Nhận thấy trên địa bàn thành phố đã có những ca nhiễm lây lan ngoài cộng đồng không xác định được F0, ví dụ như bệnh nhân 237, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung yêu cầu người dân nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị 16 của Thủ tướng về cách ly xã hội 15 ngày.
Trước diễn biến khó lường, chưa biết điểm dừng của dịch bệnh, ông Chung nhận định, thời gian tới, thành phố sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Cần phải nhìn rõ nguy cơ để đề ra những biện pháp kịp thời nhằm hạn chế đến mức tối đa ảnh hưởng của dịch đến phát triển kinh tế – xã hội.
“Đã có những ca nhiễm lây lan ngoài cộng đồng không xác định được F0”
Theo ông Chung, từ khi bắt đầu giai đoạn 2 (từ 6/3), đến nay, Hà Nội là địa phương có nhiều bệnh nhân nhất, kể cả trừ đi các ca bay về từ nước ngoài thì vẫn có số ca lây nhiễm trong cộng đồng nhiều nhất.
Hà Nội ghi nhận 96 ca bệnh Covid-19, chia làm 3 nhóm.
Nhóm thứ nhất, phát hiện qua sàng lọc rà soát ở sân bay, được đưa đi cách ly tập trung ngay nên ít có khả năng lây lan cộng đồng. Nhóm thứ hai là các ca nhiễm chéo trong bệnh viện và cộng đồng. Nhóm cuối là các ca nhiễm ở trong bệnh viện Bạch Mai (36 ca).
Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, ông Chung khẳng định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng là biện pháp duy nhất và tối ưu nhất. Do vậy lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định cách ly xã hội, ra đường không đeo khẩu trang.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung.
“Hà Nội hiện nay đã có những ca nhiễm lây lan ngoài cộng đồng không xác định được F0. Ví dụ như bệnh nhân 237 chưa biết tiếp xúc nguồn nào, cho nên nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất lớn. Do đó, chúng ta phải làm tốt công tác cách ly xã hội. Các cơ quan đơn vị hành chính, từ hội họp, đi lại phải nghiêm túc. Bắt buộc phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay”, ông Chung nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, công tác phòng chống dịch là quan trọng nhất. Cần tuyên truyền để người dân hiểu được, đây là loại dịch rất mới. Công tác tuyên truyền cũng cần cập nhật thường xuyên thông tin mới cho người dân.
Nguy cơ lây nhiễm trên địa bàn TP rất cao, nhưng Hà Nội đang triển khai phòng chống dịch hiệu quả, tuy nhiên theo Chủ tịch UBND TP: “Nếu không chuẩn bị tốt thì trong thời gian tới nếu dịch bệnh bùng phát lên thì chúng ta rất dễ thất bại”.
Xem xét kéo dài thời gian cách ly vì có trường hợp ủ bệnh đến 23 ngày
Từ trường hợp bệnh nhân ở huyện Mê Linh đến khám ở Bệnh viện Bạch Mai và 23 ngày sau xét nghiệm mới dương tính với Covid -19, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng cần kéo dài thời gian cách ly chứ không dừng lại ở 14 ngày.
Ông Chung cho biết hiện virus corona trên thế giới đã có nhiều biến thể, có thể sống được trong các môi trường nóng và lạnh; có 40-60% bệnh nhân ở các nước nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện của bệnh nhưng vẫn lây nhiễm; tất cả các lứa tuổi đều lây nhiễm, các bệnh nhân có bệnh nền có lây nhiễm cao hơn; thời gian ủ bệnh lâu hơn…
Vì vậy các trường hợp đã cách ly 14 ngày ở nơi cách ly tập trung thì phải tiếp tục yêu cầu có quyết định 14 ngày nữa cách ly tại nhà. Yêu cầu họ phải đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…
Đặc biệt lưu ý ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn tiềm tàng nguy cơ lớn, cần rà soát, cách ly ngay tất cả các trường hợp liên quan, Chủ tịch UBND TP dẫn chứng và phân tích: “Hiện nay Hà Nội có hơn 20.000 người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai từ 10 đến 25/3. Từ trường hợp bệnh nhân dương tính với Covid -19 mới đây ở huyện Mê Linh có đến khám ở Bạch Mai và 23 ngày sau mới phát bệnh… Có lẽ phải xem xét kéo dài thời gian cách ly chứ không dừng lại ở 14 ngày. Trước mắt phải yêu cầu những người này ở thêm 14 ngày nữa”.
Các trường hợp hết thời hạn cách ly, rời Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Bây giờ không phải lúc nghỉ ngơi mà là thời gian vàng để chuẩn bị sẵn sàng kiểm soát dịch Covid -19”
Về công tác xét nghiệm, ông Chung yêu cầu tất cả trường hợp F1 sau khi xét nghiệm 1-2 ngày phải tiến hành cách ly và sau đó 7-8 ngày phải xét nghiệm lại. Thời gian tới số lượng test nhận đủ sẽ tiến hành rộng hơn.
“Tất cả trường hợp như Viện huyết học có tiếp xúc với bệnh nhân người Thụy điển ngày 31/3 và 1-4; lấy mẫu xét nghiệm ngày 3-4 thì tôi nghĩ chưa có giá trị gì, cách ly nghiêm túc. Sau đó 5-7 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm lại, chứ hiện xét nghiệm âm tính chưa phải mừng đâu”, Chủ tịch UBND TP nói.
Về việc triển khai test nhanh Covid -19 trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP cho biết, các bộ kit này do các nhà khoa học của Hàn Quốc chế tạo ra, hiện nay có 121 nước trên thế giới đều đăng ký mua của Hàn Quốc. 300.000 bộ test nhanh này do Tập đoàn Vingroup tài trợ cho Bộ Y tế. Bộ cấp cho Hà Nội. Việc test nhanh để kiểm tra xem có nguồn lây lan nào mới hay không để chủ động phòng ngừa.
Khẳng định TP đã đạt nhiều kết quả trong công tác phòng chống dịch thời gian qua, tuy nhiên trước nhiệm vụ cấp bách hiện nay, Chủ tịch UBND TP nhắc nhở các đơn vị phải quyết tâm hơn nữa để hoàn thành các nhiệm vụ, ứng phó các tình huống sẽ xảy ra trong các tháng tiếp theo, làm sao đảm bảo nguyên tắc luôn chủ động.
“Trong lúc này chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ khẩn trương, quyết đoán; dựa trên cơ sở căn cứ khoa học để chúng ta quyết định; thực thi đúng các quy chế, chế tài của pháp luật không được chần chừ mất đi cơ hội.
Bây giờ không phải lúc nghỉ ngơi, mà là thời gian “vàng” để chuẩn bị cho mọi tình huống của dịch bệnh Covid -19, bên cạnh các giải pháp phục hồi kinh tế sau dịch”, ông Chung nhấn mạnh.
Theo Nhịp Sống Việt