Các y bác sĩ Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 đều rất trẻ. Tình nguyện vào tâm dịch Covid-19, họ chấp nhận hiểm nguy, kể cả việc đánh đổi tính mạng.
Xông vào chiến tuyến – Chọn nghề phải xứng đáng với nghề
Đang tất bật với nhiều ca bệnh, đội tình nguyện 18 y bác sĩ của Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não vẫn vui vẻ dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện như người thân trong nhà. TS.BS. Nguyễn Thanh Long (32 tuổi) cho hay, từ lúc thông tin về Covid-19 lan truyền, lây nhiễm với tốc độ chóng mặt thì trong lòng đã thôi thúc phải làm một điều gì đó góp sức cùng đồng nghiệp tuyến đầu đang ngày đêm căng thẳng đối chọi với dịch bệnh.
“Đảng, Nhân dân đã tin tưởng vào đội ngũ y bác sĩ trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Là bệnh viện tuyến đầu điều trị cho bệnh nhân Covid miền Trung, tôi biết được nguy hiểm của dịch bệnh này cũng như vai trò, trách nhiệm của bản thân trong lúc đất nước khó khăn” – BS Long chia sẻ.
BS Nguyễn Thanh Long “Xông vào chiến tuyến để chia sẻ áp lực, khó khăn cùng đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch là việc cần làm”
Để hiểu được về căn bệnh này, tuy lệch về chuyên khoa khi ngày ngày tiếp xúc những ca bệnh từ tai nạn giao thông, về đầu, chân, tay… chứ không phải truyền nhiễm, vi sinh như các khoa trực tiếp tham gia chống Covid, BS Long đã tự học và hỏi các đồng nghiệp một số kiến thức về kiểm soát nhiễm khuẩn như cách mặc áo quần bảo hộ, chăm sóc bệnh nhân…
Ngoài ra, ở cuộc họp giao ban hàng ngày, được Trưởng khoa và Ban Giám đốc Bệnh viện phổ biến thêm kiến thức cộng với kinh nghiệm từ đồng nghiệp đang ở khu cách ly điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 chia sẻ nên BS Long đã vững vàng hơn khi tích lũy trong mình cách phòng, chống Covid cho bản thân và cách chăm sóc người bệnh mắc Covid.
BS trẻ mới 32 tuổi này tâm sự: “Xông vào chiến tuyến để chia sẻ áp lực, khó khăn cùng đồng nghiệp ở tuyến đầu chống dịch là việc cần làm. Tôi còn trẻ, với tư tưởng ngành y xuyên suốt trong chống dịch, dù tham gia lần đầu nhưng sẽ cố gắng tất cả để thành công”.
Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. là nơi đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 của Huế và miền Trung & Tây Nguyên
Phụ trách công việc không kém phần quan trọng là điều dưỡng cho cả khoa, nữ điều dưỡng Khoa – Phạm Thanh Huyền (31 tuổi) mang tâm lý rất thoải mái, sẵn sàng đối phó với dịch. Huyền nói: “Chuyên ngành điều dưỡng mình sẽ được áp dụng trong việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 như cách dùng thuốc, vệ sinh và theo dõi cho người bệnh. Theo mình được biết, sẽ có 3 vòng chăm sóc bệnh nhân, vòng nào cũng có điều dưỡng. Hiện tại mình đang cập nhật và học hỏi thêm kinh nghiệm các điều dưỡng đi trước.
Mình nằm trong đội phản ứng nhanh của bệnh viện, tâm thế luôn sẵn sàng lên đường và đã chuẩn bị tâm lý kỹ càng. Mình đã thông báo cho gia đình và được gia đình và chồng thông cảm, ủng hộ. Đã chọn nghề thì phải xứng đáng với nghề. Ba mẹ biết mình có tính nhiệt huyết nên khi nghe tin mình viết đơn tình nguyện thì không can ngăn mà luôn động viên”.
Nữ điều dưỡng trưởng – Phạm Thanh Huyền “Đã chọn nghề thì phải xứng đáng với nghề”
“Nếu mình không làm thì không có ai làm cả”
Nam kỹ thuật viên Hoàng Anh đôi mắt ánh lên những quyết tâm và không sợ hãi trước căn bệnh chết người này. Tuổi đời trẻ, khát khao được cống hiến thể hiện rõ nơi anh: “Em không ngại lắm về công việc nguy hiểm này và luôn chấp nhận rủi ro. Nếu mình không làm thì không có ai làm cả. Nghề y là vậy, luôn tiên phong trước những hiểm nguy của bệnh tật kể cả đánh đổi tính mạng”.
Kỹ thuật viên Hoàng Anh “Em không ngại lắm về công việc nguy hiểm này và luôn chấp nhận rủi ro. Nếu mình không làm thì không có ai làm cả”
Hoàng Anh trao đổi với PV, sẽ có những đợt tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ nếu được chọn, cho nên chỉ cần mình có đủ động lực là sẽ làm được.
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài (28 tuổi) cho biết thêm, lúc đầu sợ Covid-19 lắm, giờ đã đỡ hơn nhưng vẫn không chủ quan. Có bệnh viện tuyên truyền, phổ biến cho mọi người nên đã có kiến thức ban đầu về Covid-19.
“Em muốn chăm sóc cho bệnh nhân đặc biệt là người già bị nhiễm bệnh. Nhân viên y tế luôn xác định luôn đi đầu trong chống dịch thì mới làm được. Tụi em còn trẻ, còn sức khỏe ngày nào thì còn sức cống hiến cho ngành y ngày ấy”, Hoài nói.
Tranh thủ thời giãn rảnh, các điều dưỡng Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não may khẩu trang để phát cho bệnh nhân
Kỹ thuật viên Hoàng Anh tâm sự, “Nếu được đi, em sẽ giữ cẩn thận cho bản thân vì người nhà luôn dặn phải kỹ càng và cẩn trọng vì căn bệnh này. Do đã xác định tư tưởng từ trước nên em vững tâm lắm. Bạn gái em nói với em “Nếu em bị Covid-19 thì vô viện có anh chăm sóc nên anh cứ đi làm thoải mái”. Câu nói cứ làm em vui mãi vì đã có người bạn đồng hành cùng mình trong những lúc hiểm nguy nhất”.
Sau thời gian suy nghĩ và ý thức chín chắn với hành động bản thân, 18 nhân viên y tế Khoa Chấn thương Chỉnh hình – Thần kinh sọ não, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã đồng lòng ký tên vào đơn tình nguyện ngày 24/3 xin tham gia trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại bệnh viện hoặc những nơi khác. Hiện Ban Giám đốc đang duyệt đơn và sẽ chọn ra người để bổ sung thêm vào lực lượng điều trị trực tiếp bệnh nhân mắc Covid-19.
Các y bác sĩ trẻ của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 viết đơn tình nguyện xin vào vùng “tâm dịch” Covid-19
Trong số 18 người này, trẻ nhất 26 tuổi, lớn nhất 48 tuổi nhưng đa phần tuổi đời rất trẻ. Có người vừa lập gia đình, người còn độc thân, dù biết nhiệm vụ nguy hiểm nhưng trong ánh mắt vẫn sáng chói một quyết tâm chống dịch. Vì với họ, khi tự hào là chiến sỹ áo trắng, chính là nhận thức được trách nhiệm, vai trò tiên phong của bản thân trong giai đoạn khó khăn này đối với cả đất nước và toàn thế giới.
Đại Dương