BẮC GIANG – Cuộc họp phòng chống Covid-19 của tỉnh kết thúc lúc 23h40, bác sĩ Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC trở về trụ sở, khuôn mặt bơ phờ. “Từ ngày dịch bùng phát đến nay, tôi và anh chị em ở CDC hầu như không ngủ”, anh nói.
Giữa đêm, tòa nhà CDC (trung tâm kiểm soát bệnh tật) Bắc Giang vẫn sáng đèn tại tất cả các khu phòng. Anh Tuấn cho biết từ khi Covid-19 bùng phát, ở đây không có khái niệm đêm, ngày. Nhân viên y tế làm việc không ngơi tay phân loại mẫu bệnh phẩm từ các huyện gửi về.
Hai nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ ngồi hàng ghế phía ngoài, chờ đợi, dáng vẻ mệt mỏi. Họ mang mẫu bệnh phẩm từ các trung tâm y tế huyện (TTYT) chuyển lên để chạy máy xét nghiệm. Tuy nhiên, vì mẫu dồn về một lúc nhiều quá, CDC chưa triển khai ngay được.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Ngân cho biết, ở TTYT huyện, họ thay nhau lấy mẫu, quay cuồng cả đêm lẫn ngày. “Nhiều lúc cũng oải lắm, chỉ nghỉ ngơi một chút rồi lại đứng dậy làm”, chị kể.
Theo chị Ngân, những ngày này thời tiết nắng nóng, mặc bộ đồ bảo hộ kín như bưng, các chị vẫn không dám uống nhiều nước vì sợ phải đi vệ sinh, một ngày có khi chỉ dám đi một lần, bởi đồ bảo hộ khi đã cởi ra là phải vứt bỏ, “vừa mất thời gian vừa lãng phí”, chị nói.
Ở phòng nhập số liệu, kim đồng hồ treo tường chỉ sang 0h25. Một hộp cơm đặt trên bàn đã nguội ngắt. Đó là suất cơm của anh Đặng Đình Nguyên, người chịu trách nhiệm phân chia mã hóa các mẫu bệnh phẩm trước khi chạy xét nghiệm. Mấy chị em điều dưỡng đang ngồi làm việc quay ra nói: “Bữa tối của người không cần ngủ đấy anh chị ạ”.
Cả hai tuần qua, Nguyên gần như thức trắng đêm. Công việc của anh, như mọi người nói, là không ai thay thế được. Một chị tổ trưởng cho biết: “Nhiệm vụ này đỏi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận nên nếu Nguyên không làm thì phòng xét nghiệm không có mẫu để chạy. Vì vậy, gần như cậu ấy không được ngủ, có khi chỉ gục xuống bàn cho hết cơn rồi lại bị gọi dậy”.
Khuôn mặt Nguyên quắt lại, da sạm do nhiều đêm thức trắng cặm cụi với hàng nghìn mẫu xét nghiệm. Nhà anh cách nơi làm việc 2 km. Sinh nhật con trai, Nguyên không về. Vợ gọi điện qua Facetime để anh dự sinh nhật cùng con. Chị hỏi “bao giờ anh mới về nhà, em nhớ anh lắm. Con sắp quên mặt anh rồi”.
Năm nay, gia đình Nguyên có kế hoạch xây nhà nên đã phá nhà cũ. Nhà vừa tháo dỡ xong thì Covid-19 ập đến. Giờ chưa biết lúc nào sẽ xây.
“Nhà phá rồi, tôi thì ở trong cơ quan suốt mà dịch dã không biết diễn biến thế nào nên cứ chờ thôi”, Nguyên nói.
Tại phòng thí nghiệm, các cán bộ y tế vẫn miệt mài làm việc trong bộ đồ bảo hộ kín mít, giao tiếp với người bên ngoài bằng ánh mắt và gật đầu chào. Mọi người đều xác định, vũ khí chống dịch hiệu quả nhất hiện giờ chính là đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm trên diện rộng, tuy nhiên, hiện tốc độ xét nghiệm chưa theo kịp tốc độ lấy mẫu.
Bắc Giang đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh với số ca nhiễm lên 618. Bộ Y tế yêu cầu tập trung dốc toàn lực đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, xét nghiệm; truy vết và rà soát các trường hợp liên quan đưa đi cách ly tập trung.
Ngày 18/5, khoảng 70.000 mẫu đã lấy nhưng chưa được xét nghiệm. CDC Bắc Giang mỗi ngày chỉ cókhả năng làm 1.500 mẫu đơn, tương đương 7.500 mẫu gộp. Hôm qua, ngành y tế tỉnh mới giải tỏa được số mẫu đang tồn đọng, lấy thêm 25.593 mẫu; đã chạy có kết quả tổng cộng 277.578 mẫu từ hôm dịch bùng phát, còn 20.681 mẫu đang chờ.
Hai ổ dịch ở Công ty Shin Young (khu công nghiệp Vân Trung) và ở công ty Hosiden Việt Nam đang diễn biến phức tạp do các F1 đã đến giai đoạn bệnh khởi phát, các mẫu xét nghiệm có tỷ lệ dương tính rất cao, được ngành y tế tỉnh đánh giá là “rất nguy hiểm”. Ngoài ra, có thể sẽ phát sinh tiếp các ca F0 nữa tại Công ty Samkwang và tại khu cách ly tập trung.
Dự kiến số mẫu xét nghiệm cho công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và người có nguy cơ trong cộng đồng là khoảng trên 300.000 mẫu (trong đó có khoảng 30.000 F1, và hơn 200.000 F2). Số trường hợp dương tính cần điều trị khoảng 500 người đến dưới 1.000 người.
Trước núi công việc ấy, các kỹ thuật viên xét nghiệm làm việc không ngừng nghỉ. Bác sĩ Tuấn cho biết, ở đây, nhân viên y tế chia thành các ca để làm. Dù hết ca trực, anh chị em vẫn ở lại hỗ trợ đồng nghiệp xét nghiệm và làm nhiều công việc hậu cần khác. Có người tan ca từ sớm nhưng phải một giờ đêm mới về nhà và hôm sau lại đến sớm.
“Bây giờ các bạn hỏi CDC có bao nhiêu nhân viên, tôi cũng chẳng nhớ. Tôi còn không phân biệt được ai vì anh em gặp nhau lúc nào cũng trong tình trạng kín mít. Lượng công việc thì nhiều, trung tâm đã huy động hết các bộ phận từ hành chính, kế toán đến lái xe, văn thư…, mỗi người một tay, ai tham gia được khâu nào thì làm khâu ấy”.
Ngoài cổng, những chuyến xe cấp cứu liên tục ra vào CDC. Xe này mang mẫu bệnh về để tập hợp mã hóa và phân loại, xe kia mang mẫu đi xét nghiệm nơi khác. Trong các phòng xét nghiệm, những bóng áo trắng, áo xanh âm thầm làm việc dưới ánh đèn sáng rực, không biết mặt trời đã lại lên ở ngoài kia.
Nguồn: Thúy Quỳnh – Thùy An
VnEpxress