Protein động vật, thực vật cung cấp những những chất có lợi, tuy nhiên mỗi loại đều tồn tại nhược điểm. Ăn nhiều protein hơn có thể thúc đẩy quá trình trao đổi chất để đốt cháy nhiều calo. Dưỡng chất cũng có thể ngăn chặn việc ăn quá nhiều, giúp cơ thể no lâu.
Mỗi người nên bổ sung đầy đủ chất đạm có nguồn gốc từ động vật, thực vật. Dưới đây sự khác biệt của hai nguồn protein, theo Healthline.
Nguồn gốc
Các nguồn giàu protein động vật: trứng, cá và hải sản, thịt nạc, gia cầm, sản phẩm từ sữa… cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng khác, bao gồm vitamin B12, một loại sắt gọi là sắt heme. Sắt heme được hấp thụ dễ dàng.
Một số protein động vật ít dinh dưỡng hơn những loại khác. Ví dụ, các sản phẩm động vật chế biến quá kỹ như xúc xích, gà viên có nhiều chất béo không lành mạnh, không lý tưởng cho sức khỏe tổng thể. Bạn nên chọn nguồn giàu chất đạm như trứng, cá hồi, gà, gà tây, động vật có vỏ.
Nguồn protein thực vật như: đậu, quả hạch, các sản phẩm từ đậu tương như đậu phụ, tempeh và edamame, kiều mạch, bánh mì Ezekiel, quinoa, lúa mỳ, lúa hoang, men dinh dưỡng, hạt chia, hạt giống cây gai dầu, tảo xoắn.
Bánh mỳ Ezekiel, hạt diêm mạch, kiều mạch, tảo xoắn, đậu nành, men dinh dưỡng, hạt chia, hạt cây gai dầu chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu, có nghĩa là chúng là nguồn protein hoàn chỉnh. Các nguồn protein thực vật khác như đậu, các loại hạt, lúa mỳ thiếu một hoặc nhiều axit amin thiết yếu.
Hàm lượng axit amin có thể khác nhau
Protein được tạo thành từ các axit amin. Cơ thể của một người trưởng thành cần 20 loại axit amin khác nhau để phát triển, hoạt động bình thường. Các axit amin thiết yếu không thể tự tạo ra trong cơ thể, chúng được đưa vào thông qua thực phẩm ăn hàng ngày.
Nguồn protein khác nhau sẽ khác về loại axit amin. Protein có nguồn gốc từ động vật là protein hoàn chỉnh, có nghĩa là chúng chứa tất cả 9 axit amin thiết yếu. Nhiều loại protein từ thực vật là protein không hoàn chỉnh.
Điều này có nghĩa là thực phẩm thực vật như đậu, lạc, lúa mỳ rất giàu protein nhưng lại thiếu một hoặc nhiều axit amin thiết yếu. Tuy nhiên, bạn có thể dễ dàng kết hợp các nguồn protein thực vật với nhau để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
Ví dụ, bánh sandwich bơ đậu phộng là sự kết hợp tạo ra nguồn protein hoàn chỉnh. Lúa mỳ có ít axit amin lysine, đậu phộng lại giàu chất này đem đến một bữa ăn nhẹ đầy đủ protein. Những người ăn chay hoặc ăn thuần chay nên tận dụng nhiều nguồn protein thực vật để đảm bảo nhận tất cả các axit amin thiết yếu.
Lợi ích với sức khỏe
Chế độ ăn dựa trên thực vật có liên quan đến việc giảm huyết áp so với chế độ ăn giàu protein động vật. Các nghiên cứu cho thấy, những người ăn chay có xu hướng giảm trọng lượng cơ thể, giảm mức cholesterol, giảm nguy cơ đột quỵ, ung thư, tử vong do bệnh tim so với những người ăn thịt.
Một nghiên cứu cho biết, chế độ ăn giàu thực phẩm thực vật bổ dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, rau, quả hạch, hạt có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả chế độ ăn dựa trên thực vật và các loại thực phẩm từ thực vật đều có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chế độ ăn từ protein từ thực vật cũng có lợi với việc quản lý lượng đường trong máu, điều trị, phòng ngừa bệnh tiểu đường loại 2.
Ăn protein động vật cũng có liên quan đến việc tăng khối lượng cơ nạc, giảm sự mất cơ xảy ra theo tuổi tác. Mỗi người ăn cá thường xuyên có liên quan đến giảm tỷ lệ suy giảm nhận thức, bệnh tim.
Mặc dù thịt đỏ là một nguồn cung cấp protein hoàn chỉnh, nhưng một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ thịt đỏ với việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những tác động xấu đến sức khỏe này có thể không liên quan đến tất cả các loại thịt đỏ, chỉ đúng với thịt đỏ qua chế biến. Các protein động vật khác như cá và gia cầm, không liên quan đến những kết quả tiêu cực về sức khỏe.
Theo Lê Nguyễn – VnExpress