Việc sử dụng thuốc đã hết hạn tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP HCM là xì-căng-đan, nếu không bị phát hiện sớm thì nhiều sinh mạng của người bệnh bị đem ra “thử thuốc” hết date hoặc cả thuốc giả, thuốc kém chất lượng!
Ngày 24-6 Bệnh viện Truyền máu – huyết học TP HCM nhận được phản ánh của thân nhân người bệnh L.T.K.C. (sinh năm 2016, bị bệnh suy tủy) về việc người bệnh được cấp phát và sử dụng thuốc Antithymocyte Globuline (Thymogam 250mg) là thuốc quá hạn sử dụng (hết date).
Qua kiểm tra, bệnh viện phát hiện hai lọ thuốc Thymogam 250mg được cấp phát cho bệnh nhân L.T.K.C. có thời hạn sử dụng ghi trên nhãn là tháng 1-2020, tức là thuốc quá hạn, trong đó có một lọ đã dùng rồi và một lọ đã truyền 1/3.
Thuốc Thymogam 250mg đã hết hạn sử dụng vẫn cấp cho bệnh nhân. Ảnh: LĐ
Điều lạ lùng là kiểm tra trên hệ thống phần mềm quản lý thuốc của bệnh viện này thì 2 lọ thuốc đó lại có hạn sử dụng là tháng 11-2021!
Vậy tại sao thuốc đến bệnh nhân lại là thuốc quá hạn?
Ngay trong báo cáo đầu tiên về sự cố này, Bệnh viện Truyền máu – huyết học đã nghi có hiện tượng tráo đổi thuốc.
Công an đã vào cuộc điều tra, bước đầu qua trích xuất camera quan sát của bệnh viện, đã phát hiện và đang theo dõi một số người có nghi vấn và dấu hiệu tiêu cực ở khoa dược.
Rõ ràng tại Bệnh viện Truyền máu – huyết học đã có lỗ hổng quản lý ở khoa dược, lỗ hổng về quản lý thuốc ở các phòng, các khoa.
Vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra nhưng bài học rút ra ở đây, nói thẳng ra là công tác quản lý dược phẩm, từ khâu đấu thầu, mua vào, lưu kho, phân phối, đến tay người bệnh. Sự cố xảy ra ở Bệnh viện Truyền máu – huyết học hoàn toàn có thể xảy ra ở các bệnh viện khác từ nhỏ đến lớn, mà chuyện tráo thuốc quá hạn sử dụng chỉ là một trong những hành vi nguy hiểm mà thôi.
Thuốc là mặt hàng mà người tiêu dùng (người bệnh) gần như không có quyền lựa chọn, mặc cả, bệnh viện bán thuốc gì thì người bệnh phải dùng thuốc đó. Dược phẩm, thiết bị y tế là một thị trường rất lớn. Nhiều loại thuốc rất đắt tiền, nhất là các loại thuốc đặc trị, nhiều thiết bị y tế tiền tỉ nên rất dễ bị tiêu cực. Sợ nhất vẫn là thuốc giả, thuốc dỏm, thuốc kém chất lượng, với những cuộc đấu thầu “chân giả, chân thật” mà quyền lợi bên A (thường là bệnh viện hoặc sở y tế các địa phương) rất lớn. Vụ án buôn bán thuốc ung thư giả của VN Pharma là một điển hình. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng đến với người bệnh, người bệnh ung thư là loại tội ác không thể tha thứ.
Tương tự, với thiết bị y tế, như trường hợp các địa phương mua máy PCR xét nghiệm Covid, “ăn dày” như vậy, dùng đủ chiêu để “chạy tội” nhưng trước sau gì cũng bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
Dược phẩm cũng vậy, là sức khỏe, là mạng sống của người dân, mọi hình thức “ăn thuốc” đều phải bị trừng trị. Mới đây nguyên giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk Doãn Hữu Long và 10 người khác liên quan đến đầu thầu thuốc đã bị bắt giam và khởi tố, chỉ là một vụ án điển hình trong ngành dược!
Nói thẳng ra, hành vi nào ăn trên đầu bệnh nhân, đều là tội ác cần phải bị trừng trị.
Với trường hợp bé gái 4 tuổi bị suy tủy nêu trên, nếu cứ dùng thuốc quá hạn sử dụng thì điều gì xảy ra?
Bài học ở Bệnh viện Truyền máu – huyết học thiệt cay đắng nhưng đó cũng là lời cảnh báo trong công tác quản lý, mua bán dược phẩm và các thiết bị y tế. Đây là ngành có thị phần cực lớn nên dễ sinh tiêu cực, kể cả tiêu cực kiểu tráo thuốc đặc trị hết hạn sử dụng, người ta cũng sẵn sàng làm, miễn là có thu lợi, dù bất chính và độc ác đến tận cùng!
Theo Người Lao Động