Tất cả mọi người đều học cách làm việc và kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Nhưng không nhiều người có ý thức sớm về việc học cách tiêu tiền.
Cũng như một doanh nghiệp, mỗi cá nhân, gia đình đều phải đối mặt với các vấn đề tài chính và quản lý tài chính. Nếu không có kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, tái đầu tư, bạn có thể dễ dàng lâm vào cảnh rủi ro tài chính, trở nên khánh kiệt.
Khi bạn hiểu được cách sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả nhất, cuộc sống của bạn vừa thoải mái lại vừa tránh được những rủi ro đáng tiếc trong cuộc sống. Đó chính là ý nghĩa của việc quản lý tài chính cá nhân.
Quản lý tài chính và lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng có thể là một thách thức. Nhưng nếu bạn quá lo lắng về việc bắt đầu từ đâu thì chiến lược 50 -30 -20 có thể giúp bạn đơn giản hóa quy trình. Nguyên tắc 50/20/30 được Elizabeth Warren – nhân vật được Tạp chí Times bình chọn là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2017 – đề cập trong cuốn sách của bà. Nói một cách đơn giản, phương pháp 50/30/20 sẽ chia thu nhập của các bạn ra từng nhóm riêng biệt, từ đó giúp bạn có kế hoạch tài chính rõ ràng hơn.
Nguyên tắc này chia thu nhập của bạn thành 3 nhóm lớn: khoản chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu, khoản chi linh hoạt và khoản tiết kiệm và đầu tư
Dành 50% thu nhập để chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu, mong muốn
Danh mục chi tiêu này bao gồm các chi phí thiết yếu của bạn như tiền thuê nhà, thanh toán các hóa đơn, thực phẩm, tiện ích, bảo hiểm y tế….
Nếu các chi phí cho nhu cầu thiết yếu của bạn chiếm hơn 1 nửa thu nhập, bạn cần cắt giảm chi phí hoặc rút bớt việc chi tiêu vào những như mong muốn của bản thân.
30% thu nhập dành các chi tiêu linh hoạt
Nhóm 30% thu nhập này dành cho các hoạt động giải trí, hưởng thụ, phát sinh bất ngờ khác, chẳng hạn như đi du lịch, ăn uống nhà hàng, mua sắm, hay sửa chiếc xe bất ngờ bị hỏng… Khoản tiền này cũng có thể dành cho việc lên đời xe mới hoặc tiết kiệm để mua một món đồ bạn yêu thích.
Nhìn chung, đây là một khoản chi tiêu cần thiết phải chuẩn bị bởi cuộc sống hiện đại ngày này có thể phát sinh rất nhiều khoản chi “không tên”. Mục tiêu chung của kế hoạch tài chính cá nhân là giảm bớt chi phí ở nhóm linh hoạt và tăng nhóm tích lũy – đầu tư lên.
20% số thu nhập nên dành để tiết kiệm và đầu tư
Nhóm tiền này bao gồm các khoản tiết kiệm có thể linh hoạt như quỹ khẩn cấp, các khoản tiết kiệm hưu trí và bất kỳ khoản đầu tư nào khác, ví dụ như chứng khoán…. Các chuyên gia thường khuyên bạn nên cố gắng dành một khoản tiền nhất định trong quỹ khẩn cấp để có thể trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu trong 3 – 6 tháng để đề phòng các trường hợp bất trắc. Trong khi đó, một số chuyên gia khác thì khuyên bạn nên tập trung tích lũy khoản tiết kiệm khẩn cấp trước, sau đó tập trung vào các khoản đầu tư dài hạn.
Nếu bạn tham gia đóng quỹ hưu trí hay bảo hiểm xã hội thông qua công ty bạn đang làm việc thì đó là một cách hay để tiết kiệm một phần thu nhập trước thuế của bạn.
Tiết kiệm là nền tảng tốt để đảm bảo năng lực tài chính cá nhân. Nhưng tiết kiệm không thể giúp bạn hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Sử dụng khoản tiền tiết kiệm nhàn rỗi một cách thông minh là đầu tư phù hợp để từng bước tiếp cận đến sự tự do về tài chính.
Việc hoạch định tài chính mang tính chất dài hạn để củng cố tài chính ở hiện tại, làm tiền đề vững chắc cho tương lai. Không có công thức nào phù hợp với việc quản lý tiền bạc của tất cả mọi người. Nhưng quy tắc 50 – 30 – 20 có thể là một khởi đầu tốt nếu bạn chưa quen với việc lập ngân sách hàng tháng và còn lúng túng khi phân chia thu nhập của bản thân.
Theo Doanh nghiệp & Tiếp thị