Vào thời điểm năm 1994, khi Internet còn xa lạ với đa số chúng ta, Jeff Bezos đã lập nên Amazon để theo đuổi một “viễn tưởng”, và hiện tại, ông còn muốn đi xa hơn nữa…
Khi chàng thanh niên 30 tuổi Jeff Bezos khởi nghiệp… bán sách online trong garage của gia đình, không ai có thể ngờ rằng chỉ sau hơn hai thập kỷ, Amazon đã trở thành một trong những doanh nghiệp thành công nhất trong lịch sử hiện đại. Đồng thời, Bezos cũng trở thành tỷ phú giàu nhất thế giới.
Là doanh nghiệp đặt cột mốc cho thương mại điện tử, thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới, Amazon là niềm cảm hứng mạnh mẽ cho giới kinh doanh công nghệ nhờ thành công vượt trội và tốc độ tăng trưởng thần tốc.
Jeff Bezos đã làm điều đó như thế nào?
Steve Anderson – một nhà nghiên cứu và tư vấn doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đã tìm kiếm câu trả lời trong các lá thư thường niên mà Jeff Bezos gửi cho cổ đông trong suốt 21 năm.
Ở vai trò người quan sát, ông đã nối kết những chiến lược được Bezos viết trong các bức thư này với từng bước phát triển trong thực tế của Amazon, từ đó, tìm ra mật mã chung là 14 nguyên lý tăng trưởng thần tốc để xây dựng và phát triển doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói về Amazon qua con số doanh thu hay số lượng nhân viên khổng lồ thì chưa đủ. Tác giả diễn giải các nguyên lý tăng trưởng này bằng cách đặt hành trình của Amazon vào bối cảnh chung rộng lớn, cũng như dành nhiều quan tâm đến cá nhân Jeff Bezos trong vai trò một nhà kiến tạo có tầm nhìn dài hạn, với tham vọng vượt xa khỏi thành công hiện tại của Amazon.
Câu chuyện vũ trụ và khái niệm “Thất bại thành công”
Đầu những năm 1960, cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ NASA đã thành lập nhiều dự án với mục tiêu đưa con người lên Mặt trăng. Năm 1967, con tàu Apollo 1 bốc cháy – thảm kịch gây rúng động thế giới này là cú đánh khốc liệt vào tham vọng chạm tới các vì sao của nhân loại.
Nhưng đến năm 1969, Apollo 11 đã bay vào vũ trụ thành công, đánh dấu lần đầu tiên con người bước chân lên mặt trăng. Tuy nhiên, khó khăn chưa dừng lại, năm 1970, bình oxy của Apollo 13 phát nổ, khiến nhiệm vụ bay đến mặt trăng bị hủy bỏ, thay vào đó là tập trung đưa các phi hành gia sống sót trở về.
Trong sách, tác giả Steve Anderson đưa ra một luận điểm thú vị: Khi Apollo 11 đặt chân lên mặt trăng, Jeff Bezos chỉ mới năm tuổi; khi Apollo 13 thất bại, Bezos mới bảy tuổi. Nhưng câu chuyện về NASA thì có liên quan gì đến Jeff Bezos và Amazon?
Từ thuở nhỏ, Bezos đã có đam mê tìm tòi, sửa chữa và phát minh trong mọi thứ, từ khâu vết thương cho bò ở nông trại đến chế tạo nồi cơm hoạt động bằng năng lượng mặt trời. Trí tưởng tượng của cậu bé khi đó còn được nuôi dưỡng nhờ vào những cuộc trò chuyện với ông ngoại – người từng tham gia các dự án nghiên cứu nâng cao quốc phòng Hoa Kỳ sau khi Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik lên vũ trụ.
Đến tuổi trung học, Bezos – lúc ấy tốt nghiệp thủ khoa. Bài phát biểu trước toàn trường của ông nhắc về giấc mơ du hành vũ trụ và đưa con người đến hành tinh mới.
Tinh thần thử nghiệm và niềm tin vào chiến lược dài hạn một lần nữa được Bezos khẳng định khi lập nên Amazon vào thời điểm mà phần lớn mọi người trên thế giới còn chưa biết Internet là gì. Điểm chung giữa hành trình chinh phục vũ trụ của NASA với cách mà Bezos điều hành Amazon được Steve Anderson gọi tên là “thất bại thành công” – can đảm thử nghiệm, chấp nhận rủi ro và học hỏi từ thất bại.
Ở NASA, sau thảm họa là thành công vang dội, sau thành công vang dội lại là thất bại – mỗi giai đoạn, các kỹ sư luôn nghiên cứu từng ngóc ngách, xét lại toàn bộ quy trình để tìm ra sai sót, và sẵn sàng linh động thay đổi kế hoạch khi cần thiết.
Ở Amazon, Bezos đưa ra tiêu chuẩn cao nhất trong mọi mặt, đòi hỏi sự sáng tạo liên tục, đánh cược vào những ý tưởng lớn. Thất bại trị giá hàng trăm triệu đô la là “không đáng kể” (theo lời của chính ông) nếu chúng được nghiên cứu kỹ càng để trở thành bài học đắt giá cho thử nghiệm tiếp theo.
Amazon thành công là thế, nhưng chưa đủ. Bezos còn có Blue Origin. Trái với sự đình đám của Amazon, Blue Origin là một câu chuyện khác.
Ít ai biết rằng chỉ sau Amazon vài năm, Bezos đã thành lập Blue Origin. Trong suốt 15 năm đầu, sự tồn tại của công ty này không được biết đến rộng rãi bởi những nghiên cứu để phát triển công nghệ được Bezos cùng đội ngũ tiến hành một cách lặng lẽ.
Nói riêng về mức độ quảng bá trên truyền thông, SpaceX của tỷ phú Elon Musk hẳn là vượt trội hơn khi từng vụ phóng tên lửa được tường thuật cho cả thế giới theo dõi. Thế nhưng, trên thực tế, Blue Origin đã có những thành quả cũng như tiềm lực cho tương lai không hề thua kém SpaceX, và được xem là công ty đi đầu trong lĩnh vực khai phá không gian vũ trụ.
Có một sợi dây xuyên suốt rõ ràng trong tất cả những gì mà Bezos làm: Ý thức về tầm quan trọng của kế hoạch dài hạn, về ảnh hưởng của việc đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển trải dài nhiều thế hệ.
Khi Amazon ra đời, họ đã sử dụng những phát minh có sẵn: Từ máy tính để bàn cho đến hệ thống thanh toán với thẻ tín dụng và mạng lưới vận tải – đây là cơ sở hạ tầng đã được các thế hệ trước dày công nghiên cứu và hoàn thiện, việc của Amazon chỉ là tận dụng chúng một cách thông minh. Hơn ai hết, Bezos hiểu rằng thành công của Amazon có được một phần nhờ vào “đứng trên vai những người khổng lồ”.
Với Blue Origin, có lẽ sẽ là một hành trình dài hơi hơn. Nếu với vài thế hệ trước, việc có thể mua bất cứ thứ gì từ nơi cách xa ta nửa vòng trái đất chỉ bằng một cú nhấp chuột thật khó tin, thì ở thời điểm hiện tại, việc cơ hội du hành vũ trụ được mở rộng cho tất cả mọi người tương tự như hàng không giá rẻ càng khó tin hơn nhiều lần.
Nhưng nếu một ngày, viễn cảnh xa xôi đó trở thành hiện thực, đó là nhờ những nghiên cứu và thử nghiệm không ngừng nghỉ mà thế hệ này đang làm. Bezos muốn Blue Origin góp phần vào công cuộc xây dựng nền móng cho tương lai ấy.
Cuốn sách “14 Nguyên tắc tăng trưởng thần tốc như Amazon” không phải là bản tổng hợp những lá thư của Jeff Bezos gửi cho các cổ đông, mà nội dung thư được trích dẫn trở thành tiền đề để tác giả Steve Anderson lý giải về sự tăng trưởng đáng kinh ngạc của Amazon dưới sự lãnh đạo của Bezos.
Với sự dẫn dắt của tác giả, bạn đọc sẽ tìm thấy những bài học hữu ích trong kinh doanh lẫn tư duy kiến tạo đến từ một trong những doanh nhân thành công nhất thế giới.
Theo Nguyễn Thao – Nhịp sống kinh tế