Thủ tướng cho biết ngay sau hôm nay sẽ ban hành Nghị quyết toàn diện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và giúp kinh tế hồi phục sau dịch. Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn do Covid-19.
Đầu cuộc họp, ông nhắc lại dịch bệnh đã gây tác động và hệ lụy lớn đến toàn cầu và lưu ý sẽ còn khó lường nên không thể chủ quan. Ông yêu cầu huy động tất cả nguồn lực trong nước, tinh thần quật cường để vượt khó, vươn lên, “làm sao biến nguy thành cơ, để nền kinh tế tăng tốc, bù đắp tổn thất kinh tế vừa qua”.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ khó khăn như gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa miễn, giãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất 180.000 tỷ đồng; gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên lúc này, cần các biện pháp mạnh mẽ đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm để “nền kinh tế vượt mạnh, như lò xo bị nén bật mạnh trở lại khi Covid-19 qua đi”. Vì thế, ngay sau hội nghị sẽ ban hành một Nghị quyết toàn diện về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh, xã hội.
“Không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ bị đổ gãy, dễ bị âm trong phát triển”, Thủ tướng cảnh báo.
Phân tích rõ hơn tác động của Covid-19 tới nền kinh tế, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, đại dịch lần này làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, gây đình trệ giao thương, đầu tư toàn cầu; làm giảm cả cung và cầu trên thị trường thế giới. Trong nước, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, giảm quy mô; các ngành sản xuất lớn ảnh hưởng nặng nề; lao động mất việc làm, tạm ngừng hoặc thiếu việc làm tăng lên…
Giống nhiều quốc gia khác, ông Dũng cho hay, kinh tế, xã hội Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi tốc độ tăng GDP quý I chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay.
“Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được”, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư nêu.
Trường hợp Covid-19 được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP cả năm dự báo đạt khoảng 5,32% nhưng nếu dịch kéo dài hết đến quý III thì GDP khoảng 5,05%.
Tăng trưởng đạt thấp cũng là một trong những nguyên do khiến thu ngân sách Nhà nước năm nay sẽ khó khăn. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ở phương án tích cực nhất khi dịch kết thúc vào quý II, tăng trưởng GDP đạt 5,3%, giá dầu bình quân 35 USD một thùng và khoản thu từ thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước không đạt, thì ngân sách Nhà nước sẽ hụt thu 140.000 – 150.000 tỷ đồng. Trong đó, thu từ ngân sách Trung ương giảm 100.000-110.000 tỷ đồng, và ngân sách địa phương giảm 40.000 tỷ đồng.
Nếu GDP dưới 5%, ông Đinh Tiến Dũng nói, thu ngân sách Nhà nước sẽ giảm lớn hơn, nhất là số thu ở các lĩnh vực đang đình trệ vì Covid-19 như dịch vụ, du lịch, logistics… và các địa phương Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh…
Do đó, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác trong nước, 50% công tác phí nước ngoài. Các địa phương ngoài sử dụng nguồn dự phòng, dự trữ tài chính ngân sách địa phương, phải chủ động sử dụng từ nguồn tăng thu và kinh phí cải cách tiền lương còn dư để xử lý phát sinh. Tiết kiệm tối đa sử dụng dự phòng ngân sách, trước mắt dùng 50% dự phòng ngân sách trung ương và địa phương cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả Covid-19, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Bộ Tài chính dự báo, bội chi ngân sách năm nay có thể tăng thêm 1,5-1,6% GDP. Ngay trường hợp kiểm soát được số tuyệt đối bộ chi thì tỷ lệ bội chi so với GDP dự kiến vẫn tăng, do quy mô GDP không đạt kế hoạch.
Theo Anh Minh – VnExpress