Trang Nikkei Châu Á vừa đăng tải một bài viết dẫn số liệu từ một công ty an ninh mạng có tên Internet 2.0, chỉ ra rằng Trung Quốc đã đặt mua nhiều máy xét nghiệm PCR tại tỉnh Hồ Bắc trước khi có báo cáo chính thức đầu tiên về ca nhiễm COVID-19.
Theo Internet 2.0, số tiền đã chi cho các máy PCR tại Hồ Bắc trong năm 2019 lên tới 67.4 triệu nhân dân tệ (khoảng 10.5 triệu USD). Con số này gần như gấp đôi nếu so với năm 2018, và sự chi tiêu này được cho là bắt đầu từ tháng Năm, năm 2019. Để có được số liệu này, Internet 2.0 đã phải thu thập và phân tích dữ liệu từ một trang web chuyên tổng hợp thông tin về các cuộc đấu thầu mua sắp vật tư công ở Trung Quốc. Nhóm phân tích bao gồm các cựu quan chức từ các cơ quan tình báo ở Mỹ, Anh, Úc và nhiều quốc gia khác.
Báo cáo này của Internet 2.0 tiếp tục làm dấy lên nghi ngờ về nguồn gốc chính thức của virus, điều vốn đã gây nên nhiều xung đột căng thẳng giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những phát hiện của báo cáo.
Trong số liệu được đưa ra, cụ thể, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bện CDC Trung Quốc đã tăng gấp 5 đơn đặt hàng máy test PCR. Ngoài ra, các phòng kiểm nghiệm động vật cũng ghi nhận số lượng đơn đặt hàng tăng thậm chí gấp 10 lần. Mặc dù vậy, các bệnh viện ghi nhận mức mua giảm hơn 10% so với năm trước đó. Như vậy, các đơn mua máy PCR được ghi nhận chủ yếu từ CDC và Quân đội Giải phóng Nhân dân, và như đã nói, các đơn này bắt đầu từ tháng Năm.
Trong giai đoạn tháng Bảy đến tháng Mười, lượng mua cũng tăng mạnh, ghi nhận chủ yếu đến từ Đại học Khoa học và Công nghệ Vũ Hán. Tổ chức này đã chỉ 8.92 triệu nhân dân tệ cho máy PCR vào năm 2019, gấp 9 lần tổng số tiền của các năm trước đó.
Báo cáo của Internet 2.0 nêu rằng sự tham gia mua máy PCR của các tổ chức này đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của COVID-19 vào năm 2019 là có liên quan. Họ cũng nói rằng đại dịch thực chất đã bắt đầu sớm hơn so với những gì mà Trung Quốc đã báo cáo cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO.
Trả lời với trang Bloomberg, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao cho rằng báo cáo này không đáng tin cậy, cũng giống như những báo cáo khác liên quan đến việc phân tích nguồn gốc của virus. “Truy xuất nguồn gốc virus là một vấn đề quan trọng, và chúng cần được các nhà khoa học giải quyết” – Người phát ngôn cho biết.
Giáo sư Akira Igata tại Trường Cao học Kinh doanh Tama ở Tokyo nói rằng mặc dù báo cáo này vẫn không thể khẳng định chắc chắn điều gì, tuy nhiên nó cũng là một thông tin mạnh mẽ để đưa ra kết luận về việc người ta đã bắt đầu có nhận thức về các ca nhiễm. “Báo cáo này có thể tạo cơ hội cho các quốc gia thúc ép Trung Quốc cung cấp thông tin về dịch bệnh một lần nữa” – Giáo sư Igata nói thêm.
Theo Nikkei