Việc hiểu những yếu tố ở nơi công sở là rất quan trọng, đặc biệt là trong môi trường làm việc online hoặc môi trường kết hợp giữa cả mô hình làm việc từ xa và làm việc tại công ty.
Mỗi văn phòng là một tổ hợp gồm những cá nhân với những vai trò riêng biệt – không chỉ trong công việc, mà còn trong những mối quan hệ chốn công sở. Dù ở trong môi trường nào, việc hiểu rõ vai trò của mỗi người và đưa ra những chiến lược nhằm tối ưu khả năng của họ là một điều cần thiết.
Nếu bạn hỏi ai đó về cách họ đạt được thành công như thế nào, khả năng cao họ sẽ điểm danh một số cá nhân có vị trí quan trọng trong con đường sự nghiệp của mình, chứ không chỉ dừng lại ở tên của vị giám đốc giúp họ thăng chức.
Bạn (cũng như quản lý của bạn) có thể sẽ cần 4 kiểu đồng nghiệp chủ chốt sau đây để có thể đạt tới thành công trong sự nghiệp. Thế nhưng, cùng với đó là một kiểu người mà chúng ta phải có một số kỹ năng mới có thể hòa hợp.
Người “đồng chí”
Bất cứ ai cũng cần những người đồng nghiệp thân cận để có thể hỗ trợ nhau trong những ngày làm việc đầy khó khăn và thử thách.
Một người ‘đồng chí’ nơi công sở hiểu rõ những gì diễn ra, những vướng mắc bạn gặp phải và sẵn sàng lắng nghe khi bạn cần. Người này không chỉ lắng nghe khi bạn muốn giải tỏa nỗi bức xúc hay bực bội, mà họ còn đưa ra lời khuyên chân thành, hữu ích đối với bạn. Theo góc nhìn tâm lý, họ thực sự rất trân trọng bạn và điều này rất có ý nghĩa, đặc biệt là ở trong một môi trường làm việc có tính cạnh tranh khốc liệt.
Người cố vấn
Dù có ở vị trí nào đi chăng nữa, bạn cũng cần một người cố vấn. Họ sẽ giúp bạn nhìn thấu những thách thức nhất định cũng như liên hệ trợ giúp từ các bên khi bạn cần. Nếu bạn chưa gặp được ai như vậy, hãy nhanh chóng tìm kiếm một hình tượng bạn ngưỡng mộ và muốn học hỏi. Đa phần họ sẽ cảm thấy hãnh diện khi được người khác xin lời khuyên.
Trong môi trường làm việc kết hợp, hãy tận dụng thực tế là bạn đã “gặp” một người phù hợp với vai trò này trong những cuộc họp trực tuyến gần đây. Nếu bạn tin người ấy có thể đưa ra những kiến thức bổ ích, hãy bắt chuyện với họ, mời họ dẫn dắt và cố vấn cho mình.
Nên nhớ rằng, người cố vấn của bạn cũng có thể là người cố vấn của sếp về vấn đề bổ nhiệm, thăng chức. Vậy nên khi bạn thể hiện sự uy tín đối với họ, việc thăng tiến sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Người bạn ở phòng nhân sự
Mặc dù nhân viên nhân sự phải giữ bí mật về một số điều nhất định, họ có thể cung cấp một số thông tin nếu bạn muốn nhưng không quá chi tiết. Bạn có thể biết thêm một số kiến thức về cơ hội việc làm mới hoặc bất kỳ thay đổi nào trong nội bộ chưa được công khai.
Khi bạn là một nhân viên mới ở một môi trường làm việc từ xa, hãy đảm bảo rằng trong quá trình tham gia, bạn thực hiện kết nối và lên lịch thường xuyên cho một cuộc trò chuyện trao đổi để tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của công ty. Nhân viên nhân sự từ xa cũng sẽ tìm thấy giá trị trong các cuộc thảo luận này, vì vậy mối quan hệ là đôi bên cùng có lợi.
Người “gác cổng”
Đôi khi, có một số cánh cửa khó mở ra hơn so với những cánh cửa khác, chẳng hạn như việc bạn muốn liên lạc với Chủ tịch hoặc Tổng Giám đốc. Thông thường, sẽ có những người gác cổng quyết định liệu bạn có thể gặp cấp trên hay không. Thậm chí, người đó có thể là lễ tân. Người gác cổng là người tiếp xúc với nhân viên từ tất cả các phòng ban mỗi ngày – bao gồm cả những người ở cấp quản lý.
Từ thuyết phục Chủ tịch dành 10 phút gặp bạn hay chia sẻ thông tin về một dự án mới chưa được công khai, những người gác cổng đều có thể làm được. Hãy chắc chắn tìm cách kết nối với họ và để lại ấn tượng về vai trò là một đồng nghiệp đáng tin cậy.
Trong khi công việc của bạn chỉ cần bốn kiểu người quan trọng như trên, vẫn còn một kiểu đồng nghiệp thích gây khó dễ mà bạn cần nắm rõ.
Kẻ bắt nạt
Không may thay, nạn bắt nạt nơi công sở có thể xảy ra với bạn ở một thời điểm nhất định trên con đường sự nghiệp. Điều rõ ràng cần làm là bạn phải tránh tiếp xúc với kẻ bắt nạt bất cứ khi nào có thể. Hãy hạn chế đụng mặt họ trừ những trường hợp bắt buộc vì công việc và đừng ngần ngại rút lui nếu mọi chuyện đi quá xa.
Chuyên gia về EQ, Kevin Allen nói rằng: “Có hàng trăm lý do tại sao một người lại muốn bắt nạt đồng nghiệp của mình. Phải chăng vì họ ghen tị với thành tích của bạn hoặc vì một lý do đáng lo ngại hơn – họ có thành kiến và không thể chịu nổi một cá nhân đặc biệt như bạn”.
Dù bạn có đang đối mặt với bất cứ hình thức bắt nạt nào, một cuộc nói chuyện rõ ràng sẽ giải quyết tất cả. Ngay khi bạn hiểu rõ trường hợp mình vướng phải cũng như chính sách của công ty, bạn cần liên hệ ngay với bộ phận nhân sự để tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho chuyện này.
Tuy nhiên, trước khi làm vậy, hãy cân nhắc xem liệu bạn và kẻ đố kỵ kia có thể thỏa thuận không. Hãy gặp mặt họ riêng để bày tỏ suy nghĩ một cách logic cũng như chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, hãy chắc chắn bạn đã lên ‘dàn ý’ cho cốt lõi của vấn đề, sau đó giải thích rõ ràng và nhấn mạnh với họ rằng điều này đang ảnh hưởng tới cả bạn và công việc của bạn. Đôi khi có trường hợp kẻ bắt nạt lại không lường được sự vô tâm của mình đang ảnh hưởng tới người khác như thế nào.
Nếu phương pháp trên không hiệu quả, bạn chắc chắn phải liên hệ với Phòng Nhân sự hoặc sếp của mình. Nên nhớ, bạn cần nhấn mạnh tính tiêu cực của vấn đề này đang ảnh hưởng tới bạn và hiệu suất công việc. Đạo đức nơi công sở không phải là trò đùa với các doanh nghiệp, nên nếu vấn đề, họ sẽ xem xét một cách nghiêm túc.
Như Kevin Allen nói: “Cuối cùng, hãy đảm bảo rằng bạn ‘sở hữu”’ những cống hiến của mình trong công việc. Những kẻ bắt nạt thích nghi ngờ về năng lực của bạn chứ không phải nhắm vào sự kém cỏi. Hãy ghi lại những đóng góp tích cực của bạn và cố gắng xác định tiến trình bạn đang đạt được”.
Nguồn: Fastcompany
Theo Ngọc Hạ – Pháp luật & Bạn đọc