Khi tiến hành dọn dẹp, làm sạch toàn bộ ngôi nhà, thật thất vọng nếu sau đó bạn phát hiện ra rằng nó không thực sự sạch, nếu không muốn nói là bị bẩn hơn sau khi dọn dẹp.
Vậy thì bạn hãy ghi nhớ những điều sau đây, để tránh cho bản thân khỏi rơi vào nỗi thất vọng ấy. Có những cách làm sạch mà bạn đang khiến ngôi nhà của mình bẩn hơn như sau:
1. Sử dụng một chiếc khăn cho nhiều mục đích
Nếu đang sử dụng một chiếc khăn để đồng thời lau tay, lau khô bát đĩa và mặt quầy thì bạn đang làm lây lan vi khuẩn đấy. Cho dù mặt quầy đã được làm sạch và bạn chỉ dùng khăn để lau khô bề mặt, rất có thể vi khuẩn còn sót lại sẽ bám lên khăn, chỉ chờ tới khi bạn lau tay hoặc lau khô chén đĩa là chúng sẽ lan ra khắp nơi.
Bàn tay và dụng cụ nấu nướng sạch sẽ sau khi được rửa nhưng nếu bạn lau khô bằng một chiếc khăn không sạch thì vô hình trung chúng lại càng bẩn thêm.
Sau mỗi lượt sử dụng, bạn hãy thay khăn và giặt chúng, đảm bảo rằng chúng thật sạch sẽ trước lần sử dụng tiếp theo.
2. Lau nhà khi chưa làm sạch bụi
Sử dụng cây lau nhà thông thường khi chưa làm sạch bụi thậm chí còn khiến sàn nhà bẩn hơn so với việc không lau. Ngoài việc di chuyển bụi bẩn xung quanh sàn thì cây lau nhà không có tác dụng mang bụi bẩn biến mất.
Bạn hãy làm sạch bụi trước khi lau sàn, khi ấy việc lau nhà mới mang lại hiệu quả cao nhất.
3. Lau sàn nhà đầu tiên trước khi dọn dẹp những thứ khác
Làm sạch sàn nhà đầu tiên là một hành động sai lầm, bởi vì ngay sau đó sàn nhà sẽ bẩn hơn khi bạn dọn dẹp những thứ khác. Bụi bẩn dễ dàng bám lên sàn nhà đang ướt, bạn sẽ phải làm sạch lại từ đầu.
4. Lau cửa sổ bằng giấy báo
Thực tế là phương pháp lau cửa sổ bằng giấy báo được khá nhiều người ưa chuộng, vì nó rẻ hơn so với sử dụng khăn giấy và sau khi lau không để lại các vết cặn trên kính.
Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng giấy báo ướt do ngấm nước có thể để lại những vết mực đen trên cửa sổ, loại mực đó rất khó làm sạch. Ngoài ra giấy báo và mực còn có thể chứa các hóa chất gây mài mòn kính. Sự thay thế tuyệt vời cho giấy báo và khăn giấy khi lau cửa sổ đó là chổi cao su chuyên dụng và khăn vải sợi nhỏ.
5. Rửa bát trong bồn rửa chưa được làm sạch
Nhiều người chỉ tập trung vào đồ dùng nhà bếp bẩn mà quên đi việc cần phải vệ sinh sạch sẽ cả bồn rửa. Khi rửa bát đĩa, dụng cụ nấu nướng trong chiếc bồn rửa bẩn, bạn tưởng đã làm sạch chúng song thực tế thì có khi lại khiến chúng bẩn hơn.
Sau mỗi lần rửa bát, bạn nên cọ cả bồn rửa bằng xà phòng, đặc biệt chú ý đến bộ lọc của bồn rửa, đó là nơi tích tụ rác và ẩn chứa nhiều vi khuẩn.
6. Phủi bụi bằng giẻ khô hoặc chổi lông
Lau bụi bằng giẻ khô, chổi lông thực sự không có nhiều tác dụng như bạn nghĩ. Cách làm đó chỉ có thể chuyển bụi và chất bẩn từ bề mặt này sang bề mặt khác mà thôi. Khi bạn dùng giẻ khô trên các bề mặt mỏng, thậm chí còn có thể gây trầy xước.
Bạn hãy sử dụng vải sợi nhỏ và khăn lau bụi mềm, chúng sẽ bắt giữ hiệu quả các hạt bụi bẩn nhỏ.
7. Chà xát thảm để loại bỏ vết bẩn
Chẳng may tấm thảm bị dính bẩn, việc chà xát mạnh không mang lại lợi ích gì thậm chí còn gây hại. Chà xát mạnh sẽ làm đứt các sợi vải, khiến thảm nhanh hỏng, ngoài ra còn khiến cho vết bẩn ăn sâu hơn vào thảm.
Thay vì kỳ cọ, chà xát tấm thảm, hãy thấm các vết bẩn từ ngoài vào trong, vết bẩn sẽ không bị loang ra mà bạn còn bảo vệ được thảm.
8. Sử dụng cùng một khăn vải hoặc bọt biển cho nhiều phòng trong nhà
Khi dùng một miếng bọt biển, khăn vải cho các không gian khác nhau trong nhà có thể làm lây lan vi trùng, bụi bẩn và các chất bẩn khác ra khắp nơi. Bạn chỉ nên sử dụng chúng để làm sạch một khu vực, sau đó giặt sạch, nếu muốn lau khu vực khác hãy sử dụng một miếng bọt biển mới.
9. Phun chất tẩy rửa trực tiếp lên bề mặt
Bạn có thể cho rằng việc xịt trực tiếp chất tẩy rửa lên các bề mặt đang lau chùi không phải là vấn đề gì lớn, tuy nhiên nó gây ra nhiều tác động xấu hơn chúng ta nghĩ.
Phun trực tiếp chất tẩy rửa lên đồ đạc có thể tạo ra dầu nhờn trên bề mặt, lớp dầu đó sẽ thu hút bụi bẩn. Bạn sẽ phải làm sạch thường xuyên hơn, thậm chí là bụi bẩn càng khó lau chùi. Cách tốt nhất là bạn hãy xịt dung dịch làm sạch lên một chiếc khăn vải sau đó mới lau các bề mặt.
Theo An Du