Theo lãnh đạo ngành thuế và công an kinh tế, để ngăn chặn, phát hiện các đối tượng, đường dây mua bán trái phép hóa đơn, ngành thuế đã rà soát các doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu rủi ro cao về thuế vào tầm ngắm thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, chế tài xử phạt loại tội phạm này vẫn còn quá nhẹ chưa đủ sức răn đe…
Tang vật một vụ án mua bán hóa đơn trái phép. Ảnh: Internet
Thành lập doanh nghiệp để mua bán hóa đơn
Chưa đầy 2 tháng qua, Công an Hải Phòng đã phá 3 vụ mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) với doanh số lên đến 9.000 tỷ đồng.
Ngày 9/7, tại văn phòng Cty Suvinco Việt Nam (đóng tại phường Đằng Hải, Hải An), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng bắt quả tang Nguyễn Thị Lương (SN 1994, ở Đằng Lâm, quận Hải An), có hành vi mua bán trái phép hóa đơn VAT cho Vũ Bích Loan (SN 1979, ở xã An Đồng, huyện An Dương).
Qua điều tra, công an phát hiện đối tượng cầm đầu là Nguyễn Văn Sức (SN 1981, ở phường Lãm Hà, quận Kiến An). Bước đầu, Sức khai nhận đã trực tiếp thành lập hoặc thuê thành lập 15 công ty phục vụ việc mua bán trái phép hóa đơn VAT. Chỉ trong thời gian ngắn, tổng doanh số bán hàng hóa, dịch vụ khống từ 15 công ty của Sức lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng.
Khám xét tại trụ sở các công ty của Nguyễn Văn Sức, công an thu giữ 70 quyển hóa đơn VAT, 27 con dấu các loại và tang vật liên quan.
Theo một cán bộ điều tra thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế – PC03, Công an TP Hà Nội, để ngụy trang, các đối tượng mua bán hóa đơn giả thường thuê người đứng tên thành lập doanh nghiệp (DN) “ma”, đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, con dấu, sau đó tổ chức bán hóa đơn hàng loạt với số lượng và doanh số lớn rồi bỏ trốn.
Người được thuê thường là những người kém hiểu biết, thậm chí mù chữ, hoặc bị mượn chứng minh thư nhân dân mà không hay. Một số trường hợp được thuê lại mắc bệnh hiểm nghèo. Hơn nữa, khi thuê người đứng tên làm giám đốc DN, đối tượng chủ mưu thường không trực tiếp giao dịch mà thông qua các đối tượng cò mồi, trung gian để che giấu tung tích của mình.
Trường hợp khác, cùng lúc đối tượng mượn nhiều người hoặc thuê giấy tờ tùy thân của người khác để thành lập nhiều DN. Doanh nghiệp này phát hành hóa đơn làm “đầu vào” cho DN kia cùng hoạt động mua bán hóa đơn với số lượng lớn, trong thời gian dài, sau đó cùng bỏ trốn.
Ngoài ra, theo cán bộ công an kinh tế, một số trường hợp còn lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa trên các hóa đơn.
Nhận dạng doanh nghiệp có “rủi ro cao về thuế”
Theo ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập DN, cơ chế tự khai tự nộp thuế, cơ chế DN tự in, phát hành, quản lý và sử dụng hóa đơn… để thành lập DN hoặc mua bán DN. Sau đó, các đối tượng in, phát hành và mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Để ngăn chặn tình trạng trên, vị lãnh đạo này cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế hàng năm có văn bản hướng dẫn các cơ quan thuế địa phương tăng cường kiểm tra chặt chẽ các khâu: Kê khai thuế; In ấn, phát hành, quản lý sử dụng hoá đơn; Rà soát các DN có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, qua đó tập trung thanh tra, kiểm tra các DN này để phát hiện, xử lý sai phạm.
“Người nộp thuế không tuân thủ các quy định về đăng ký, kê khai và nộp thuế như không góp vốn điều lệ theo quy định; thường xuyên chậm nộp hồ sơ kê khai và nộp thuế theo quy đinh; kê khai lỗ nhưng liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh; số thuế nộp thấp hơn rất nhiều các DN kinh doanh cùng ngành nghề; doanh thu liên tục tăng nhưng số thuế phát sinh giảm; có thời gian hoạt động dưới 12 tháng nhưng đã sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 đến 2.000 số hóa đơn),…”, ông Nguyễn Đức Huy, Vụ Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết thêm một số đặc điểm nhận dạng DN rủi ro cao để thanh, kiểm tra.
Hiện tại, Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định này để áp dụng với tất cả tổ chức, cá nhân.
“Khi sử dụng hóa đơn điện tử thông tin về hóa đơn của DN được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục, cơ quan thuế có ngay thông tin về doanh thu, chi phí hằng ngày của DN. Nhờ đó có thể kịp thời phát hiện những bất thường khi DN xuất hóa đơn. Đây là biện pháp góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước, hạn chế việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp”, vị đại diện Tổng cục Thuế nói.
Theo Tiền Phong