Các trường học ở Việt Nam chắc chắn sẽ chẳng dạy cho con bạn cách quản lý tiền nong cá nhân. Tuy nhiên, theo Kimberly Foss, nhà hoạch định tài chính và nhà sáng lập Empyrion Wealth Management: “Quan điểm, suy nghĩ và các thói quen liên quan đến tài chính đều được hình thành từ khi chúng ta còn nhỏ, thế nên, trẻ em càng được dạy về các vấn đề này sớm bao nhiêu thì cáng tốt bấy nhiêu.”
Mặc dù việc dạy con bạn những bài học về tài chính cá nhân không đảm bảo chúng sẽ trở thành triệu phú nhưng ít nhất chúng sẽ giúp con bạn có những kiến thức cơ bản để chuẩn bị cho tương lai sau này.
Dưới đây là những bài học về tài chính và chi tiêu bạn có thể dạy con mình ngay khi chúng ở tuổi mẫu giáo, và các chiến lược để truyền tải những bài học này.
1. VẤN ĐỀ KIẾM TIỀN
Theo Murset, các bậc phụ huynh nên dạy con cái mình về việc kiếm tiền càng sớm càng tốt. Trẻ em cần hiểu rằng tiền bạc có được là nhờ lao động, và để kiếm được tiền, mọi người cần có việc làm và đạo đức nghề nghiệp.
Chiến lược: Hãy dạy con bạn về khái niệm này bằng cách giao cho chúng một vài việc nhà và cho chúng một ít tiền mỗi tuần nếu chúng hoàn thành các công việc đó.
Nhưng hãy nhớ là việc cho con cái tiền tiêu vặt không đúng cách, nghĩa là không hướng dẫn chúng tiêu như thế nào mà chỉ đơn giản là đưa tiền mỗi tuần có thể có hại nhiều hơn lợi. Thế nên, bạn cần học cách để cho con tiền tiêu vặt nhưng vẫn dạy được con về cách kiếm tiền.
Nếu con bạn học cấp 1 hay 2, hãy khuyến khích chúng tham gia vào các chương trình bán bánh hay nước chanh (các hoạt động thường được tổ chức tại các trường học ở Mỹ) để chúng có được kinh nghiệm “thực tiễn” trong việc kiếm tiền.
Foss thường dựa vào điểm số để cho con tiền tiêu vặt. Cô thường cho con trai 11 tuổi của mình 20 đô la cho mỗi điểm A, 10 đô la cho mỗi điểm B và tặng thêm tiền khi cậu bé được điểm A cho tất cả các môn học. Ngược lại, cậu bé sẽ nợ mẹ mình 10 đô la nếu bị điểm C. Bạn có thể thay đổi các mức này tùy vào mong muốn của mình, nhưng điều quan trọng là dạy con bạn bài học: để kiếm được tiền, chúng ta phải làm việc chăm chỉ.
2. LÀM SAO ĐỂ TIẾT KIỆM, CHIA SẺ VÀ CHI TIÊU
Một khi con bạn đã hiểu khái niệm kiếm tiền, hãy dạy 3 điều mà chúng có thể làm với khoản tiền kiếm được của mình: tiết kiệm, chia sẻ và chi tiêu.
Theo Murset, nếu bạn có thể dạy con mình cách kiếm tiền rồi sau đó là tiết kiệm cho tương lai, làm từ thiện hoặc dùng tiền để mua những thứ mình thích, thì bạn đang dạy chúng những bài học cơ bản nhất về tài chính cá nhân.
Chiến lược: Một khi con bạn đã có được một số tiền nhỏ từ việc bán bánh hay làm việc nhà, hãy giải thích với con là bên cạnh việc tiêu tiền, con cũng cần tiết kiệm và chia sẻ số tiền mình kiếm được.
Foss “thưởng nóng” con trai cô hằng tuần khi cậu bé hoàn thành việc nhà của mình. Sau đó, cô yêu cầu con tiết kiệm 10% tổng số tiền đó, 10% để ủng hộ từ thiện và phần còn lại cho chi tiêu. Cậu bé sẽ có 3 chiếc phong bì tương ứng và phải tính số tiền hằng tuần để chuyển tiền vào mỗi phong bì.
Bạn cũng có thể mở một tài khoản tiết kiệm cho con mình để chúng có thể học cách tiết kiệm dài hạn. Bằng cách đều đặn gửi tiền vào tài khoản, con bạn sẽ nuôi dưỡng được thói quen tiết kiệm và thậm chí cảm thấy hào hứng khi thấy khoản tiền mình dành dụm ngày một lớn hơn.
Còn với việc chia sẻ, hãy giúp con bạn tìm một quỹ từ thiện hay tổ chức mà con quan tâm hay yêu thích và chọn một ngày trong tháng để ủng hộ tiền cho quỹ/ tổ chức đó. Và nhớ là hãy để con dùng tiền do chúng kiếm được để ủng hộ.
Để dạy con về cách chi tiêu, hãy đưa con cùng đi mua sắm khi có thể và cho con biết mình có thể mua gì với các khoản tiền khác nhau. Con sẽ biết được mình không phải tiêu tiền ngay lập tức và việc chờ đợi đồng nghĩa với việc con có nhiều tiền tiết kiệm hơn trong tương lai. Tuy nhiên, hãy để con là người quyết định cuối cùng trong việc có mua đồ gì bằng tiền của chúng hay không.
Foss nhấn mạnh: “Hãy dặn con tự mang theo tiền của mình. Một trong những sai lầm tai hại các bậc cha mẹ mắc phải là mua đồ cho con và bảo con trả tiền lại cho mình sau. Nhưng điều này sẽ là vô ích. Bạn cần để con suy nghĩ về quyết định chi tiêu của mình và nhờ vậy, giúp con tránh việc chi tiêu bất hợp lý.”
3. THẺ DEBIT VÀ CREDIT HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO
Đây là vấn đề rất khó hiểu với con trẻ. Nếu trước kia chúng ta chỉ dùng tiền mặt thì bây giờ ta có thể dùng thẻ hay điện thoại để thanh toán – những khái niệm trừu tượng hơn và khiến việc dạy con về đồng tiền ngày càng khó.
Điều cơ bản nhất bạn có thể dạy con mình là khi những chiếc thẻ kia được quẹt thì nghĩa là tiền ở trong một tài khoản sẽ bị trừ đi.
Chiến lược: Nếu bạn đến một cửa hàng và dùng thẻ debit hay credit để thanh toán, hãy đề con giúp bạn nhấn số PIN và qua đó giải thích cho con về cách các loại thẻ này hoạt động. Bạn cũng có thể chỉ ra điểm khác nhau giữa thẻ debit và credit – thẻ debit sẽ trừ tiền trực tiếp trong một tài khoản ngay lập tức, còn thẻ credit sẽ gửi một hóa đơn vào cuối mỗi tháng.
4. COUPON (PHIẾU GIẢM GIÁ) HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO
Việc dạy con sử dụng phiếu giảm giá sẽ giúp xây dựng thói quen mua sắm có trách nhiệm – điều rất có lợi cho con bạn sau này, khi chúng lớn lên và tiêu những khoản tiền do mình tự kiếm ra.
Chiến lược: Hãy để con tích lũy các phiếu giảm giá cùng bạn, rồi dùng chúng tại các cửa hàng hay siêu thị. Để con hiểu dùng phiếu giảm giá có thể giảm số tiền chi tiêu, bạn có thể chỉ cho con điều đó hoặc là để con giữ số tiền tiết kiệm được khi dùng phiếu giảm giá.
5. LÃI SUẤT HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO
Tỉ phú và tác giả sách nổi tiếng Tony Robbins cho rằng điều quan trọng nhất cha mẹ cần dạy con cái về mặt tài chính là khái niệm lãi kép.
Robbins chia sẻ: “Bạn sẽ chẳng bao giờ ‘kiếm’ được tự do trong thế giới tài chính, nhưng bạn có thể tìm cách để tìm được sự tự do”. Nếu bạn muốn dạy con mình làm giàu thì hãy dạy chúng quản lý tiền bạc của mình, và bắt đầu với khái niệm lãi kép.
Chiến lược: Làm sao bạn có thể dạy học sinh tiểu học về một khái niệm mà ngay cả nhiều người lớn cũng không hiểu được? Hãy bắt đầu với khái niệm lãi suất cơ bản trước tiên.
Blogger Frugal Dad giới thiệu khái niệm lãi suất cho cô con gái 8 tuổi của mình bằng cách đưa cho cô bé một nắm tiền xu và bảo bé mỗi ngày gửi một đồng vào “Ngân Hàng Của Bố” trong suốt một tuần. Cách mỗi ngày trong tuần đó, anh sẽ cho một đồng vào khoản tiền con gái gửi. Đến cuối tuần, cô bé có được thêm 4 đồng xu.
Blogger này viết: “ Tôi giải thích với con là 7 đồng tiền con gửi ban đầu giờ đã lên thành 11 đồng vì cứ một vài ngày, ngân hàng sẽ lại trả con một đồng vì con đã cho phép họ dùng tiền của mình – đó là lãi suất.”
Sau đó, bạn có thể giải thích lãi suất đơn giản là lãi suất có được từ tiền của bạn cộng với lãi suất bạn đã có. Kể cả khi cách miêu tả này không thực sự đúng trong thế giới thực nhưng ít nhất con bạn có thể hiểu được khái niệm này một cách cơ bản.
6. SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NHU CẦU VÀ MONG MUỐN
Phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn là một việc ngày càng khó khăn trong một xã hội tiêu dùng, nhưng điều này sẽ có ý nghĩa đặc biệt khi con bạn trưởng thành và kiếm được nhiều tiền hơn.
Dạy con phân biệt giữa hai khái niệm này sẽ giúp con bạn trở thành người chi tiêu có ý thức và cẩn trọng – một thói quen có thể ngăn chặn việc mua sắm vô độ và nợ nần trong tương lai.
Chiến lược: Nếu con bạn đòi mua một đôi giày Nike hay một cái áo bạn không đủ tiền để mua cho chúng, hãy nói với con về số tiền bạn có thể chi trả để mua những thứ này. Ví dụ như, nếu bạn chỉ có thể dành 50 đô la mà đôi giày giá 75 đô la, hãy bảo con đóng góp thêm 25 đô la nếu chúng muốn có món đồ này. Và cũng đừng quên hỏi con tại sao đôi giày đó lại là một ‘nhu cầu’ hay ‘mong muốn’.
Theo Saga