Một số người chi nhiều hơn để mua đồ ăn healthy khi họ ngày càng có xu hướng quan tâm đến sức khoẻ.
Hiện nay, mọi người có xu hướng dịch chuyển thói quen chi tiêu của bản thân, đầu tư nhiều hơn vào chất lượng cuộc sống và bản thân mình. Đặc biệt, một số người chi rất nhiều tiền để mua thực phẩm sạch và đồ ăn healthy (lành mạnh).
Cùng là những chiếc bánh, hay khẩu phần ăn trưa, nhiều người không ngại chi số tiền gấp 6,7 lần bình thường nếu đó là đồ ăn healthy. Đây là một con số rất lớn, khá cao so với mức thu nhập trung bình, nhưng các cửa hàng bán đồ ăn healthy vẫn có rất nhiều khách hàng thân thiết. Điều này khiến một số người đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao nhiều người lại chi một số tiền lớn đến như vậy cho sản phẩm mang “cộp mác” healthy (lành mạnh)?
Một phần trong số đó chính là những thông điệp marketing mà các nhãn hàng đồ ăn healthy quảng bá đến người tiêu dùng.
1. Đầu tư cho sức khỏe là cách tiết kiệm nhất
Ông cha ta đã có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trên thực tế, mỗi lần đi khám “nhẹ nhàng” ở thành phố lớn cũng mất 2,3 triệu gồm chi phí thăm khám và mua thuốc. Thay vào đó, ngay từ đầu đã đầu tư cho sức khỏe, vừa có vóc dáng vừa có thể chất khoẻ mạnh lại có thể tiết kiệm tiền đi bệnh viện.
Đánh vào tâm lý này, nhiều cửa hàng đã quảng cáo về việc sử dụng những sản phẩm mang “cộp mác” healthy giúp nâng cao sức khoẻ. Đồng thời, điều này giúp mọi người tiết kiệm tiền ra sao kể cả khi giá nó cao hơn bình thường rất nhiều nhưng vẫn rẻ hơn rất nhiều so với tiền viện phí mỗi lần phải đi khám.
Mặt khác, các cụ xưa thường nói “của rẻ là của ôi”, mỗi khi mua 1 sản phẩm mà quá rẻ thì mọi người thường không mong chờ quá nhiều về chất lượng của nó. Điều này cũng áp dụng với thực phẩm, đồ ăn. Dù những sản phẩm gia dụng có thể không cần tốt nhất, đồ ăn vẫn mua loại ngon và tươi nhất.
Hiểu được nỗi lo của người tiêu dùng, các cửa hàng tung ra những sản phẩm mang “cộp mác” lành mạnh, đem đến cảm giác an toàn cho mọi người, giải quyết được những băn khoăn về thực phẩm mình nạp vào mỗi ngày. Cùng với suy nghĩ, món đồ càng đắt tiền càng tốt, nhiều người cho rằng đã là đồ ăn “healthy” thì đắt gấp mấy lần so với những sản phẩm thông thường cũng không có gì lạ. Họ thậm chí còn cảm thấy tin tưởng hơn khi mua những thực phẩm healthy đắt tiền hơn.
2. Khát khao giảm cân nhưng vẫn ăn ngon
Tiêu chuẩn “đẹp” trong xã hội vẫn là những người có vóc dáng chuẩn, không quá béo. Đây cũng là lý do tại sao những nội dung về giảm cân luôn có hàng triệu lượt xem, chia sẻ trên MXH. Trong đó, các KOL thường nói về quá trình tập luyện và những bữa ăn healthy của mình.
Tuy nhiên, nhiều người có định kiến rằng đồ ăn healthy thường không ngon nên rất ngại sử dụng dù muốn giảm cân. Do vậy, những sản phẩm lành mạnh, không đường nhưng ăn vẫn cảm nhận được vị ngọt thường rất hấp dẫn với những người muốn ăn ngon mà vẫn có thể giảm cân.
Bên cạnh đó, không khó để bắt gặp loạt quảng cáo như không cần tập thể dục, chỉ cần ăn sản phẩm healthy này đã có thể giảm 2-3 cân trong vòng 1 tháng. Không tốn sức, ăn ngon, do vậy dù phải chi một số tiền lớn, nhiều người vẫn không ngần ngại đầu tư mua đồ ăn healthy. Quảng cáo này đánh vào tâm lý những người trẻ, thường xuyên lo nghĩ về vẻ ngoài của mình nhưng lại không có nhiều thời gian để tập tành hay chăm chút cho chế độ ăn cá nhân. Hiện tại, nhiều người trẻ thậm chí chi khoảng 7-10 triệu đồng/tháng để các cửa hàng healthy giao đồ ăn 2 bữa mỗi ngày.
Theo Phụ nữ Việt Nam