Và niềm mong mỏi lớn nhất lúc này chính là tăng cường sự tương tác giữa phụ huynh và giáo viên để kịp thời bổ khuyết cho trẻ những hao hụt trong việc học online, kết nối lớp học ảo.
Buộc phải thích nghi dần với việc dạy học trực tuyến
Sau ngày khai giảng đặc biệt đong đầy cảm xúc, học sinh cả nước bước vào những tuần học trực tuyến đầu tiên với nhiều bỡ ngỡ, thậm chí nhiều nơi gặp không ít trở ngại do trang thiết bị học tập thiếu thốn, mạng internet chập chờn và những lúng túng khi tiếp cận các phần mềm dạy học.
Dù vậy, phải khẳng định rằng học sinh và giáo viên trên khắp cả nước đang nỗ lực hết mình cho những ngày dài chiến đấu với diễn biến bất thường của dịch bệnh cũng như nối dài hành trình tri thức: Dừng đến trường nhưng không dừng việc học!
Trẻ cần cảm nhận chắc chắn rằng bản thân mình không hề đơn độc khi chập chững bước đi trong thế giới ảo.
Khó khăn, trở ngại bước đầu của thầy và trò đang được ghi nhận để tháo gỡ dần các nút thắt giúp việc học trực tuyến đạt hiệu quả. Giáo viên chúng tôi đang mày mò làm quen với các phần mềm dạy học, vừa làm vừa sửa sai, khắc phục dần các “lỗ hổng” công nghệ để xây dựng bài giảng, kết nối với học trò và thực hành việc dạy học online.
Các chương trình tặng máy tính bảng, “ATM điện thoại” vươn dài cánh tay đến những cảnh đời hao hụt góp phần nhen lên niềm hy vọng về tình người trong khốn khó và đỡ nâng bước chân đến trường của những cô cậu học trò hiếu học.
Phụ huynh nơi nơi lao xao hỏi nhau trên các hội nhóm về cách tải bài giảng, cách kết nối đường link, cách sử dụng các ứng dụng để đồng hành với việc học của con trẻ…
Đó là những tín hiệu tích cực cho một xã hội học tập không ngừng nghỉ trong bối cảnh cả nước vừa gồng mình chống dịch vừa chăm lo cho việc học của con trẻ. Trong chúng ta, không ai phủ nhận ý nghĩa của việc học truyền thống: học sinh đến trường, thầy trò kết nối trực tiếp.
Nhưng tình thế buộc chúng ta phải thích nghi dần với việc dạy học trực tuyến trong thời gian chờ đợi phủ sóng vắc-xin tiến đến cuộc sống “bình thường mới”.
Và niềm mong mỏi lớn nhất lúc này chính là tăng cường sự tương tác giữa phụ huynh và giáo viên để kịp thời bổ khuyết cho trẻ những hao hụt trong việc học online, kết nối lớp học ảo. Bên cạnh đó là sự tương tác giữa bố mẹ và con cái trước và sau mỗi buổi học cần được duy trì để trẻ cảm nhận rõ ràng về sự đồng hành của gia đình, nhà trường trên con đường làm bạn với tri thức.
Để trẻ không đơn độc khi bước đi trong thế giới ảo
Trẻ cần cảm nhận chắc chắn rằng bản thân mình không hề đơn độc khi chập chững bước đi trong thế giới ảo. Và trẻ cần được san lấp, xoa dịu những sóng sánh tâm lý khi ngày dài ngồi trước màn hình để học mà thiếu hụt hẳn kết nối tự nhiên!. Chính vì vậy, để đồng hành và đỡ nâng con cái trong thời gian học trực tuyến này, bố mẹ đừng bao giờ rơi tõm vào suy nghĩ và hành động đơn giản: Chỉ mở máy là xong!
Đầu tiên, hãy dành thời gian để hỏi han việc học của con, kịp thời phát hiện những vướng mắc, trở ngại của con khi làm quen với những bài dạy qua truyền hình và các phần mềm online. Những câu hỏi bình thường tưởng như vô nghĩa như “Con học hôm nay vui chứ?”, “Thầy/ cô giảng bài dễ hiểu không?”, “Có chỗ nào cần bố mẹ hỗ trợ chăng?”… lại cực kỳ cần thiết và ý nghĩa trong những ngày trẻ kiệm lời trước màn hình công nghệ như thế này!
Thứ hai, hãy định hướng rõ ràng với con cái về mục tiêu học tập trực tuyến! Giờ học cần cố gắng tiếp thu những kiến thức cơ bản nào được giáo viên truyền tải. Sau giờ học cần bổ khuyết những kiến thức, kỹ năng nào để hoàn thiện bài học. Mỗi ngày cần bao nhiêu thời gian cho việc học trực tuyến, bao nhiều thời gian cho các hoạt động kết nối thực khác với bố mẹ cũng cần được phân định rõ ràng để trẻ bớt sa đà vào thế giới ảo.
Thứ ba, hãy tạo ra môi trường học tập thuận lợi cho trẻ để con chuyên tâm vào bài học với thầy cô! Cho con một không gian im ắng thay vì ồn ào tiếng nói cười ra rả chính là giúp con. Nhường con các thiết bị số trong những giờ học cố định chính là thương con. Và ôm choàng lấy con trẻ, đập tay động viên con, vỗ vai cổ vũ con… sau mỗi buổi học, mỗi bài tập hoàn thành chính là cách truyền động lực tích cực nhất giúp con có thêm tự tin, an tâm và nỗ lực cho ngày dài học trực tuyến.
Những khó khăn và trở ngại trong những ngày đầu tiên học trực tuyến sẽ qua nhanh thôi, chắc chắn là thế. Hãy vững tin và nuôi dưỡng niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn, đó chính là liều thuốc quan trọng để mỗi chúng ta vượt qua hiện thực sóng sánh muộn phiền.
Theo Nguyễn Thanh – Dân Trí