Ai cũng mong con cái lớn lên trở thành người tốt mà quên mất rằng điều đó phải được nuôi dưỡng từ việc làm hàng ngày của mỗi người lớn trong gia đình.
Trong cuộc sống, ảnh hưởng của cha mẹ đối với con cái rất quan trọng. Nhiều khi con mắc lỗi, cha mẹ sẽ luôn chỉ trích con, nhưng thực ra điều nên làm nhất chính là nhìn lại bản thân mình. Những đứa trẻ luôn đang quan sát chúng ta và sẵn sàng bắt chước cách mà ta ứng xử.
Cha mẹ khôn ngoan sẽ hiếm khi làm 4 điều này trước mặt con cái, đặc biệt điều thứ hai luôn bị mọi người phớt lờ.
Đầu tiên, phàn nàn
Thái độ hằng ngày của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác an toàn và sự tự tin của trẻ. Nếu cha mẹ thường xuyên phàn nàn về cuộc sống, bày tỏ cảm xúc chán nản sẽ khiến trẻ rơi vào trạng thái bất an, lo lắng, sợ sệt.
Những đứa trẻ này thường nhìn cuộc đời bằng sự hoài nghi, dò xét đến tận khi trưởng thành. Trẻ trở nên không tin tưởng bất kỳ ai, thấy cuộc sống đầy rẫy những khó khăn và cảm thấy bế tắc. Như vậy sẽ rất nguy hại cho trẻ bởi khi gặp thử thách, thậm chí là vấp ngã, trẻ sẽ buông xuôi, phó mặc số phận. Và dĩ nhiên chẳng có ai muốn làm bạn với một người có trạng thái cảm xúc tiêu cực như vậy.
Vẫn biết cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng cha mẹ đừng nên “thở ngắn, than dài” trước mặt trẻ. Hãy để trẻ duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan, hạnh phúc. Đây là một trong những yếu tố làm nên sự thành công trong tương lai của trẻ.
Thứ hai, không tuân theo các quy tắc
Bất cứ lúc nào, hãy để trẻ hiểu rằng để tồn tại trong thế giới này, chúng phải tuân thủ các quy tắc. Để con nghiêm túc thực hiện, cha mẹ phải “nói” với con bằng chính lời nói và hành động của mình. Nếu không, trẻ cũng sẽ dễ dàng bỏ qua vì học theo tấm gương của cha mẹ. Ngoài ra, trẻ cũng nên được biết chính xác hậu quả phải gánh chịu nếu phá vỡ quy tắc đó. Hậu quả nên được giải thích đồng thời với các quy tắc lúc được lập ra.
Thứ ba, nói xấu vợ/chồng
Cha mẹ là hình mẫu cho con cái của mình. Trẻ thường nhìn vào cách bạn cư xử, nói chuyện, hành động.
Nhiều khi cha mẹ sẽ phàn nàn về người lớn tuổi hơn trước mặt con cái, chẳng hạn như vợ/chồng hoặc bố mẹ vợ/chồng. Điều này sẽ để lại ấn tượng xấu cho con, khiến con không tôn trọng người được nhắc đến. Ngoài ra, trẻ sẽ dần hành động giống cách bạn cư xử với người khác. Không muốn sau này con bất hiếu thì nhất định phải làm gương tốt trước mặt con.
Thứ tư, cãi nhau
Nghiên cứu cho thấy, một đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Ngoài ra, một số nghiên cứu khác còn cho thấy không chỉ trẻ con bị ảnh hưởng tiêu cực nếu thấy cha mẹ bất hòa mà kể cả trẻ vị thành niên (dưới 19 tuổi) cũng rất nhạy cảm với những vấn đề xảy ra trong hôn nhân của cha mẹ.
Cha mẹ bất hòa khiến trẻ cảm giác thiếu an toàn ngay trong chính căn nhà của mình. Chúng phải đối mặt với những câu hỏi rằng khi nào thì cha mẹ mình sẽ ly hôn, bao giờ thì những “cuộc chiến” như này sẽ kết thúc, và luôn lo sợ trước những trận ẩu đả “không được báo trước”.
Khoa học đã chứng minh, học sinh mẫu giáo có cha mẹ thường xuyên cãi nhau nhiều khả năng bị trầm cảm, lo lắng quá độ và gặp các vấn đề về hành vi khi chúng lên lớp 7. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề duy nhất mà trẻ em có thể gặp phải khi thấy cha mẹ bất hòa.
Những tác động tiêu cực đối với một đứa trẻ khi thường xuyên phải chứng kiến những trận cãi vã từ cha mẹ là: Suy giảm khả năng nhận thức; Có vấn đề về hành vi; Rối loạn tiêu hóa; Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất; Suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống…
Theo Phụ nữ Việt Nam