Việc ưu tiên chăm sóc hệ miễn dịch chưa bao giờ cần thiết hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh. Bác sĩ về miễn dịch và y học chức năng Heather Moday cho biết bệnh nhân thường hỏi cô về việc làm thế nào để đo lường sức khỏe hệ thống miễn dịch của họ.
“Tôi nói với bệnh nhân rằng hệ thống miễn dịch của chúng ta là mục tiêu di động và không có cơ quan thực sự cụ thể nào có thể bị cách ly hoàn toàn. Bạn không thể quét nó bằng tia X, sinh thiết hoặc xác định chính xác mức độ khoẻ hay yếu bằng một bài kiểm tra duy nhất”, bác sĩ nói.
Tuy nhiên, có 4 dấu hiệu cảnh báo chính, cho biết liệu bạn có bị suy giảm hệ miễn dịch hay không và nên làm gì để tăng cường hệ miễn dịch.
Dấu hiệu cho thấy bạn có hệ miễn dịch kém
1. Thường xuyên ốm và mất nhiều thời gian hơn bình thường để hồi phục
Đối với cơn cảm cúm hoặc cảm lạnh thông thường, hầu hết mọi người trở lại bình thường trong khoảng một tuần.
Nhưng nếu bạn thường xuyên bị cảm và các triệu chứng kéo dài hàng tuần, thậm chí thường xuyên bị ngộ độc thực phẩm, đó có thể la do hệ thống miễn dịch bẩm sinh của bạn phản ứng chậm.
Hệ thống miễn dịch bẩm sinh liên quan đến các rào cản ngăn không cho các vật chất có hại xâm nhập vào cơ thể. Nó được coi như tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại tất cả “kẻ xâm lược” và sự chấn thương.
Các rào cản đó bao gồm phản xạ ho, giúp tống khứ những thứ có thể gây khó chịu hoặc lây nhiễm. Việc sản xuất chất nhầy có tác dụng bẫy vi khuẩn và các phần tử nhỏ, giúp tống khứ chúng ra khỏi cơ thể. Axit dạ dày tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập qua thức ăn và nước uống.
Ảnh: Business Management Daily.
2. Bạn luôn trong trạng thái căng thẳng
Một số loại căng thẳng có thể có lợi cho sức khỏe miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Ví dụ, một tác nhân gây căng thẳng cấp tính ngắn hạn, như tắc đường, được thiết kế giúp cơ thể tăng cường các cơ chế bảo vệ ngay lập tức. Do đó, căng thẳng cấp tính thực sự giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn trong ngắn hạn.
Mặt khác, căng thẳng mạn tính thì có hại. Nó gây ra rối loạn điều hoà miễn dịch và ức chế miễn dịch, dẫn đến gia tăng nhiễm trùng và khiến cơ thể lâu hồi phục sau ốm.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những đợt căng thẳng thường xuyên làm trầm trọng thêm các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, viêm loét đại tràng, có thể gây bùng phát các phản ứng dị ứng như chàm và hen suyễn.
Ảnh: Verywell Health.
3. Bạn thường xuyên bị mụn rộp hoặc zona khi còn trẻ
Các loại virus gây ra mụn rộp và bệnh zona đều thuộc họ virus herpes. Khi cơ thể nhiễm herpes, virus này sẽ chuyển sang trạng thái ngủ yên trong cơ thể.
Tuy nhiên, khi bạn bị căng thẳng hoặc khả năng miễn dịch tế bào của bạn suy yếu, virus có thể tái tạo và hoạt động trở lại. Bạn cần chú ý quan sát cơ thể nếu nhận thấy virus được kích hoạt trở lại. Chuyên gia cho biết đó có thể là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch cần được tăng cường.
4. Bạn dùng thuốc làm suy yếu phản ứng miễn dịch
Có một số loại thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn. Điều này có thể hữu ích trong một số điều kiện nhất định. Chẳng hạn, một số người dùng thuốc ức chế miễn dịch sau khi được cấy ghép nội tạng. Nó giúp ngăn hệ thống miễn dịch tấn công cơ quan mới.
Thuốc ức chế miễn dịch cũng được sử dụng như phương pháp điều trị cho những người mắc một số tình trạng do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức gây ra. Điều này bao gồm lupus và viêm khớp dạng thấp.
Nhưng trong những trường hợp khác, ức chế miễn dịch là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Thuốc sinh học và biosimilars ngăn chặn protein, corticosteroid và thuốc sử dụng trong hoá trị liệu có khả năng gây ức chế miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng.
Ảnh: Insider.
Làm thế nào để tăng cường hệ thống miễn dịch?
1. Nuôi hệ thống miễn dịch
Các tế bào của hệ thống miễn dịch cần nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chủ yếu là trái cây tươi và rau quả, đặc biệt là những thực phẩm giàu vitamin C và beta-carotene (tiền chất của vitamin A, có màu vàng, cam hoặc hơi pha đỏ).
Bạn cần tập trung vào khẩu phần ăn hàng ngày gồm các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, các loại quả mọng có sắc tố đậm như mâm xôi đen và các loại rau họ cải giàu chất xơ, thân thiện với đường ruột như bắp cải, bông cải xanh và rau arugula.
Các khoáng chất kẽm và selen cũng là những chất dinh dưỡng hỗ trợ miễn dịch mạnh mẽ và được tìm thấy trong các loại hạt, hạt, động vật có vỏ và một số loại thịt. Một số siêu thực phẩm như nấm đông cô và nấm maitake, trà xanh, và các loại gia vị như nghệ, hương thảo và đinh hương cũng có lợi cho sức khoẻ.
Ảnh: Healthline.
2. Tắm nắng
Ngoài việc cải thiện tâm trạng của bạn, chỉ 10-15 phút mỗi ngày tắm nắng cung cấp đầy đủ vitamin D – loại vitamin hỗ trợ miễn dịch quan trọng. Một số dữ liệu chỉ ra rằng hàm lượng vitamin D thấp là yếu tố dẫn đến tình trạng miễn dịch kém.
3. Tập trung vào giấc ngủ
Chất lượng và số lượng giấc ngủ có tác động lớn đến khả năng phục hồi miễn dịch. Thiếu ngủ mạn tính có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và nhiễm trùng cao hơn. Điều này là do trong khi cơ thể chúng ta đang nghỉ ngơi, các tế bào của hệ thống miễn dịch cũng có thể tập trung mọi nỗ lực và sức lực cho cuộc tấn công mạnh mẽ chống lại virus và vi khuẩn.
Ngoài ra, giấc ngủ giúp tăng cường sự hình thành các kháng thể ghi nhớ chống lại vi khuẩn và virus, giúp xây dựng hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn cho tương lai.
Ảnh: WTOL.
4. Không hút thuốc và sử dụng rượu bia
Việc hút thuốc và hít phải khói thuốc của người khác đều là mầm mống gây ung thư. Chúng khiến các mô trong cơ thể bị tổn thương, khiến chúng ta bị viêm.
Trong khi đó, rượu có tác động tiêu cực đến hầu hết các tế bào miễn dịch bẩm sinh và thích ứng. Việc tiêu thụ rượu quá nhiều làm hỏng lớp niêm mạc của đường tiêu hoá cũng như các tế bào T bảo vệ và bạch cầu trung tính trong hệ thống GI.
Điều này phá vỡ chức năng hàng rào của ruột và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu, dẫn đến viêm.
5. Kiểm soát tình trạng căng thẳng
Căng thẳng về thể chất và cảm xúc, nếu không được quản lý sẽ giải phóng cytokine gây viêm. Những người có căng thẳng về thể chất và cảm xúc có mức độ viêm cao hơn. Một trong những cách hiệu quả nhất để tăng cường phản ứng miễn dịch của bạn là kiểm soát căng thẳng của bạn thông qua thiền định, các bài tập thở và các hoạt động chánh niệm khác.
Theo CNBC