Đoạn đối thoại giữa chàng trai và một vị sư sẽ giúp bạn ngộ ra những điều ý nghĩa trong cuộc sống này.
Câu chuyện thứ nhất: Làm sao để làm hài lòng Trời Phật?
Có một người nghĩ thế này: Nếu có thể làm hài lòng Trời Phật, làm hài lòng Thượng Đế hoặc các vị thần linh, vậy chẳng phải cuộc sống của anh ta sẽ luôn được suôn sẻ, may mắn hay sao?
Nghĩ xong, anh ta cảm thấy rất vui vẻ, liền tìm đến hỏi một vị sư trụ trì cách làm hài lòng Trời Phật để mong sẽ kiếm được nhiều tiền hơn và tránh xa những điều xui xẻo.
“Thưa sư trụ trì, xin hãy cho con biết cách để làm hài lòng Trời Phật ạ, con xin đội ơn thầy”, anh ta khẩn khoản nói.
Nhà sư nhìn anh ta rồi bảo: “Vậy anh hãy ra ngoài nghĩa địa và sỉ nhục những người đã khuất ở đấy đi”.
Nghe lời khuyên có vẻ kỳ lạ ấy, chàng trai cảm thấy có chút thắc mắc, song không dám cãi lại, nghĩ chắc để làm hài lòng Trời Phật chẳng đơn giản hay dễ dàng gì, nên lẳng lặng đi và làm đúng như lời nhà sư dặn dò.
Hôm sau, anh ta lại tới, báo lại kết quả cho nhà sư. Nhà sư lại nhìn anh ta, hỏi rằng: “Họ có đáp lại lời anh không?”.
Chàng trai thật thà trả lời: “Không ạ”.
“Vậy được, anh lại ra nghĩa địa một lần nữa, nhưng lần này, hãy khen ngợi họ cho ta”, nhà sư lại nói tiếp.
Chàng trai lại làm đúng như vậy. Hôm sau quay lại, nhà sư lại hỏi: “Họ có trả lời không?”.
“Không ạ”, anh ta buồn rầu đáp lời.
Đến lúc này, nhà sư mới tới gần, nghiêm khắc nói với người thanh niên: “Để làm hài lòng Trời Phật, anh cũng làm như thế đi. Đừng để ý đến những lời mắng nhiếc hay nịnh nọt của người khác, mà hãy kiên định với con đường mình đã chọn thì may mắn sẽ tự khắc đến với anh mà thôi”.
Lời bàn: Trong những lúc khốn khó, nhiều người chọn cách tin vào những thế lực siêu nhiên như Trời Phật, thần linh, coi đây như một điểm tựa để có thêm cảm giác an toàn và động lực cố gắng trong cuộc sống.
Đây là một điều dễ hiểu, và cũng không có gì đáng chê trách.
Thế nhưng, đến chính Đức Phật cũng đã từng nói rằng, việc tin có thần linh hay không cũng không quan trọng bằng việc bản thân mỗi người phải luôn nỗ lực, cố gắng, không trông cậy vào bất cứ người nào khác để có được cuộc sống đầy đủ, tốt đẹp.
Mỗi người chính là một tấm bùa hộ mệnh tuyệt vời nhất cho mình, hãy biết cách tận dụng.
Câu chuyện thứ hai: Lớp tráng bạc tạo nên khác biệt
Có một người đàn ông giàu có nhưng tâm tư luôn trĩu nặng vì những vấn đề gặp phải trong cuộc sống, mới tìm tới gặp một nhà sư để xin lời khuyên.
Sau khi nghe ông ta trình bày, nhà sư dắt ông ta đến cạnh một cái cửa sổ rồi nói: “Ông có nhìn qua kính được không? Ông nhìn thấy gì nào, hãy nói cho tôi biết?”.
Người đàn ông rất hiếu kỳ, bèn trả lời ngay lập tức: “Tất nhiên là tôi nhìn thấy rồi. Kính trong suốt mà? Tôi nhìn thấy những người đang đi ngoài đường. Tôi còn nhìn thấy một người đàn ông bị mù đang đi ăn xin”.
Nhà sư mỉm cười, gật đầu, rồi lại dẫn người đàn ông đi đến bên một chiếc gương lớn, rồi chỉ tay vào gương và hỏi: “Vậy bây giờ ông nhìn thấy gì?”.
Người đàn ông nhìn vào trong gương rồi trả lời: “Tôi chỉ nhìn thấy chính tôi mà thôi”.
Nhà sư đáp lại: “Đúng vậy, bây giờ ông chỉ nhìn thấy bản thân, chứ không hề nhìn thấy ai khác nữa. Ông có nhận ra rằng, kính và gương đều được làm từ một loại nguyên liệu, thế nhưng tại sao lại cho ra kết quả khác nhau? Đó là do có sự xuất hiện của 1 thứ: 1 lớp tráng bạc. Có lớp tráng bạc thì là gương, không có lớp tráng bạc thì là kính. Cuộc đời con người cũng như vậy thôi.
Cuộc sống của ông chỉ có giá trị khi ông dũng cảm xé đi tấm tráng đó, để ông có thể nhìn thấy được cả những người khác, nhìn ra xa hơn, thấy được cả những người có cuộc sống còn bất hạnh và đau khổ hơn, để ông có thể mở rộng thế giới quan của mình.
Khi đó, ông sẽ không còn vướng mắc trong những vấn đề của bản thân nữa và sẽ biết mình phải làm gì”.
Lời bàn: Đôi khi con người cứ bận tâm vì những chuyện nhỏ nhặt, cho đến khi họ phát hiện ra những gánh nặng mà người khác phải mang theo. Vì thế, hãy mở rộng thế giới quan của mình để biết bản thân còn may mắn hơn nhiều so với nhiều người khác và không lãng phí thời gian vào việc buồn phiền nữa.
Theo ICT Việt Nam