Rau muốn là loại rau vô cùng quen thuộc với mọi người dân Việt Nam do dễ trồng, dễ chăm sóc và dễ sử dụng. Theo kinh nghiệm chữa bệnh của người dân Ấn Độ, rau muống rất bổ cho gan, giúp loại bỏ các chất độc tác hại đến gan.
Rau bổ như sâm
Theo Cựu Đại tá, lương y Bùi Hồng Minh, Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, chắc hẳn người dân Việt Nam nào cũng thuộc lòng câu ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Rau muống là loại rau khá dễ trồng và dễ chăm sóc. Cũng vì lẽ đó mà loại rau này được trồng khắp các vùng miền và có quanh năm. Tuy nhiên, rau muống được người dân ăn nhiều nhất vào mùa hè.
Có nhiều loại rau muống khác nhau như rau muống cạn, rau muống nước, rau muống hạt, ngoài ra, còn có rau thủy canh, rau muống Nhật. Lương y Bùi Hồng Minh cho biết từ xa xưa rau muống đã được dùng làm thuốc chữa bệnh. Loại rau dân dã này còn được vì như là “sâm Nam” của người Việt do có nhiều giá trị dinh dưỡng.
Tại một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc, rau muống là món ăn, bài thuốc tốt cho sức khỏe. Theo kinh nghiệm chữa bệnh của người dân Ấn Độ, rau muống rất bổ cho gan, giúp loại bỏ các chất độc tác hại đến gan.
Ăn rau muống sai cách
Trong ăn uống hàng ngày, rau có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy lượng protid và lipid trong rau tươi không đáng kể, nhưng rau xanh lại cung cấp cho cơ thể nhiều chất hoạt tính sinh học, đặc biệt là các muối khoáng có tính kiềm, các vitamin, các chất pectin và axit hữu cơ. Rau xanh còn có đường tan trong nước và chất xenluloza.
Về mặt dinh dưỡng, rau muống là loại rau được biết tới có nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Theo định lượng của Viện Dinh dưỡng, một đĩa rau muống luộc có trọng lượng 312g sẽ cung cấp:
– Năng lượng: 78kcal;
– Protein: 10g;
– Lipid 1,2g;
– Glucid 6,6g;
– Chất xơ 3,1g;
– Beta-caroten 17463mg;
– Vitamin C 72mg;
– Canxi 312mg;
– Sắt 4,4mg;
– Natri 116,7mg;
– Kali 1031,2mg;
– Kẽm 1,1mg.
Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, qua định lượng thành phần dinh dưỡng trên có thể thấy rau muống có hàm lượng beta-caroten và kali rất cao. Ngoài ra rau muống có có nhiều chất xơ, vitamin tương đối phong phú.
Thế nhưng, theo chuyên gia dinh dưỡng, cách nấu, sơ chế hiện nay khiến cho dưỡng chất bị hao hụt đi rất nhiều.
Rất nhiều người Việt khi luộc rau muống thường cho thêm một chút muối để rau xanh. TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho rằng thói quen luộc rau này không có lợi cho sức khỏe sẽ làm tăng lượng muối đưa vào cơ thể. Rau luộc có xanh hay không phụ thuộc vào kỹ thuật luộc rau chứ không phải do lượng muối cho vào.
“Trong rau muống đã có sẵn muối (muối tự nhiên trong rau), khi cho thêm muối và chấm nước mắm sẽ tạo ra thói quen ăn mặn không tốt cho sức khoẻ. Thói quen quen ăn mặn kéo dài sẽ có nguy cơ gây nhiều bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, bệnh thận…“, TS.BS Hưng nói.
Còn theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt, nhiều người có thói quen khi luộc rau muống và các loại rau khác thường mở nắp xoong để rau không bị vàng. Thói quen này khiến cho các vi chất có trong rau bị bay hơi, hao hụt đi rất nhiều.
Để rau không bị hao hụt chất dinh dưỡng, chuyên gia lưu ý khi nấu nên đun nước sôi già mới thả rau vào, đảo qua một lượt sau đó đậy nắp vung lại. Khi nước sôi lại, mọi người mở nắp đảo lần nữa rồi đậy vung, đợi chín rồi cho ra sử dụng.
TS. Từ Ngữ cho biết thêm nhiều người có thói quen luộc qua sau đó mới xào rau. Cách làm này giúp rau mềm hơn nhưng sẽ khiến các chất dinh dưỡng tốt trong rau bay hơi đi gần hết.
“Khi luộc, các chất dinh dưỡng đã hòa tan ra nước khá nhiều và đa số nước đó sẽ bị đổ bỏ. Công đoạn tiếp theo, rau xào ở nhiệt độ cao sẽ làm cho dưỡng chất trong rau bị phá huỷ. Tốt nhất nên xào rau trực tiếp không nên luộc trước khi xào”, TS Từ Ngữ nói.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều người có thói quen ăn sống rau muống chẻ. Tuy nhiên, ăn rau muống sống sẽ có nguy cơ nhiễm ký sinh trùng không tốt cho sức khoẻ.
Trong rau muống có nhiều ký sinh trùng, ví dụ như ký sinh trùng sán lá ruột. Vì vậy khi ăn rau muống cần chế biến kỹ để tiêu diệt các ký sinh trùng gây bệnh cho cơ thể. Mọi người nên rửa sạch rau rồi ngâm nước muối loãng hoặc dung dịch rửa rau trong 30 phút.
Để phòng tránh ngộ độc do ăn rau quả nhiễm thuốc bảo vệ thực vật, chuyên gia lưu ý:
– Ngâm kỹ, rửa sạch từng lá, nhất là các kẽ lá, gọt vỏ các loại quả ăn tươi. Riêng đối với các loại rau lá nhỏ như xà lách xoong, rau dền, bông cải nên pha vào nước rửa 1-2 muỗng cà phê muối để sâu bọ và côn trùng bò ra khỏi kẽ lá. Đối với các loại rau củ, trái cây, để nguyên củ, rửa sạch trước khi gọt vỏ.
– Rau quả phải ngâm ngập trong nước sạch 15-20 phút, rửa nhiều lần (ít nhất 3-4 lần) trong chậu nước đầy để loại trừ phần lớn các thuốc bảo vệ thực vật tồn dư.