10 năm ra trường giúp tôi nhận ra rằng, chăm chỉ học hành chỉ giúp bạn có được điểm số cao chứ không giúp bạn thành công trên đường đời.
Bài viết là lời chia sẻ mang tính cá nhân của một người phụ nữ sau 10 năm tốt nghiệp cấp 3.
Họp lớp là dịp quan trọng để bạn bè có thể gặp nhau hàn huyên tâm sự lại chuyện thời đi học. Ở đó có niềm vui, có tình bạn chân thật của những cô cậu học trò thơ ngây, có tình yêu thiêng liêng tươi mát của tuổi thanh xuân nhưng cũng có không ít sự chạnh lòng vì giờ đây hoàn cảnh mỗi người mỗi khác biệt.
Năm nay là tròn 10 năm ra trường nên mọi người đều có mặt đầy đủ. Chúng tôi cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm, con gái mặc áo dài, con trai mặc sơ mi trắng, tưởng chừng cả quãng thời gian học cấp 3 đều ùa về vô cùng chân thực.
Sau đó, tất cả cùng về lớp học cũ để ngồi vào đúng bàn học của mình. Đến lúc này, tôi như thấy được cả một hiện thực của xã hội gói gọn trong 4 người ở bàn chúng tôi.
Giới thiệu qua một chút, bàn tôi gồm tôi, Nhung, Sơn và Hiệp. Hai nam và hai nữ. Ngày còn đi học, tôi và Nhung vô cùng chăm chỉ. Hai đứa bọn tôi luôn nhìn nhau mà học tập, cố gắng đốc thúc nhau làm bài, thậm chí là ganh đua từng điểm số.
Nhất là khi bước vào lớp 12, mỗi sáng đến trường, hai đứa tôi đều khoe khoang tối hôm qua đã “cày” được bao nhiêu đề thi, thức đến mấy giờ sáng để học…Tất cả đều phục vụ cho công cuộc nuôi dưỡng giấc mơ vào đại học.
Trái ngược lại, Sơn và Hiệp không mấy hứng thú với việc học nên từ hồi lớp 10 cho đến khi cuối cấp đều chỉ thuộc TOP học sinh trung bình, hạnh kiểm khá. Nhất là Hiệp, cậu bạn béo phì thường xuyên bị ghi vào sổ đầu bài và vi phạm nội quy nhà trường.
Không chỉ hợp nhau trong chí hướng mà hoàn cảnh gia đình của 4 chúng tôi cũng “không hẹn mà gặp”. Gia cảnh của tôi không nghèo nhưng cũng chẳng giàu, nhà Nhung thì khó khăn hơn một chút bởi bố mẹ ly hôn, mẹ Nhung phải nuôi 3 con nên cuộc sống chẳng dư giả. Sơn và Hiệp thì khác, cả hai đều sinh ra trong làng nghề cắt may quần áo nên người dân xưa nay chỉ cần học nghề thành thạo là sẽ giàu có.
Có lẽ đây chính là một phần lý do khiến 4 chúng tôi có suy nghĩ khác nhau về việc học.
Tốt nghiệp cấp 3, tôi và Nhung đều đậu vào trường đại học mà mình mơ ước. Sơn không đi học mà về tiếp quản công việc kinh doanh gia đình, còn Hiệp đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Giờ đây, tôi đang là một nhân viên ngân hàng, công việc “ngập đầu” từ sáng đến tối khiến chiếc lưng của cô gái 27 tuổi lại đau đớn và già nua như bà lão tuổi 72. Mức lương thì chỉ tạm đủ chi tiêu ở thành phố, còn giấc mơ mua nhà, mua xe vẫn còn quá xa vời.
Nhung nghe đâu đã chuyển 2-3 chỗ làm vì nơi nào cũng không ổn định, hiện đang công tác tại một bưu điện ở huyện.
Còn Sơn và Hiệp, mỗi khi tôi thấy hai cậu bạn chia sẻ cuộc sống hiện tại của mình trên trang Facebook cá nhân thì đều không khỏi thèm thuồng ngưỡng mộ.
Sơn sau khi lập gia đình đã được bố mẹ giao toàn bộ công việc kinh doanh bao gồm xưởng sản xuất quần áo và một vài kiot tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Nhờ tính cách chững chạc, khả năng tiếp thu thực tế nhạy bén, Sơn đã giúp thương hiệu của gia đình phát triển hơn rất nhiều khi không chỉ bán ra trong nước mà hiện còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiệp thì vốn ham chơi, cậu bảo rằng vì là con trai một nên chỉ cần ngoan là bố mẹ sẽ tự trải hoa hồng cho cậu đi. Bây giờ vừa có nhà đẹp, lại vừa có xe xịn để khoe với bạn bè.
Có thể thấy, chỉ với 4 con người, 4 cuộc sống khác nhau nhưng tựu chung lại đang phản ánh được nhiều khía cạnh thực tế. Những người mang danh trí thức thoát ly như tôi hay Nhung tuy được bạn bè nể trọng nhưng nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền lại bủa vây đến ngạt thở. Mỗi ngày trôi qua đều giống nhau, sáng sớm xách xe xuống đường bon chen, nhiều khi tắc đường đến công ty muộn 1 phút đã bị trừ nửa ngày lương. May mắn thì gặp được người sếp tâm lý, hay đồng nghiệp tốt bụng, còn ngược lại thì chốn công sở chẳng khác gì nơi chôn vùi cảm xúc.
Đúng như người ta vẫn thường nói, đại học tuy giúp chúng ta đạt được thành công nhanh nhất nhưng đâu đó bạn vẫn cần một chút may mắn và thời cơ.
Ra ngoài xã hội, người có tiền là có tự tin, tiếng nói của người giàu là tiếng nói có trọng lượng. Khi họp lớp, sẽ chẳng ai hỏi đến bạn tốt nghiệp loại giỏi hay khá, chẳng ai hỏi bạn đã học những trường gì, họ sẽ chỉ nhìn vào bạn đi xe máy hay ô tô, bạn ở nhà thuê hay chung cư cao cấp.
Chẳng phải như Sơn bạn tôi đó sao, cậu ta không học đại học nhưng hiện đang tuyển dụng các cử nhân kinh tế về làm thuê cho mình. Đời là phũ phàng như vậy đó!
Theo: Phụ nữ số