nhiều nội dung ‘chưa phù hợp với trẻ em’ còn đang diễn ra trên mạng xã hội. Mình không thể hạn chế họ để họ câu view nhưng mình có thể tăng cường thêm nhiều kênh tốt để trẻ em có sân chơi mà phụ huynh cũng đỡ lo lắng. Điều này như nguyên lý ‘cỏ dại mọc’ nếu mình diệt đi thì năm sau lại mọc. Nhưng nếu mình trồng một cái cây lớn thì cỏ dưới tán cây tự động chết hết. Cái đúng đắn phát triển thì cái không đúng, không phù hợp cũng vì thế mà chết đi.”
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người nghiên cứu tâm lý, thầy cho biết kênh YouTube chỉ ảnh hưởng một phần nhưng điện thoại mới là con dao hai lưỡi dễ gây ra hậu quả xấu. Tiến sĩ Lê Minh Thuận cảnh báo: “Cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh, iPad,… quá sớm sẽ gây ra nhiều hệ quả như khiến trẻ cận thị sớm, bản tính trở nên hung hăng, gây hấn với bạn bè, học tập sa sút, trầm cảm, stress,… thậm chí có thể khiến trẻ dẫn đến hành vi tự làm hại bản thân hay có thể tự tử. Ngoài kênh YouTube trên, còn có những trang có nội dung khiến trẻ kiệt quệ về thần kinh, thể chất,…. Điều này gây ảnh hưởng khi trẻ lớn về trí tuệ, sức khỏe, giấc ngủ, học hành, tư duy,… Nói chung có thể hủy hoại tương lai tươi sáng của trẻ sau này. Đây là một cảnh báo đối với các bậc cha mẹ trẻ!”
Theo Vũ Trịnh
Pháp luật và Bạn đọc