Chúng ta không thể ngăn cản sự gia tăng của tuổi tác, tất cả những gì chúng ta có thể làm là lựa chọn thái độ nào để đối mặt với cuộc sống, nếu không có sự lựa chọn nào trong cuộc sống, vậy thì làm việc chăm chỉ là lối thoát duy nhất.
Cách đây không lâu, trên mạng xã hội có một chủ đề như này: “40 tuổi chuyển nghề sang làm phần mềm có quá muộn không?“
Dưới phần bình luận, có người nói lập trình phải học từ thời đại học.
Có người nói 40 tuổi sức khỏe thể chất và não bộ không đủ để học.
Có người nói 40 tuổi nhiều áp lực, không nên chuyển ngành, ổn định là tốt nhất.
Không chỉ vậy, những chủ đề tương tự như “40 tuổi liệu có quá muộn” có rất nhiều:
40 tuổi học tiếng anh, có thể học tới trình độ nào?
40 tuổi muốn làm luật sư, có thực tế không?
40 tuổi muốn khởi nghiệp có kịp không?
…
Đằng sau mỗi một câu hỏi là một sự không cam tâm của người trung niên và cả những mơ hồ, mất phương hướng với tương lai.
Đúng là ở giai đoạn 40 tuổi, sức khỏe không được như trước, áp lực không hề thuyên giảm, sự nghiệp rơi vào giai đoạn chững, cha mẹ già đi, con cái ở độ tuổi cần nuôi ăn học.
Chỉ riêng những bộn bề vụn vặt của cuộc sống và công việc cũng đủ lấn át những hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ.
Nhưng, điều này liệu có nghĩa là nếu một người không đạt được thành công trước 40 tuổi, vậy thì chủ đề duy nhất của cuộc đời anh ta chỉ còn lại là từ từ già đi?
Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn chia sẻ với bạn câu chuyện này:
Năm 1963, Joe Girard bước vào một đại lý ô tô ở Detroit để ứng tuyển vào vị trí nhân viên bán hàng thực tập.
Nhìn vào lý lịch của ông: 9 tuổi đi đánh giày, nghỉ học năm 16 tuổi để làm công nhân lò hơi, sau đó 20 năm, làm người giao báo, bồi bàn, thậm chí là một tên trộm.
Cho đến khi trở thành nhân viên bán xe hơi, Girard vẫn chẳng có gì và một món nợ 60.000 đô la.
Girard bị tật nói lắp bẩm sinh và mắc bệnh hen suyễn nặng do nhiều năm làm việc với cường độ cao. Vì nói ngọng nên mỗi lần ông giới thiệu thông tin sản phẩm, khách hàng đều lắc đầu ngán ngẩm bỏ về giữa chừng.
Trong ba quý liên tiếp, thành tích bán hàng của Girard xếp ở cuối bảng, vài lần suýt bị người quản lý sa thải.
Đối mặt với khó khăn như vậy, Gillard nghĩ đến việc sử dụng các mối quan hệ tích lũy được trong những năm đầu làm việc của mình để chuyển mục tiêu bán hàng sang nhóm trung lưu và cấp thấp hơn.
Ông xé tờ danh bạ điện thoại làm danh sách khách hàng, bất kể là ai nghe điện thoại, ông đều cẩn thận ghi lại chi tiết cuộc sống, nghề nghiệp, sở thích và nhu cầu dùng xe của đối phương.
Để giảm tần suất đi vệ sinh nhiều nhất có thể và dành nhiều thời gian tiếp xúc với khách hàng, ông chỉ uống dưới 500ml nước mỗi ngày.
5 năm sau, danh sách khách hàng của Girard đã chất đầy 4 tủ, và ông trở thành quán quân bán xe hơi toàn quốc với 1425 chiếc.
Năm đó, ông vừa tròn 40 tuổi.
Trong 12 năm tiếp theo, ông đã liên tiếp phá kỷ lục Guinness thế giới về doanh số bán xe hơi, tạo ra doanh thu hàng trăm triệu USD.
Từ nợ nần chồng chất đến huyền thoại một thế hệ, có người hỏi ông bí quyết phản công khi bước vào tuổi trung niên.
Girard trả lời: “Tôi chỉ đơn giản là mắc tất cả những sai lầm mà tôi có thể mắc phải trước tuổi 40 và rút kinh nghiệm từ chúng.“
Cohen, một giáo sư tại Đại học Michigan, đã từng đặt một câu hỏi trong một bài nói chuyện trên TED:
“Khủng hoảng lớn nhất ở tuổi trung niên là gì?“
Một số khán giả nói rằng đó là tiền nhà, một số nói rằng là con cái, một số nói rằng đó là một thách thức từ những người trẻ tuổi.
Câu trả lời của một khán giả tên Susan khiến khán giả lặng đi – “Tôi đã 40 tuổi rồi, cả đời này tôi cũng chỉ có thể sống như vậy.“
Khi chúng ta phóng đại những bất lợi do sự lớn tuổi mang lại trong đầu mình, chúng ta sẽ chọn cách tránh xa những cơ hội lẽ ra chúng ta phải đấu tranh để có được.
Trên thực tế, rất nhiều cái gọi là bất lợi thực ra lại là rào cản tâm lý mà chúng ta tự đặt ra cho mình.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Munich đã từng tiến hành một thí nghiệm, họ phân tích 4.294 người chơi cờ tướng chuyên nghiệp và phát hiện ra rằng so với những người trẻ ở độ tuổi 20, những người 35 tuổi có lợi thế hơn về tư duy tổng thể.
Khả năng nhận thức này chỉ bắt đầu suy giảm dần sau tuổi 45 và những ảnh hưởng tới hoạt động trí óc do mức độ suy giảm này mang lại hầu như không đáng kể.
Một người kiên trì học hỏi và thay đổi sẽ không đặt ra giới hạn cho sự phát triển của bản thân, đồng thời vẫn có thể tối đa hóa lợi thế của “hiệu ứng 40 tuổi”.
Henri Rousseau vốn là một viên chức hải quan, năm 41 tuổi, ông quyết định chuyển sang vẽ tranh.
Người thân và bạn bè xung quanh đều phản đối, theo họ, nếu muốn trở thành họa sĩ chuyên nghiệp thì phải bắt đầu học từ trước năm 15 tuổi.
Đối với những người ở độ tuổi của Rousseau, học những kỹ năng hội họa cơ bản thôi đã là một thử thách chứ chưa nói đến việc đạt được thành tựu gì.
Khi Rousseau tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên, các nhà phê bình thi nhau chế giễu bố cục thô cứng của ông, một số người tham gia triển lãm thậm chí còn cào tranh của ông, cho rằng nghệ thuật không chào đón những người già nghiệp dư như vậy.
Không được người trong ngành công nhận, Rousseau hàng ngày đến nhiều bảo tàng nghệ thuật khác nhau với thước đo và bút lông, đồng thời tự học cách sao chép các bức tranh được trưng bày.
Sau hai năm mài giũa, kỹ năng hội họa của Rousseau đã có một bước nhảy vọt về chất, ông cũng có nhiều kinh nghiệm phong phú hơn so với những họa sĩ học hội họa từ nhỏ.
Ông tích hợp những quan sát của mình về con người và sự hiểu biết của bản thân về số phận vào các bức tranh của mình, tạo ra được sức hấp dẫn nghệ thuật mà nhiều họa sĩ hàn lâm không thể tạo ra được.
Không lâu sau đó, một bức tranh của Rousseau đã được bán đấu giá với giá 2,97 triệu bảng Anh, ông trở thành họa sĩ nổi tiếng nhất và được Picasso coi như một người thầy tinh thần.
Nick Huzic từng nói: “Điều hối tiếc không phải là bạn không còn trẻ mà là bạn đã chủ động bỏ qua muôn vàn khả năng của tương lai“.
Không có khởi đầu nào là quá muộn, chỉ là có hay không can đảm để thử.
Đáng sợ nhất là sớm tuân theo số phận, vừa than thở xã hội không cho những người trung niên ngoài 40 tuổi cơ hội đứng lên, vừa rảnh rỗi lại với lấy cái điện thoại và những mối quan hệ xã giao kém hiệu quả.
Thực ra, cuộc đời không có trở ngại nào không thể vượt qua, chỉ cần bạn không cúi đầu trước năm tháng, năm tháng cũng sẽ chẳng động tới bạn.
Lời kết
Tôi rất thích một câu nói như này:
“Tuổi 40 có hai ý nghĩa. Một là cơ thể không còn trẻ, phải gánh vác trách nhiệm và áp lực; hai là bạn có thêm sức mạnh để đối mặt với thế giới.“
Chúng ta không thể ngăn cản sự gia tăng của tuổi tác, tất cả những gì chúng ta có thể làm là lựa chọn thái độ nào để đối mặt với cuộc sống, nếu không có sự lựa chọn nào trong cuộc sống, vậy thì làm việc chăm chỉ là lối thoát duy nhất.
Chúng ta vẫn có thể nắm trong tay vận mệnh của mình bằng cách tích lũy kinh nghiệm và trí lực tích cóp từ những tháng năm trước đó để bù đắp cho hào quang tuổi trẻ đã không còn.
Trong thời đại luôn thay đổi này, ngoài thuận buồm xuôi gió, tôi mong bạn dám cưỡi gió và sóng, biến tuổi 40 thành một tuổi 20 khác!
Theo Diệu Đan – Thể thao & Văn hóa