Đây là một trong những quy định tại Nghị định 126/2020 hướng dẫn luật Quản lý thuế nhằm tránh thất thu thuế trong các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cần thêm hướng dẫn chi tiết
Luật sư Trương Thanh Đức nhận định: Việc NHTM cung cấp thông tin cho cơ quan thuế không có gì vi phạm đến quy định bảo mật. Đây là hoạt động bình thường trong công tác chống thất thu thuế. Quy định cũng nêu rõ cơ quan thuế chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp nên trường hợp ai sử dụng danh sách thông tin này bán dữ liệu thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngay cả Thụy Sĩ là nước nổi tiếng về việc NH bảo mật thông tin khách hàng thì nay cũng đã phối phợp với cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin nhằm chống thất thu, gian lận thuế.
Ngoài ra, NH còn thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là nhà cung cấp ở nước ngoài). Tổng cục Thuế phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch cho NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế. Trường hợp NHTM, tổ chức trung gian không thực hiện được khấu trừ, nộp thay thì có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hằng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho rằng: Giải pháp NHTM thực hiện khấu trừ thuế đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới phần nào chống được thất thu thuế từ lĩnh vực này, đồng thời nâng cao ý thức đối với người nhận thu nhập khi có tình trạng né thuế. Thực tế thời gian qua nhiều cá nhân nhận được thu nhập từ Google, YouTube… hay các công ty đa quốc gia này khai thác dịch vụ quảng cáo trực tuyến với doanh thu hàng tỉ USD tại Việt Nam mà không đóng thuế là điều không thể chấp nhận được. Việc đưa quy định NHTM cung cấp thông tin tài khoản, khấu trừ, nộp thay thuế vào luật Quản lý thuế sẽ có tính pháp lý cao hơn, thực hiện bài bản hơn.
Để quy định đi vào cuộc sống, ông Trương Thanh Đức cho rằng phía Tổng cục Thuế sẽ phải làm việc với các tập đoàn xuyên biên giới có phát sinh doanh thu tại thị trường VN để đưa ra một tỷ lệ thu thuế, từ đó tạo điều kiện cho NHTM có thể thực hiện được việc khấu trừ. Khoản thu nhập TMĐT xuyên biên giới được xác định đóng thuế nhà thầu, ở đây có nghĩa người bán hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện nghĩa vụ thuế và người mua chỉ có thể nộp thay. Do đó, cơ quan thuế cần có sự thống nhất với nhà cung cấp ở nước ngoài về tỷ lệ thuế phải đóng, nếu không dễ xảy ra trường hợp cá nhân thanh toán bị khấu trừ tiền thuế dẫn đến số tiền thanh toán không đủ trả cho phía nước ngoài và không được cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Có bảo mật thông tin tài khoản khách hàng?
Một trong những khúc mắc khi triển khai việc cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cá nhân tại NHTM được tranh luận đó là tính bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các NH, tổ chức tín dụng phải đảm bảo bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng. Các NHTM chỉ được cung cấp những thông tin trên khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Còn theo Nghị định 117/2018 của Chính phủ về giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, khách hàng khi thấy NH hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp, sử dụng thông tin của mình không đúng quy định có quyền khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nghị định này cũng quy định chi tiết những cơ quan, đơn vị có quyền ký văn bản yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng từ NH như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Viện kiểm sát, Tòa án, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế… Thế nên, nhiều ý kiến lo ngại việc bảo mật thông tin khách hàng bị vi phạm khi triển khai quy định trên.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Thuế – Hải quan (Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM), Nghị định 126/2020 hướng dẫn luật Quản lý thuế có hiệu lực kể từ ngày 5.12 của Chính phủ quy định việc NH cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng theo định kỳ cũng không phải thực hiện đại trà. Các NH chỉ có thể cung cấp thông tin sau khi có văn bản yêu cầu của Tổng cục Thuế với những cá nhân cụ thể cùng các lý do về nghi ngờ trốn thuế, kê khai thuế không đúng… Trong khi đó, để ra được quyết định yêu cầu NH cung cấp thông tin chi tiết, cơ quan thuế phải có danh sách cá nhân hay tổ chức có giao dịch TMĐT. Bên cạnh đó, việc NH thực hiện khấu trừ thuế với các cá nhân có tài khoản nhận thanh toán tại VN sẽ dễ hơn so với việc khấu trừ thuế với các tài khoản chi trả tiền cho các đơn vị xuyên biên giới như Google, Facebook. Do đó giải pháp này cũng chỉ mới góp phần gia tăng khả năng thu thuế TMĐT nhưng chưa đủ. Cần có giải pháp để có thể nắm được doanh thu từ các tập đoàn này tại thị trường VN để thực hiện thu thuế hiệu quả hơn.
Theo thanhnien.vn