Người ta hay nói vui “chơi với sếp như chơi với lửa”. Dù thân thiết đến đâu thì ở nơi làm việc, giữa bạn và sếp cũng phải có những quy tắc cần tuân theo.
Bạn cần biết điều gì nên làm, được làm và điều gì không, bởi một khi vi phạm, rất có thể hình tượng của bạn trong mắt sếp sẽ bị ảnh hưởng.
Trong công việc, sẽ không tránh khỏi những thời điểm bạn và sếp có tiếp xúc trực tiếp hoặc bạn cần cùng sếp đi công tác, đi gặp khác hàng… Nếu một ngày đẹp trời, bạn phải theo sếp ra ngoài nhưng đi bằng xe ô tô của sếp, bạn sẽ ngồi ở ghế phụ lái hay ghế sau của xe? Vấn đề nghe có vẻ hơi thừa nhưng thực tế lại khiến không ít người đau đầu, đơn cử như Lâm Hoa – một chàng trai trẻ đến từ Trung Quốc. Tại buổi phỏng vấn xin việc gần nhất, Lâm Hoa đã nhận được chính câu hỏi này từ phía nhà tuyển dụng như một thử thách cần vượt qua.
Ảnh minh họa
Buổi phỏng vấn hôm đó của Lâm Hoa diễn ra tại trụ sở chính của tập đoàn mà anh chàng đã ứng tuyển. Phụ trách phỏng vấn là một người đàn ông trung niên khoảng hơn 40 tuổi, có thái độ rất hòa nhã. Sau một loạt câu hỏi đơn giản về sơ yếu lí lịch, mức lương mong muốn, người này bất ngờ đưa ra câu hỏi cuối: “Nếu phải ngồi xe của sếp, bạn sẽ ngồi ở ghế phụ hay ghế sau?“.
Ứng viên đầu tiên là một chàng trai trạc tuổi Lâm Hoa nói: “Ai cũng biết ghế phụ lái là vị trí rất nguy hiểm nên sếp thường ngồi ghế sau. Nếu tôi và sếp cùng đi một chiếc xe, tôi cũng sẽ ngồi ghế sau với sếp, như thế thì lúc xuống xe cũng tiện cho việc mở cửa xe giúp sếp hơn“.
Ứng viên thứ hai là một cô gái. Trông cô gái có vẻ khá tự tin vì trước đó cô nàng từng làm trợ lý hành chính. Cô trả lời: “Làm trợ lý, trên tay thường phải cầm rất nhiều tài liệu nên tôi sẽ chọn ngồi ghế phụ vì không gian ghế phụ khá lớn, lật mở xem xét tài liệu sẽ dễ dàng hơn. Nếu sếp cần xem tài liệu gì, tôi cũng có thể nhanh chóng tìm ra và đưa cho sếp mà không làm ảnh hưởng đến sếp“.
Cuối cùng cũng đến lượt Lâm Hoa, anh chàng đáp: “Trong trường hợp ngồi xe của sếp, nếu sếp không có tài xế riêng, tôi sẽ chủ động đảm nhiệm vị trí tài xế này, chuyên tâm lái xe cho tốt. Nếu có tài xế rồi thì tôi sẽ để sếp ngồi ghế sau bên phải, bởi từ xa xưa, vị trí bên phải đã được coi trọng hơn. Sếp ngồi ghế sau bên phải, tôi ngồi bên trái, chỉ cần sếp có yêu cầu gì tôi cũng xử lý được ngay.
Ảnh minh họa
Đương nhiên, còn có một khả năng khác là sếp muốn đích thân lái xe. Khi ấy, tôi sẽ ngồi ghế phụ lái vì ngồi ghế sau là thiếu tôn trọng sếp, bởi ai cũng biết sếp mới ngồi sau. Giờ sếp đang lái xe, tôi lại đi ngồi ghế sau, như vậy sếp sẽ cho rằng tôi không hiểu quy tắc. Hơn nữa, ngồi như vậy cũng có thể rút ngắn khoảng cách với sếp“.
Sau khi nghe câu trả lời của cả ba ứng viên, người phỏng vấn tuyên bố câu trả lời của Lâm Hoa là toàn diện nhất khi đã cân nhắc đến mọi tình huống có thể xảy ra. Điều này chứng tỏ Lâm Hoa có nhiều kinh nghiệm và biết cách ứng xử ở nơi làm việc, đây là phẩm chất rất quan trọng. Do vậy, Lâm Hoa là người duy nhất thành công nhận được việc.
Theo Phụ nữ Việt Nam