Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ riêng năm 2021, có đến 47% nhân viên xuất sắc đã rời bỏ tổ chức của họ. Điều này đã gây ra sự tổn thất rất lớn cho công ty và sự tiếc nuối khi lãnh đạo không thể giữ chân được những nhân sự tiềm năng này.
Từ đó đặt ra một vấn đề là làm thế nào để xác định nhân viên xuất sắc và nhân bản ra tổ chức.
{index}
Nhân viên xuất sắc được gọi là nhân viên kiểu mẫu
Nhân viên xuất sắc hay còn gọi là nhân viên ưu tú, nhân viên tài năng, nhân viên giỏi. Họ là những người nổi bật về chuyên môn, kỹ năng cũng như thái độ làm việc. Họ không chỉ hoàn thành công việc một cách xuất sắc mà đôi khi còn vượt xa mong đợi từ người quản lý. Đồng thời sự cam kết của họ rất mạnh mẽ, họ luôn tự tin nhận trách nhiệm và đảm bảo công việc đạt được chất lượng như yêu cầu đề ra.
Những nhân viên xuất sắc thường đóng góp tích cực vào văn hóa của tổ chức và giúp công ty ngày càng phát triển. Vì vậy, hầu hết nhà lãnh đạo nào cũng muốn nhân bản những phẩm chất và đặc điểm của những nhân viên xuất sắc để thúc đẩy sự phát triển và thành công của tổ chức.
Điều gì tạo nên một nhân viên xuất sắc?
Dưới đây là một số đặc điểm và phẩm chất của những nhân viên xuất sắc tại nơi làm việc:
1. Tập trung vào mục tiêu của họ
Những nhân viên xuất sắc đều có một đặc điểm chung là họ sẽ tập trung thời gian và sức lực để đạt được mục tiêu của họ một cách mạnh mẽ. Họ biết rõ những gì họ cần đạt được và muốn đạt được cũng như xác định rõ mục tiêu cá nhân và chuyên môn của mình. Điều này giúp họ duy trì được sự tập trung và ổn định trong công việc của họ, không sa đà và mất thời gian vào những việc không quyết định đến sự thành công trong công việc. Khi đó họ làm việc hiệu quả hơn và thậm chí còn tạo ra những bứt phá.
2. Luôn tạo ra khác biệt, đột phá trong công việc
Kiến thức chuyên môn vững vàng, thái độ làm việc tích cực, luôn nỗ lực hết mình trong công việc có lẽ là điều mà nhân viên nào cũng có thể đạt được nếu trải qua quá trình học hỏi liên tục.
Tuy nhiên, có một đặc điểm rất riêng ở những nhân viên xuất sắc đó chính là họ có sự sáng tạo và luôn khao khát tạo ra sự khác biệt. Họ không muốn đi theo những lối mòn cũ, họ muốn thay đổi và mong muốn giúp công ty của mình khác với những công ty ngoài kia. Ở họ có một tư duy sáng tạo, khả năng nghĩ ra những ý tưởng mới đi trước đối thủ và đưa ra các giải pháp độc đáo để giải quyết khó khăn.
3. Không chỉ nỗ lực hết mình mà họ còn đặt tình cảm vào công việc
Để đạt được thành tích cao trong công việc, những nhân viên xuất sắc không chỉ nỗ lực, cố gắng hết mình mà họ còn đặt tình cảm vào công việc. Đây chính là sự khác biệt dễ dàng nhận thấy giữa nhân viên bình thường và nhân viên xuất sắc.
4. Vững vàng về kỹ năng chuyên môn
Chắc chắn rồi, để trở thành nhân viên xuất sắc và được công nhận thì yếu tố về chuyên môn vững vàng là điều rất quan trọng. Điều này giúp nhân viên hiểu rõ những yêu cầu, thách thức và cơ hội liên quan đến công việc. Hơn nữa, họ cũng có tư duy tốt hơn, có khả năng sáng tạo và tạo ra những giải pháp tốt nhất.
Sự vững vàng về chuyên môn cũng thể hiện trong việc họ không ngừng học hỏi và cập nhật kiến thức, xu hướng để áp dụng vào công việc và đóng góp vào sự phát triển của tổ chức. Họ cũng có thể là người dẫn đầu trong việc áp dụng các phương pháp và công nghệ tiên tiến vào công việc hằng ngày.
5. Chấp nhận những lời phê bình mang tính xây dựng
Những lời phê bình, chỉ trích mang tính xây dựng không hề tiêu cực mà nó giúp cho mọi người tiến bộ hơn và biết cách rút kinh nghiệm ở những lần sau.
Với nhân viên xuất sắc, họ luôn có một thái độ tích cực và khả năng học hỏi từ những lời phê bình. Họ hiểu rằng việc phê bình là một cơ hội để cải thiện và phát triển, họ không đánh giá nó như một cuộc tấn công cá nhân.
Thay vì tức giận và thù oán, họ lắng nghe ý kiến, chấp nhận sự chỉ trích và chủ động điều chỉnh để làm việc tốt hơn trong tương lai. Điều này là một phần quan trọng của sự phát triển cá nhân và sự nghiệp, và nó thể hiện sự chín chắn và khả năng học hỏi của nhân viên xuất sắc.
6. Luôn giữ thái độ tích cực
Nhân viên xuất sắc không chỉ làm việc với một tinh thần nhiệt huyết và họ luôn có thái độ tích cực trong công việc và với những người xung quanh. Điều này giúp cho họ sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Thay vì bị đánh bại bởi khó khăn, họ thường nhìn thấy cơ hội trong mọi tình huống và nỗ lực tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Tại sao việc giữ chân những nhân viên xuất sắc lại quan trọng?
Những nhân viên xuất sắc sẽ mang lại nhiều giá trị và đóng góp vào sự phát triển của tổ chức. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy rằng 10% năng suất đến từ 1% nhân viên hàng đầu và 26% sản lượng cũng đến từ 5% nhân viên hàng đầu. Qua đó, nghiên cứu chỉ ra rằng người làm việc hiệu suất cao thường có khả năng làm việc cao hơn so với nhân viên bình thường.
Vì vậy, hiện nay các tổ chức không chỉ muốn giữ chân nhân viên xuất sắc mà các lãnh đạo còn muốn nhân bản nhân viên xuất sắc ra nhiều nhân viên khác, tức là họ muốn các nhân viên khác trong công ty có những đặc điểm của một nhân viên xuất sắc.
Nhưng trước khi muốn nhân bản nhân viên xuất sắc thì có một việc đau đầu hơn, đó là giữ chân họ. Bởi biết đâu ở ngoài kia có rất nhiều công ty hàng đầu đang “nhòm ngó” đến nhân viên tiềm năng của bạn hay nhân viên xuất sắc có thể đang đi tìm kiếm những công việc tốt hơn, cơ hội tốt hơn trên các trang tuyển dụng.
Bạn không thể chắc chắn rằng nhân viên đó sẽ gắn bó lâu dài và cống hiến hết mình cho tổ chức? Nhưng có một điều bạn chắc chắn đó là nếu mất đi những nhân viên xuất sắc thì bạn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tiêu cực như mất đi khả năng cạnh tranh, mất đi tri thức, tinh thần nhân viên đi xuống, mất đi những đối tác quan trọng, mất đi bản sắc riêng, mất đi sự sáng tạo…
Vậy phải làm thế nào?
1. Lương thưởng xứng đáng
Một trong những lý do phổ biến mà nhân viên giỏi rời tổ chức đó là lương thấp hoặc mức lương không xứng đáng với giá trị của họ. Có thể là một số tổ chức đang tiếc tiền chi trả cho nhân viên giỏi hoặc họ không đủ ngân sách nhưng họ lại không biết được rằng ở ngoài kia có rất nhiều công ty đang bỏ ra rất nhiều tiền để “săn lùng” ứng viên giỏi về làm việc cho tổ chức của họ.
Điều đó có nghĩa là bạn rất may mắn vì tổ chức của bạn có nhân viên giỏi. Hãy xem xét đến việc tăng lương và khen thưởng, điều này giúp đảm bảo rằng nhân viên giỏi được trả lương theo giá trị thực sự mà họ mang lại cho tổ chức. Tổ chức có thể tham khảo cách trả lương theo cơ chế lương 3P, tức là trả lương theo vị trí, năng lực và hiệu suất làm việc.
2. Cung cấp cơ hội phát triển bản thân liên tục
Những nhân viên xuất sắc và cầu tiến họ không bao giờ muốn làm việc cho một tổ chức kìm hãm sự phát triển của họ và không cung cấp bất kỳ chương trình đào tạo nào. Vì vậy hãy tạo cơ hội để nhân viên có thể tiếp cận với tri thức, kỹ năng… bằng cách cử đi học những khóa nâng cao, cung cấp khóa học trực tuyến, đề bạt nhân viên vào những dự án quan trọng…
3. Trao quyền cho nhân viên
Trao quyền cho nhân viên là một trong những phương pháp hiệu quả để tạo ra sự cam kết, môi trường làm việc tích cực và thúc đẩy hiệu suất công việc. Nếu quản lý can thiệp hoặc kiểm soát công việc của nhân viên quá mức, có thể dẫn đến căng thẳng, áp lực và thiếu đi sự tin tưởng.
Ngược lại, việc trao quyền cho nhân viên giúp họ cảm thấy tự chủ, được tin tưởng và có khả năng thể hiện bản thân. Họ có cơ hội đóng góp ý kiến, tham gia vào quá trình ra quyết định, điều này sẽ thúc đẩy phát triển cá nhân và sự cam kết đối với công việc.
Bên cạnh đó, khi trao quyền cho nhân viên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như tăng hiệu suất công việc, tăng khả năng sáng tạo, tăng sự hài lòng của nhân viên…
4. Tạo ra môi trường làm việc tích cực
Tất nhiên rồi, một môi trường làm việc tích cực sẽ giúp nhân viên hạnh phúc mỗi khi đi làm và tăng khả năng gắn kết của họ. Hiện nay, việc xây dựng văn hóa làm việc đã trở thành một trong những ưu tiên chính của nhiều chính sách trên toàn thế giới. Đó là việc các tổ chức có sự ưu tiên phúc lợi dành cho nhân viên, hỗ trợ nhân viên mọi cấp bậc, có chính sách nghỉ ngơi, khen thưởng, luôn đồng cảm và lắng nghe…
Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay sẵn sàng và chấp nhận bỏ ra hàng chục triệu đồng để tìm kiếm những ứng viên giỏi và trả lương cao hơn thị trường cho những nhân viên tiềm năng đó. Trong khi đó, có những tổ chức sở hữu đội ngũ nhân viên giỏi nhưng họ lại không biết cách xác định nhân viên xuất sắc và giữ chân họ. Nếu không hành động thì có thể họ sẽ lần lượt rời đi và tìm một công ty khác tốt hơn.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp các nhà quản trị giải quyết tình trạng “chảy máu chất xám” đang “nhen nhóm” trong tổ chức.