Văn bản “Phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh, sinh viên” của Bộ GD-ĐT gây phản ứng vì bị cho là copy cứng nhắc văn bản khác.
Liên quan đến văn bản yêu cầu “phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), nguồn tin cho biết Bộ GD-ĐT xây dựng văn bản này trên cơ sở một văn bản của cơ quan về phòng chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Các từ ngữ trong văn bản của Bộ GD-ĐT có trong phần phụ lục của công văn này và do cơ quan này soạn, không phải Bộ GD-ĐT tự nghĩ ra.
Tuyên tuyền phòng chống ma tuý trong trường học ở An Giang
Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Vinh cho rằng không nên bao biện một cách thiếu chuyên nghiệp như vậy. Văn bản hành chính phải được thể hiện trong sáng, rõ ngữ nghĩa.
Trên thực tế, không phải đây là lần đầu tiên bộ GD-ĐT ban hành văn bản gây phản ứng vì copy cứng nhắc các văn bản khác.
Tháng 10-2018, Bộ GD-ĐT đã gây tranh cãi dữ dội về quy định sinh viên bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học trong dự thảo Thông tư ban hành Quy chế Công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Quy định này không phải mới mà đã được Bộ GD-ĐT nêu tại Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ban hành kèm theo tại thông tư 10/2016/TT-BGDĐT.
Ở mục 17, Phụ lục về một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật sinh viên của quy chế chỉ rõ sinh viên hoạt động mại dâm lần 4 bị buộc thôi học. Tuy nhiên, sau khi dư luận phản ứng dữ dội, Bộ GD-ĐT đã nhanh chóng rút dự thảo này. Cũng liên quan đến dự thảo nói trên, Bộ GD-ĐT cũng đã kỷ luật 1 vụ phó và 2 cán bộ.
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng gây xôn xao dư luận khi ban hành quy định bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945 nếu thi đại học sẽ được cộng 2 điểm trong thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013.
Bộ GD-ĐT lý giải thông tư này cụ thể hóa pháp lệnh người công và Nghị định số 31 của Chính phủ. Tuy nhiên, do vấp phải phản ứng dữ dội của dư luận cho rằng rập khuôn, máy móc và không thực tế bởi mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945… nếu còn sống cũng đã ở tuổi 80-90.
Chỉ 12 ngày sau khi công bố quyết định cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học, Bộ trưởng GD-ĐT lúc đó là ông Phạm Vũ Luận ban hành thông tư bãi bỏ ưu tiên này.
Phó Giám đốc một sở LĐ-TB-XH cho rằng người có chuyên môn có thể hiểu “thử ma tuý” trong văn bản này là xét nghiệm ma tuý nhanh cho học sinh sinh viên hay “kế hoạch dự phòng nghiện ma tuý” cũng có thể hiểu phòng ngừa nghiện ma tuý.
“Nhưng tôi khẳng định đó là với những người hiểu các vấn đề liên quan đến ma tuý, còn với phần đông người dân thì rõ ràng văn bản này khó hiểu, rối rắm. Đây là vấn đề nhạy cảm nhưng câu chữ lại gây hiểu sai nghĩa”- Phó Giám đốc Sở này cho biết.
TS Hoàng Ngọc Vinh phân tích, ở đây là lỗi soạn thảo văn bản do bộ phận tham mưu là Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên trình lãnh đạo Bộ.
Ông Vinh khẳng định Bộ GD-ĐT cần thu hồi văn bản này và phải có một văn bản khác của lãnh đạo Bộ. “Không thể chỉ là một văn bản đính chính của cấp vụ dù được thừa lệnh Bộ trưởng.
Trước đó, như Báo Người Lao Động đã thông tin, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh vừa ký ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021”.
Kế hoạch 455 bao gồm 9 nhiệm vụ khác nhau, liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm… Tuy nhiên có 2 nhiệm vụ gây xôn xao dư luận và khiến nhiều người phản ứng.
Cụ thể, nhiệm vụ 4 yêu cầu “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông”.
Nhiệm vụ 8 yêu cầu: “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên”.
Nhiều giáo viên khi được hỏi cho rằng “không thể tin nổi” lại có văn bản này.