Việt Nam hiện có một quỹ tài chính mang tên Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm phi nhân thọ kinh doanh bảo hiểm bắt buộc TNDS đóng góp hàng năm, được Bộ Tài chính giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý kể từ năm 2009.
Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Nói cách khác, quỹ này được đóng góp bởi những người tham gia bảo hiểm, nhưng thực sự số liệu chi tiêu cũng như cách thức chi tiêu của quỹ theo các chuyên gia bảo hiểm chưa được công khai, minh bạch.
Theo cung cấp của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Cục QLGSBH, Bộ Tài chính) Phùng Ngọc Khánh, 10 năm qua quỹ này hỗ trợ nhân đạo khoảng 1 tỷ đồng cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm.
Đồng thời, quỹ này đã chi 21,6 tỷ đồng phục vụ tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với đa dạng hình thức. Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng hỗ trợ xây dựng các công trình phòng tránh, hạn chế tổn thất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh, công trình hộ lan, tổng 75 công trình với tổng chi trên 90 tỷ đồng.
Vậy tổng doanh thu trung bình mỗi năm của quỹ này là bao nhiêu? Tại sao không công khai minh bạch việc sử dụng quỹ này? Bà Hoàng Thị Yên, Trưởng Văn phòng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới, cho hay từ khi thành lập tới nay việc thu chi quỹ vẫn minh bạch. Hàng năm, quỹ đều có báo cáo kiểm toán, nhưng khi được hỏi có công khai kết quả kiểm toán không thì bà Yên cho biết chỉ báo cáo gửi Bộ Tài chính.
Theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục QLGSBH, sau 10 năm thực hiện Nghị định 103 về chế độ bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) chủ xe cơ giới, số lượt xe cơ giới tham loại hình bảo hiểm này lên đến 110,3 triệu lượt (trong đó xe máy khoảng 93,5 triệu lượt).
Cũng trong thời gian trên, các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ. Trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.
Đáng chú ý, theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2019, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ tai nạn giao thông, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. Trong đó, riêng đường bộ xảy ra 17.394 vụ, làm chết 7.458 người, bị thương 13.569 người.
Trong khi đó, thống kê của Cục QLGSBH cho thấy, cũng trong năm 2019, tổng doanh thu bảo hiểm TNDS bắt buộc xe cơ giới 3.590 tỷ đồng (trong đó thu từ ô tô 2.825 tỷ đồng, xe máy 765 tỷ đồng). Số tiền bồi thường bảo hiểm (chưa tính dự phòng bồi thường cho các tổn thất chưa phát sinh theo quy định) ước tính 972 tỷ đồng (trong đó ô tô 927 tỷ đồng; xe máy 45 tỷ đồng, tức chỉ chiếm 6%).
Để khắc phục căn cơ các bất cập trên, Cục trưởng Cục QLGSBH Phùng Ngọc Khánh cho biết Bộ Tài chính sẽ kiến nghị sửa đổi Nghị định 103 và sửa đổi Thông tư 22 về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. Theo đó, sẽ quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng giảm gánh nặng thủ tục cho chủ xe, lái xe và tăng trách nhiệm của DN bảo hiểm.
Đồng thời, theo ông Khánh, hệ thống dữ liệu phải được đồng bộ tốt hơn, công khai, minh bạch các khoản thu chi, phục vụ công tác quản lý, giám sát hiệu quả.
Theo Tiền Phong