Mới đây, một bà mẹ đã chia sẻ câu chuyện con gái 6,5 tuổi của mình được chẩn đoán dậy thì sớm, và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị kéo dài ít nhất 4 năm tới đây. Bố mẹ bé cho rằng nguyên nhân là do bé thức khuya, dậy sớm, ăn uống kém lành mạnh và sử dụng mỹ phẩm của người lớn, liệu có đúng?
Theo chia sẻ của người này trên mạng xã hội, gần cuối năm 2020, bố mẹ của bé gái nêu trên phát hiện ngực của con hơi nhỉnh hơn trước kia nhưng 2 bên lại lệch nhau, sờ vào cũng chưa thấy gì khác thường nên họ chỉ nghĩ rằng do con bụ bẫm. Tuy nhiên, đến hè năm nay (2021), 2 bên ngực bé phát triển thấy rõ, có nhân cứng hơn.
Về mặt tâm lý, dù thể hiện của bé vẫn rất ngây ngô nhưng đã bắt đầu hay hờn dỗi và nhạy cảm hơn rất nhiều, đáng chú ý là bé ăn nhiều hơn, ăn không biết no. Bên cạnh đó, bé cao rất nhanh, người chắc hơn nhiều – điều này giống hệt như biểu hiện của mẹ bé khi vào độ tuổi dậy thì lúc đang học cấp 2.
Nội dung bài đăng như sau: “Dậy thì sớm – ngủ thì muộn. Chào mọi người, Chắc cũng lâu rồi, mẹ bạn C. mới chia sẻ về vấn đề con cái. Phần vì con càng lớn, các vấn đề của con dần xa vòng tay mình hơn, phần vì dạo gần đây cũng chẳng làm được gì cho con mà chia sẻ. Nhưng lần này, có một chuyện xảy ra với C., khiến mẹ cháu quyết định lên tiếng mạnh mẽ, và mong là mọi người cũng sẽ cùng vào cuộc để cứu vãn tuổi thơ của chính những đứa trẻ xung quanh chúng ta. C. – 6,5 tuổi, được bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm. Con đã phát triển từ cách đây ít nhất 6 tháng. 2 ngày vừa qua, bố mẹ C. đã cùng con đi một chặng dài để hoàn tất hồ sơ bệnh án cho con, chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị kéo dài ít nhất 4 năm tới đây. Gần cuối 2020, bố mẹ phát hiện ra ngực C. hơi nhỉnh hơn so với trước. Tuy nhiên, lúc này thấy hơi lệch nên nghĩ chỉ là con bụ. Sờ cũng chưa thấy gì đặc biệt. Đến hè năm nay, 2 bên ngực con phát triển thấy rõ, có nhân cứng hơn. Dù thể hiện thì vẫn rất ngây ngô, nhưng bắt đầu hay hờn dỗi và nhạy cảm (vốn đã nhạy cảm sẵn), và đáng chú ý là bạn ăn rất nhiều, ăn không biết no. Tỉ lệ thuận với những dấu hiệu đó là bạn cao rất nhanh, thịt cũng dày và chắc hơn nhiều, y như mẹ hồi cấp 2, khi chuẩn bị bước vào tuổi dậy thì. Nhận thấy có gì đó sai sai so với tầm tuổi này, mẹ cháu quyết định hỏi kinh nghiệm anh chị em bạn dì, đưa con đi khám. Con vào bệnh viện S.P., gặp tiến sĩ H. chuyên dậy thì sớm ở khoa Nhi. Sau khi khám và làm một loạt các xét nghiệm đo nồng độ hóc môn trong máu, đo chỉ số máu, chụp X-quang, đo tuổi xương, siêu âm ổ bụng – tử cung… Con được chẩn đoán là dậy thì sớm và các chỉ số đã vượt 2SD so với độ tuổi của con. Ngực con đã phát triển từ ít nhất là 6 tháng trước. Lúc này do đã chuẩn bị tinh thần nên bố mẹ cũng bình thản đón nhận, dù lộ trình tiếp theo của con rất dài: nếu may mắn con đáp ứng thuốc thì sẽ là liên tục trong vòng 4 năm tiếp theo, cứ 28 ngày lại vào viện test và tiêm thuốc để duy trì mức hóc môn phát triển đúng tuổi, để kéo dài tuổi thơ cho con. Khoan nói đến việc tốn kém tiền bạc, công sức, chỉ riêng việc giải thích với một đứa trẻ 6 tuổi là vì sao con lại phải tiêm nhiều thế, con đang đối mặt với chuyện gì… cũng đủ làm bố mẹ bối rối. Thử tưởng tượng nếu phát hiện muộn hơn, con kết thúc quá trình dậy thì với những dấu hiệu rõ rệt, khó chịu và đường đột hơn trên cơ thể, tâm lý xáo trộn hơn mà con không biết tại sao, rồi tò mò về giới tính từ sớm khi xung quanh các bạn chưa ai có cùng tâm lý như mình, cũng chưa có sự định hướng… Thật sự thương con chảy nước mắt. Thế nên dù chạy liền mấy ngày, đi về cả trăm cây qua các viện để chuyển viện cho con từ E. về S.P., bố mẹ cũng cố gắng. Con cũng dũng cảm lắm. Lần đầu tiên tiêm và lấy máu nhiều lần liên tục như thế, còn niệm Phật khi tiêm, lấy máu và lên “phi thuyền” để chụp MRI. Mình vẫn biết con rất là may mắn vì đã phát hiện sớm trước 8 tuổi – lúc này, con sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi đến 80%, cũng kịp thời ngăn chặn vì mỗi đứa trẻ chỉ sau 2 năm từ lúc bắt đầu phát triển là hoàn tất quá trình dậy thì. May mắn nữa là con gặp bác sĩ tốt và còn đáp ứng thuốc, không rơi vào tình cảnh vô phương cứu chữa. Tuy thế, mình cũng khá hoang mang vì gia đình mình không thuộc kiểu chăm bẵm tẩm bổ cho con từ bé. Nuôi con rất xỉnh xô, thậm chí có phần… buông thả với việc ăn uống vì C. ăn khá là tuỳ hứng nhưng không bao giờ để bản thân bị đói cả. Vậy, tại sao con lại bị dậy thì sớm cơ chứ? Lúc này mẹ cháu mới truy vết lại, kết hợp với những điều bác sĩ giải thích, mới thấy xung quanh mình đứa trẻ nào cũng có nguy cơ dậy thì sớm. C. sữa mẹ hoàn toàn từ ngày đầu sinh ra đến 11 tháng thì chuyển sang sữa S. của Thuỵ Điển – 1 loại sữa rất lành và có cấu trúc rất gần với sữa mẹ, lại thuộc dòng hiếm vì không có hàng nhái như nhan nhản các nhãn hiệu sữa Nhật, Đức và Anh như các sữa bạn thời điểm đó. Sau 15 tháng tuổi, con chuyển sang sữa tươi D. hoặc A. ở nhà, sữa bò tươi ở trường mầm non và từ sau 2 tuổi 4 tháng thì uống sữa hạt (cả sữa nấu ở trường K.T. và sữa V. đóng hộp). 4 tuổi, con chuyển về trường mẫu giáo công lập, chấm dứt giai đoạn sữa hạt và uống sữa học đường. Con không thích sữa học đường nên thường bỏ hộp sữa vào balo mang về, bố thường xếp sẵn cho con sữa T. ít đường hoặc M. vào balo để con uống thay bữa sữa chiều. Có chi tiết đáng nói chút là con thích uống sữa M. và bà nội thường là nhà tài trợ vàng sữa M., sữa tươi các loại. Nhà mình có để ý thấy sữa M. khuyến cáo dành cho trẻ trên 6 tuổi nên dặn bà không mua nữa, nhưng sau đó, M. lại đính chính là TRẺ DƯỚI 6 TUỔI KHÔNG UỐNG TỪ 2 HỘP MỖI NGÀY nên bố cháu lại yên tâm cho uống ngày 1 hộp nhỏ, từ 4 tuổi. Các loại sữa cao lớn, phát triển khác con đều không uống. Con thích ăn bánh kẹo nhưng ở mức vừa, chủ yếu là bánh gạo, bánh C. ăn không đáng kể. Thích ăn nhất là xúc xích heo C. và gà rán, khi còn ở Hà Nội tuần nào cũng được đi ăn gà rán M. và cũng hay đi ăn bít tết. Mẹ cũng hay làm gà rán, sườn nướng, bít tết tại nhà vì nhìn chung con thích đồ chiên rán, nướng. Đồ luộc thì hầu như không đụng đũa. Con càng lớn càng lười ăn rau, gần đây mới thích ăn brocoli (bông cải – PV), hoa quả thì chỉ thích bưởi, dưa hấu, mấy món hoa quả nhập hay trái mùa cũng hờ hững nên mẹ chẳng tốn kém nhiều. Nhưng, có 2 việc mà mình thấy con mắc phải từ bé: 1 là hay thức khuya hoặc dậy quá sớm. Từ lúc biết xem TV và máy tính bảng là đã ham hố nên dậy sớm hơn bố mẹ hoặc thức muộn hơn để xem chương trình mình thích. Có lúc mắt sưng như gấu trúc vì thiếu ngủ. 2 là từ lúc tóc con dài, hay chạy nhảy ra mồ hôi, mẹ cho dùng chung dầu gội, sữa tắm với mẹ, dùng thêm ít dầu xả cho mượt tóc mềm da. 2 việc này đều ảnh hưởng rất xấu đến hóc môn của con và dẫn đến dậy thì sớm. Nguyên nhân trực tiếp có lẽ nó bao gồm tất cả: ăn uống – thức ăn công nghiệp – rau quả trái mùa – mỹ phẩm hoá học – lối sống và không loại trừ là do… cơ địa, do ăn ở. Song, có thể các ông bố bà mẹ đâu đó cũng sẽ có lúc từng như mình, vô tư và xỉnh xô mà không để ý một hai thói quen nhỏ có thể khiến con vất vả hơn trong chặng đường lớn lên sau này. Mình thực sự không mong muốn đứa trẻ nào tiếp tục phải trường kì kháng chiến như C. nữa. Hiện giờ con đang vào viện để tiêm mũi hóc môn đầu tiên. Mẹ và con sẽ quay trở lại, để nói thêm về nguyên nhân dậy thì sớm mà chúng ta thường mắc phải. Và khởi động cuộc sống lành mạnh, sống chậm, LỚN CHẬM, từ hôm nay. Các bố mẹ nếu cảm thấy mình cũng có thể trong câu chuyện này, thì hãy đồng hành cùng con với nhà C. nhé”. |
Nhận thấy những bất thường này, bố mẹ nhanh chóng đưa cô bé đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện bé bị dậy thì sớm, ngực đã phát triển từ ít nhất 6 tháng trước.
Bố mẹ cho rằng nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì sớm ở cô bé là do thường xuyên thức khuya, dậy sớm để xem TV và nghịch thiết bị điện tử; thích ăn thực phẩm chiên rán, nhiều dầu mỡ như xúc xích, gà rán, bít tết, sườn nướng… hầu như không ăn rau và món luộc. Thêm vào đó, việc dùng chung sữa tắm và dầu xả của người mẹ cũng là một trong những tác nhân gây dậy thì sớm được bố mẹ của bé nghi ngờ.
Bé gái được chẩn đoán dậy thì sớm chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị kéo dài ít nhất 4 năm tới (Ảnh: NVCC)
Nguyên nhân gây dậy thì sớm thực sự là gì?
Theo bác sĩ Tô Quang Huy, Phòng khám Quang Huy, “dậy thì là giai đoạn đặc biệt liên quan đến biệt hóa giới tính, kèm theo thay đổi về tâm lý, hình thái, nhận thức ở bé… Quá trình này chịu sự chi phối của nhiều yếu tố như nội tại bên trong cá thể, môi trường sống bên ngoài, chấn thương tâm lý“.
Dậy thì sớm khi bé trai trước 10 tuổi, bé gái trước 8 tuổi đã phát triển các đặc tính của sinh dục bao gồm:
Bác sĩ Tô Quang Huy, Phòng khám Quang Huy
– Dậy thì sớm thật
Nguyên nhân do tăng tiết hormone hướng sinh dục, hậu quả làm trưởng thành cơ quan sinh dục. Với bé gái thì phát triển vú trước 8 tuổi, lông mu phát triển sớm, thay đổi âm hộ, âm đạo, kinh nguyệt sớm; bé trai sẽ phát triển dương vật, tăng kích thước tinh hoàn, lông mu mọc, xuất tinh sớm, có trứng cá, giọng ồm…
Hiện tượng trên xuất hiện vì tổn thương thần kinh trung ương, u não (chủ yếu ở bé trai), chấn thương (khi mẹ sinh, tai nạn), nhiễm trùng viêm màng não, sọ hẹp, não úng thủy; hoặc do di truyền.
– Dậy thì sớm giả
Khi trẻ gặp tình trạng dậy thì sớm giả thì chúng ta chỉ thấy một số đặc điểm sinh dục phụ phát triển, không có sự hoàn thiện của cơ quan sinh dục và hormone. Nó được chia làm 2 loại là dậy thì sớm giả đồng giới và dậy thì sớm giả khác giới.
Với dậy thì sớm giả đồng giới, bé gái sẽ tăng tiết estrogen làm quầng vú phát triển, sẫm màu, ngoài vú to kèm theo kinh nguyệt, điều này có thể do u buồng trứng hoặc do dùng hoá mĩ phẩm sớm như sơn móng, thuốc nhuộm tóc hoặc béo phì… Trong khi đó, bé trai sẽ gặp tình trạng dương vật to, lông mu phát triển, tinh hoàn nhỏ, tăng tầm vóc, mọc mụn trứng cá, nguyên nhân có thể do u tinh hoàn, u vỏ thượng thận.
Với dậy thì sớm giả khác giới, bé gái sẽ tăng tiết androgen làm phát triển lông mu, âm vật to, cơ bắp. Bé trai gặp tình trạng vú to. Điều này chủ yếu do tăng sản thượng thận bẩm sinh, u vỏ thượng thận, u buồng trứng (với nữ).
Ngoài ra còn dậy thì sớm không hoàn toàn với biểu hiện lông mu kèm lông nách phát triển, có thể có trứng cá, cao lớn nhanh thực ra không cần điều trị cũng tự hết.
Ảnh minh họa: QQ
Nói về việc chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến sự dậy thì sớm ở trẻ hay không, BS. Huy khẳng định: “Đa số dậy thì sớm thường không liên quan đến ăn uống nhiều mà liên quan đến tổn thương thần kinh và tuyến thượng thận”.
Lấy ví dụ như những sản phẩm từ đậu nành tương đối an toàn với tất cả các bé, mà hàm lượng dinh dưỡng cao, hàm lượng phytoestrogen thấp. Các mẹ yên tâm cho bé dùng vì đến thời điểm này, chưa có căn cứ khoa học nào khẳng định chúng có ảnh hưởng đến sự dậy thì sớm ở bé gái và vô sinh ở bé trai.
Tuy nhiên, BS. Huy cũng lưu ý mọi người rằng:
– Khi sử dụng những thuốc chứa corticoid cho bé trong điều trị phải cực kì cẩn trọng và đúng liều vì nó liên quan nhiều đến tuyến thượng thận của bé. Tốt nhất phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
– Sử dụng ít mỹ phẩm với các bé gái vì chúng có một phần ảnh hưởng đến dậy thì của bé.
– Với người mẹ mang thai bé gái cần hạn chế phơi nhiễm thuốc lá.
– Khi bé có biểu hiện khác thường về phát triển giới tính sớm, cần đi khám ngay để điều trị kịp thời.
Theo Pem