Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP HCM tạm “hạ nhiệt”, các bác sĩ, nhân viên y tá mới nhận ra họ đã có nhiều đêm dài không ngủ. Nỗ lực đến kiệt sức của họ đã mang lại sự bình an cho cộng đồng.
Hơn 2 tuần qua, trên địa bàn TPHCM không ghi nhận ca mới nhiễm Covid-19, hiện chỉ còn 2 bệnh nhân đang điều trị. Bên cạnh đó, số ca nghi nhiễm và cách ly tập trung cũng giảm nhanh.
Tới thời điểm này, những bác sĩ, nhân viên y tá mới nhìn lại “cuộc chiến” trong suốt hàng tháng qua với dịch bệnh.
“Nhường cơm sẻ áo” cho người cách ly
Cho tới ngày 20/4, khu Ký túc xá Đại học Quốc gia, TPHCM đã không còn người cách ly song nhóm bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Quận Thủ Đức vẫn tiếp tục lưu trú tại đây để sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Họ là những người tình nguyện, tiên phong khoác ba lô xông vào nơi nguy hiểm nhất của dịch Covid-19 khi thành phố triển khai khu cách ly tập trung.
Nhớ lại thời điểm hơn 1 tháng trước, BS Phan Minh Triết, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi đang trong ca trực lúc nửa đêm (19/3) thì nhận thông tin cần điều động nhân sự chuyên môn cho khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Đại học Quốc gia. Tôi còn trẻ, không bị vướng bận như các anh chị đã lập gia đình, có con nhỏ nên tôi quyết định xung phong tham gia lực lượng phục vụ chuyên môn”.
Tình hình thực tế những ngày đầu tại khu cách ly tập trung trong Ký túc xá căng thẳng ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Những chuyến xe đưa người từ vùng dịch về liên tục ra vào, số lượng người cần cách ly tăng nhanh, trong khi nhân lực y tế bước đầu chỉ khoảng 20 người. Nhân viên y tế đã phải thức trắng nhiều đêm để thực hiện việc kiểm tra thân nhiệt, khai thác thông tin dịch tễ, hỗ trợ cho những trường hợp cần chăm sóc chuyên môn.
Mất ngủ, áp lực công việc, tâm lý luôn căng thẳng khiến mọi người đều trong tình trạng kiệt sức. Bên cạnh đó, những lo lắng về nguy cơ lây nhiễm từ người cách ly luôn thường trực vì lực lượng làm công tác chuyên môn là những người thường xuyên tiếp xúc. Nhưng giữa khó khăn, gian khổ những lương y vẫn sẵn sàng nhường mọi điều kiện tốt nhất cho người bệnh.
BS Minh Triết chia sẻ: “Với chúng tôi, những người vào trung tâm cách ly đều là khách. Trong ký túc xá hầu hết đều là giường tầng với các sàn cứng không có nệm, trong khi nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của những người từ nước ngoài vừa nhập cảnh đều ở mức cao. Để khách có những giấc ngủ ngon, chúng tôi đã nhường lại nệm của mình, chuyển sang nằm ghế bố. Nhiều hôm, số người chuyển đến tăng nhanh, suất cơm trong một thời điểm không đủ để cung cấp thì nhân viên y tế và cả lực lượng dân phòng, an ninh hỗ trợ đều chủ động nhường phần cơm cho khách, còn mình ăn mì gói cho qua bữa”.
Nhớ lại những ngày làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người cách ly, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Vang (khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Quận Thủ Đức) chia sẻ: “Nửa đêm, có thông tin người cách ly cần hỗ trợ, chúng tôi lập tức tới tận giường bệnh. Đó là một người trong nhóm vừa đi chuyển giới từ nước ngoài trở về. Tôi thay băng cho bệnh nhân thì phát hiện vết thương đã bị nhiễm trùng nặng, khá nguy hiểm. Sau khi bác sĩ thăm khám, bệnh nhân đã được chuyển tới bệnh viện, cách ly, điều trị cho đến khi sức khỏe hoàn toàn bình phục. Khi rời khu cách ly, họ đã gửi cho chúng tôi những bức thư, những lời cảm ơn, đó là món quà vô giá tiếp thêm động lực cho nhân viên y tế nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ”.
Huy động tổng lực, đẩy lùi dịch Covid-19
Điểm “nóng” nhất của dịch Covid-19 tại TPHCM hiện đang tập trung tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. Ở đây có trường hợp nam phi công (43 tuổi) quốc tịch Anh đang trong tình trạng rất nặng. Nhiều tuần qua, các bác sĩ liên viện gồm Chợ Rẫy cùng Bệnh Nhiệt Đới đang phối hợp hồi sức tích cực dưới sự hỗ trợ chuyên môn từ Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19.
BS Nguyễn Thanh Trường, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Tất cả các y bác sĩ có chuyên môn giỏi nhất của bệnh viện đã được huy động, liên tục trực chiến bên giường bệnh theo dõi sát mọi diễn tiến của người bệnh. Đến nay, tình trạng bệnh nhân còn rất nặng, vẫn phải tiếp tục ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), lọc máu, thở máy… Cả ê kíp điều trị đã và đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể về mặt chuyên môn cho người bệnh. Chúng tôi hy vọng, những ngày sắp tới, bệnh sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực”.
Cùng với việc điều trị, khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đang hoạt động hết công suất với khả năng đáp ứng hơn 1.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày. Nhân viên khoa xét nghiệm làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao nhưng phải liên tục tăng ca để kịp thời trả kết quả cho các đơn vị gửi mẫu, từ đó chủ động giúp ngành y tế chủ động khoanh vùng xử lý khi phát hiện ca bệnh hoặc công bố khỏi bệnh cho từng trường hợp cụ thể.
Đến nay, ngoài các khu cách ly tập trung của thành phố và các khu cách ly tập trung tại các quận huyện thì 3 cơ sở gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ là những đơn vị chủ chốt trong cách ly, điều trị cho người nhiễm trên địa bàn TPHCM.
Sau trường hợp nam giáo viên ngoại ngữ 34 tuổi người Anh xuất viện vào ngày 18/4, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ đã điều trị thành công cho tất cả 16 trường hợp dương tính được xác định. BS Kim Phúc Thành, Trưởng Phòng kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ cho biết: “Tại bệnh viện không còn ca dương tính với Covid-19, đây là thành quả và nỗ lực phối hợp chuyên môn trong chăm sóc điều trị cho người bệnh của tất cả các bệnh viện như Nhiệt Đới, Thủ Đức, Quận 2 và Cần Giờ. Cuộc chiến với dịch bệnh có thể còn kéo dài, chúng tôi luôn sẵn sàng tâm thế chiến đấu với mục tiêu đẩy lùi dịch Covid-19”.
Theo thông tin từ Sở Y tế thành phố, một trong những cơ sở được điều động nhân sự và trang thiết bị lớn nhất là Bệnh viện Quận Thủ Đức. Trao đổi với phóng viên, TS.BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc bệnh viện cho biết: “Khi được ngành y tế điều động, ngoài các trang thiết bị lưu động phục vụ khám chữa bệnh, đến nay Bệnh viện Quận Thủ Đức đã huy động khoảng 100 y bác sĩ tham gia trực tại Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, làm nhiệm vụ tại Trung tâm cách ly tập trung, các chốt kiểm dịch của thành phố”.
Cũng theo TS.BS Minh Quân: “Trong tình hình khó khăn chung, tất cả cán bộ nhân viên y tế của bệnh viện đều phải tăng ca để vừa đảm bảo công tác khám và điều trị thường quy tại bệnh viện vừa đủ lực lượng cần để tham gia chống dịch. Những người tham gia chống dịch đều phải thực hiện cách ly theo quy định để tránh nguy cơ lây nhiễm nên bệnh viện đã lập nhiều ê kíp để đổi tua cho nhau, đảm bảo liên tục duy trì được lực lượng chuyên môn. Tại bệnh viện, chỉ trừ những trường hợp có con còn quá nhỏ, tất cả cán bộ nhân viên y tế đến nay đều đồng lòng tình nguyện tham gia chống dịch khi ngành y tế cần”.
Theo Dân Trí