Giấy tờ của người bị lộ thông tin có thể bị lợi dụng để phục vụ cho các hoạt động trái pháp luật như lừa đảo, chuyển tiền…
“Nhiều khả năng, ứng dụng được lộ ra từ một số công ty dịch vụ về tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, các ứng dụng cho vay tiêu dùng… có hoạt động xác thực danh tính bằng video khuôn mặt người dùng” – ông Tuấn Anh dự đoán.
Ảnh chụp 2 mặt CMND của nhiều người bị rao bán – Ảnh: T.A.
Đánh giá về nguy cơ, ông Tuấn Anh cho rằng có thể kẻ xấu sẽ sử dụng các thông tin này để đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử… nhằm phục vụ cho các hoạt động phi pháp như lừa đảo, chuyển tiền dưới danh nghĩa của người bị lộ thông tin CCCD, CMND.
“Sẽ rất phiền phức nếu không may một ai đó bị lộ thông tin CCCD, CMND và bị lợi dụng để làm việc phi pháp. Khi cơ quan công an điều tra, họ sẽ thấy trên hệ thống những hoạt động phi pháp đó thể hiện tên của người bị lộ dữ liệu, kéo theo việc phải giải trình chứng minh trong sạch…” – ông Tuấn Anh phân tích và lưu ý người dùng cân nhắc khi chia sẻ thông tin định danh cá nhân đối với những ứng dụng không thực sự đáng tin.
“Giấy tờ của người bị lộ thông tin nếu bị lợi dụng để sử dụng cho các hoạt động trái pháp luật, người đó có nguy cơ gặp rắc rối với cơ quan công an hoặc bị cấm xuất – nhập cảnh nếu hệ thống kiểm soát người xuất nhập cảnh của các nước phát hiện ra bất thường” – chuyên gia này cảnh báo.
Các chuyên gia còn chỉ ra ngoài thông tin CCCD, CMND còn rất nhiều thông tin khác hiện đã hoặc có nguy cơ bị rò rỉ. Ví dụ, thông tin số điện thoại, thông tin đăng nhập tài khoản Facebook, Gmail, tài khoản ngân hàng… Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng.
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, lưu ý để hạn chế tình trạng bị rò rỉ thông tin, người dùng nên chia sẻ càng ít thông tin càng tốt. Ngoài ra, nên tạo một email hoặc trang bị số điện thoại riêng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị rò rỉ dữ liệu, người dùng cũng sẽ không quá lo lắng.