Tại khoản 2.19 điều 6 TT số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn về thuế TNDN quy định khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN:
“Trích, lập và sử dụng các khoản dự phòng không theo đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính về trích lập dự phòng: dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính, dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp và dự phòng rủi ro nghề nghiệp của doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.”
– Văn bản quy định:
+ Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 Hiệu lực 21/01/2010 – Hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp tại doanh nghiệp.
+ Thông tư số 89/2013 ngày 28/06/2013 của BTC sửa đổi, bổ sung TT số 228/2009/TT-BTC ngày 07/12/2009 của BTC
– Nội dung:
1. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do giá vật tư, thành phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm.
2. Dự phòng tổn thất các khoản đầu tư chính: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất do các loại chứng khoán đầu tư của doanh nghiệp bị giảm giá; giá trị các khoản đầu tư tài chính bị tổn thất do tổ chức kinh tế mà doanh nghiệp đang đầu tư vào bị lỗ.
3. Dự phòng nợ phải thu khó đòi: là dự phòng phần giá trị bị tổn thất của các khoản nợ phải thu quá hạn thanh toán, nợ phải thu chưa quá hạn nhưng có thể không đòi được do khách nợ không có khả năng thanh toán.
4. Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp: là dự phòng chi phí cho những sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp đã bán, đã bàn giao cho người mua nhưng doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.
– Nguyên tắc chung trong trích lập các khoản dự phòng.
1. Các khoản dự phòng được trích trước vào chi phí hoạt động kinh doanh năm báo cáo của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp có nguồn tài chính để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong năm kế hoạch, nhằm bảo toàn vốn kinh doanh; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư tài chính không cao hơn giá cả trên thị trường và giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính.
2. Thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm cuối kỳ kế toán năm. Trường hợp doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc 31/12 hàng năm) thì thời điểm lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là ngày cuối cùng của năm tài chính.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được trích lập và hoàn nhập dự phòng ở cả thời điểm lập báo cáo tài chính giữa niên độ.
3. Doanh nghiệp phải xây dựng cơ chế về quản lý vật tư, hàng hóa, quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh. Đối với công nợ, hàng hóa, quy chế phải xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng người trong việc theo dõi, quản lý hàng hóa, thu hồi công nợ.
Nghiêm cấm doanh nghiệp lợi dụng việc trích lập dự phòng để tính thêm vào chi phí các khoản dự phòng không có đủ căn cứ nhằm làm giảm nghĩa vụ nộp ngân sách. Những doanh nghiệp cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt như hành vi trốn thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Doanh nghiệp phải lập Hội đồng để thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng và xử lý tổn thất thực tế của vật tư hàng hóa tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định. Riêng việc trích lập dự phòng chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây lắp thì thực hiện theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.
Thành phần Hội đồng gồm: Tổng giám đốc ( hoặc Giám đốc ), Kế toán trưởng, các trưởng phòng, ban có liên quan và một số chuyên gia (nếu cần). Tổng giám đốc (hoặc Giám độc) doanh nghiệp quyết định thành lập Hội đồng.
Căn cứ vào biến động về giá hàng tồn kho, giá chứng khoán, giá trị các khoản đầu tư tài chính, nợ phải thu khó đòi và cam kết bảo hành sản phẩm, hàng hóa, doanh nghiệp chủ động xác định mức trích lập, sử dụng từng khoản dự phòng đúng mục đích và xử lý theo các quy định cụ thể dưới đây.
A. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho
1. Đối tượng lập dự phòng bao gồm nguyên vật liệu, dụng cụ dùng cho sản xuất, vật tư, hàng hóa, thành phẩm tồn kho ( gồm cả hàng tồn kho bị hỏng, kém phẩm chất, lạc mốt, lạc hậu kỹ thuật, ứ đọng, chậm luân chuyển, …), sản phẩm dở dang , phí phí dịch vụ dở dang (sau đây gọi tắt là hàng tồng kho) mà giá gốc ghi trên sổ kế toán cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được và đảm bảo điều kiện sau:
– Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của BTC hoặc các bằng chứng khác chứng minh giá vốn hàng tồn kho.
– Là những vật tư hàng hóa thuộc quyền sở hửu của doanh nghiệp tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tái chính.
Trường hợp NVL có giá trị thuần có thể thực hiện được thấp hơn so với giá gốc nhưng giá bán sản phẩm dịch vụ được sản xuất từ NVL này không bị giảm giá thì không được trích lập dự phòng giảm giá NVL tồn kho đó.
Hình ảnh: Quy định về trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
2. Phương pháp lập dự phòng:
Mức trích lập dự phòng tính theo công thức sau:
Mức dự phòng giảm giá vật tư = Lượng vật tư hàng hóa thực tế tồn kho tại thời điểm lập BCTC X [ Giá gốc hàng tồn kho theo sổ kế toán – Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho]
Giá gốc hàng tồn kho bao gồm: chi phí mua, chi phí chế biến và các chi phí liên quan trực tiếp khác phát sinh để có được hàng tồn kho ở địa điểm và trạng thái hiện tại theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 02 – Hàng tồn kho ban hành kèm theo Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (giá trị dự kiến thu hồi) là giá bán (ước tính) của hàng tồn kho trừ (-) chi phí để hoàn thành sản phẩm và chi phí tiêu thụ (ước tính).
Mức lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho được tính cho từng loại hàng tồn kho bị giảm giá và tổng hợp toàn bộ vào bảng kê chi tiết. Bảng kê là căn cứ để hạch toán vào giá vốn hàng bán (giá thành toàn bộ sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trong kỳ) của doanh nghiệp.
Riêng dịch vụ cung cấp dở dang, việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tính theo từng loại dịch vụ có mức giá riêng biệt.
3. Xử lý khoản dự phòng:
Tại thời điểm lập dự phòng nếu giá gốc của hàng tồn kho cao hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho thì phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho theo các quy định tại điểm 1, điểm 2 Điều này.
– Nếu số dự phòng giảm giá phải trích lập bằng số dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, thì doanh nghiệp không phải trích lập khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho;
– Nếu số dự phòng giảm giá phải trích lập cao hơn số dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, thì doanh nghiệp được trích thêm phần chênh lệch vào giá vốn hàng bán ra trong kỳ.
– Nếu số dự phòng phải trích lập thấp hơn số dư khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, thì doanh nghiệp phải hoàn nhập phần chênh lệch và ghi giảm giá vốn hàng bán.
4. Xử lý hủy bỏ đối với vật tư, hàng hóa đã trích lập dự phòng:
a) Hàng tồn đọng do hết hạn sử dụng, mất phẩm chất, dịch bệnh, hư hỏng, do không còn giá trị sử dụng như: dược phẩm, thực phẩm, vật tư y tế, con giống, vật nuôi, vật tư hàng hóa khác phải hủy bỏ thì xử lý như sau:
Doanh nghiệp lập Hội đồng xử lý tài sản để thẩm định tài sản bị hủy bỏ. Biên bản thẩm định phải kê chi tiết tên, số lượng, giá trị hàng hóa phải hủy bỏ, nguyên nhân phải hủy bỏ, giá trị thu hồi được do bán thanh lý, giá trị thiệt hại thực tế.
Mức độ tổn thất thực tế của từng loại hàng tồn đọng không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán trừ đi giá trị thu hồi do thanh lý (do người gây thiệt hại đền bù, do bán thanh lý hàng hóa).
b) Thẩm quyền xử lý: Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên); Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; chủ doanh nghiệp căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến hàng hóa tồn đọng để quyết định xử lý hủy bỏ vật tư, hàng hóa nói trên; quyết định xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến số vật tư, hàng hóa đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước chủ sở hữu và trước pháp luật.
c) Xử lý hạch toán: Giá trị tổn thất thực tế của hàng tồn đọng không thu hồi được đã có quyết định xử lý hủy bỏ, sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.
5. Cách hạch toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho
a) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán
Có TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294).
b) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 632 – Giá vốn hàng bán.
c) Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vật tư, hàng hóa bị hủy bỏ do hết hạn sử dụng, mất phẩm chất, hư hỏng, không còn giá trị sử dụng, ghi:
Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (số được bù đắp bằng dự phòng)
Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (nếu số tổn thất cao hơn số đã lập dự phòng)
Có các TK 152, 153, 155, 156.
d) Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho trước khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần: Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho sau khi bù đắp tổn thất, nếu được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 229 – Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
Chiasekienthuc.com.vn