TP HCM triển khai đồng bộ nhiều cơ chế thông thoáng để kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp FDI trên các lĩnh vực công nghiệp để hỗ trợ và kết nối, phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu
Đón cơ hội lớn từ trào lưu chuyển dịch đầu tư hậu Covid-19 và mới đây nhất, Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) tuyên bố luôn coi trọng và xác định Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong các dự án hợp tác của Mỹ, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam và chính quyền các tỉnh, thành tăng cường hỗ trợ, đầu tư cho doanh nghiệp (DN) trong nước nắm bắt thời cơ, gia nhập các chuỗi cung ứng quốc tế.
Tại TP HCM, 5 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất công nghiệp vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 7,16% (cùng kỳ tăng 6,64%); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước giảm 2,71% (cùng kỳ tăng 5,96%). Trong hàng loạt giải pháp hỗ trợ DN phát triển sản xuất – kinh doanh 7 tháng cuối năm, ngoài các chính sách hỗ trợ về vốn, 12 ngân hàng thương mại đăng ký gói tín dụng 274.450 tỉ đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp. Đồng thời, để hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các ngân hàng cho vay gói tín dụng trên với lãi suất ngắn hạn chỉ 5,5%/năm (giảm 0,5%/năm so với thời điểm đầu năm 2020). Đến nay, 4.571 khách hàng là DN đã được vay vốn với số tiền 35.855 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn có hoạt động hỗ trợ về công nghệ. Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết do Nghị quyết số 16 HĐND TP về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020 đã hết hiệu lực nên sở đang xây dựng Nghị quyết mới giai đoạn 2021-2025 để triển khai các chính sách hỗ trợ DN trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thông qua chương trình kích cầu đầu tư của TP.
TP HCM tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển
Theo ông Nguyễn Phương Đông, ngoài chương trình cho vay vốn kích cầu đầu tư, thời gian qua TP còn triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm các sản phẩm công nghiệp chủ lực và tiềm năng; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu, có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, có lợi thế để tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Nhiều hoạt động xúc tiến, đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN công nghiệp hỗ trợ của TP với DN sản xuất đầu cuối, DN FDI đầu tư vào TP đã diễn ra thông qua nhiều hình thức, như: tổ chức kết nối trực tiếp giữa DN sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ của TP với DN FDI đang đầu tư tại Việt Nam; tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hoạt động triển lãm công nghiệp chuyên ngành… nhằm giúp DN tiếp cận khách hàng, cập nhật xu hướng sản xuất, công nghệ mới, qua đó chủ động cải tiến sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Theo các DN, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng đang đứng trước cơ hội lớn để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu khi xu hướng dịch chuyển đầu tư của các chuỗi cung ứng toàn cầu đang đổ về Việt Nam. Để hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội này, ngoài chủ trương chính sách của nhà nước, các ngành chức năng, hiệp hội đã và đang tích cực, chủ động làm cầu nối giữa DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với DN FDI, các nhà sản xuất đầu cuối tổ chức nhiều hoạt động đào tạo, kết nối…
Đã giải ngân 1.000 tỉ đồng vốn đầu tư theo Nghị quyết 16
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 16, đã có 1.500 lượt DN, đơn vị tiếp cận các chính sách theo chương trình kích cầu. 24 dự án đầu tư của các DN công nghiệp hỗ trợ thực hiện đầu tư trên địa bàn TP HCM được UBND TP phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư là 1.000 tỉ đồng, mức hỗ trợ lãi vay cho các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 100% trong thời gian tối đa 7 năm, mức vay tối đa 200 tỉ đồng/dự án. |
Theo Người Lao Động