Các chuyên gia pháp luật nhìn nhận cần phải khởi tố để điều tra vụ nhân viên bảo vệ dân phố đánh đập tàn bạo 2 thiếu niên trong trường học, chứ không thể để “chìm xuồng” theo kết quả giám định thương tật 0%.
Sẽ khiếu nại kết quả giám định
Theo thông báo kết luận điều tra, 2 thiếu niên N.D.T.A và N.P.H.T (cùng 14 tuổi, ngụ quận10, bị nhân viên bảo vệ dân phố đánh) nhập viện ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 vào ngày 1-4 và xuất viện ngày 2-4.
Căn cứ kết luận giám định pháp y về thương tích thì tỉ lệ thương tích đối với em N.D.T.A là 0% và không đủ cơ sở xác định có chấn thương đầu hay không. Thông báo cũng thể hiện em N.D.T.A nhập Bệnh viện Nhi Đồng 1 than đau đầu nhưng khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng không ghi nhận bất thường, hiện tại ổn định. Còn em N.P.H.T cũng được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 và than đau đầu, đau cổ nhưng đến nay không ghi nhận bất thường và tỉ lệ thương tật cũng là 0%.
Trao đổi với phóng viên, bà Đ.T.T.A (mẹ em N.D.T.A) cho biết gia đình rất bất ngờ với thông báo kết luận này. “Gia đình chúng tôi đã ủy quyền cho luật sư để làm việc với cơ quan công an về kết luận giám định thương tích trên để làm rõ thêm. Tôi mong muốn xử đúng người, đúng luật” – bà Đ.T.T.A nói. Còn bà T.T.M (mẹ của N.P.H.T) cũng không đồng tình với kết quả giám định, cho biết gia đình sẽ khiếu nại.
Bà T.T.M (mẹ của N.P.H.T) không đồng tình với kết quả giám định thương tật 0%. Ảnh: SỸ HƯNG
Vụ việc gây phẫn nộ dư luận xảy ra lúc 23 giờ 10 phút ngày 31-3. Trong lúc tuần tra, Tổ bảo vệ dân phố phường 14, quận 10 bắt giữ 2 em N.P.H.T và N.D.T.A do nghi đột nhập Trường THCS Nguyễn Văn Tố để trộm cắp. Hai nạn nhân bị đưa vào phòng giám thị của trường. Tại đây, một bảo vệ dân phố đã có hành vi bạo hành, vừa chửi tục vừa đánh đập thô bạo các em. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP HCM Lê Minh Tấn đã ký công văn gửi giám đốc Công an TP HCM đề nghị chỉ đạo và phối hợp xử lý vụ việc, sớm truy tố và xét xử người có hành vi bạo hành trẻ em.
Lãnh đạo quận 10 cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra, xác minh, xử lý nghiêm vụ việc, không bao che. Ngay trong sáng 2-4, đã yêu cầu chủ tịch UBND phường 14 đình chỉ ngay công việc 4 thành viên tổ dân phố có liên quan để thực hiện việc xác minh. Ngoài ra, UBND quận 10 cũng giao Ban Chỉ huy Công an quận tiến hành các bước điều tra sự việc theo quy định. Đồng thời, giao cho Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với địa phương đến gia đình 2 thiếu niên để động viên, thăm hỏi.
Thế nhưng, sau hơn nửa tháng, với thông báo kết luận giám định trên, không chỉ gia đình nạn nhân mà dư luận cũng đặt ra nhiều băn khoăn, liệu vụ việc có bị “chìm xuồng”?
Nhìn nhận vụ việc gây phẫn nộ trên mạng xã hội này, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM) nói: “Tôi coi đi coi lại clip rất nhiều lần. Hành động đánh, đá của bảo vệ dân phố đối với 2 thiếu niên là rất tàn bạo, đá vào vùng trọng yếu trên cơ thể, nhìn rất đau lòng. Về tỉ lệ thương tật, nếu nhìn đánh như vậy mà 0% thì rất khó hiểu. Muốn bảo đảm tính khách quan và nghiêm minh của pháp luật thì có thể yêu cầu giám định lại ở một cơ quan giám định khác”.
Theo luật sư Đức, nếu gia đình không đồng ý kết quả giám định thì có quyền khiếu nại hoặc ủy quyền cho luật sư. Ngoài ra, cơ quan bảo vệ trẻ em cũng có quyền kiến nghị yêu cầu giám định lại.
Trả lời câu hỏi “với kết quả giám định thương tích là 0% thì liệu có đủ cơ sở xử lý hình sự bảo vệ dân phố hay không?”, luật sư Nguyễn Văn Đức nêu quan điểm: “Công an quận 10 phải khởi tố vụ án để điều tra, còn có khởi tố bị can, khởi tố tội gì thì tính sau. Sau khi khởi tố vụ án, nếu cơ quan tố tụng điều tra, xác định có dấu hiệu tội phạm hay không, tội gì thì có thể khởi tố bị can. Trường hợp qua hoạt động tố tụng xác định không đủ yếu tố cấu thành phạm tội thì ra quyết định đình chỉ vụ án. Tôi nghĩ phải xử lý dứt điểm, xử nghiêm; nếu không sẽ tạo một tiền lệ không hay”.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư – Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM, người bảo vệ quyền lợi cho 2 thiếu niên) nhận định đây là vụ việc rất nghiêm trọng. “Căn cứ điều 134 Luật Hình sự 2015, quy định về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” thì trong trường hợp này, dù thương tật dưới 11% nhưng thuộc các khoản c (đối với người dưới 16 tuổi), khoản i (có tính chất côn đồ) thì vẫn đủ yếu tố khởi tố nhân viên bảo vệ dân phố” – luật sư Ngọc Nữ chỉ rõ.
Luật sư Ngọc Nữ còn bày tỏ quan điểm phải xem xét đến trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường trong vụ việc này. Bà nhấn mạnh: “Không thể để bạo hành xảy ra trong trường học, nơi mà mục đích chính là giáo dục học sinh về cả kiến thức lẫn nhân cách. Người đứng đầu nhà trường không thể vô can”.
Cơ quan giám sát cần vào cuộc Bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, cho biết cơ quan này đã có công văn gửi UBND quận 10 đề nghị chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc. “Chúng tôi nhận thấy hành vi đánh, đá vào mặt và đầu trẻ em của bảo vệ dân phố là hành vi trái pháp luật, gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của trẻ. Sự việc xảy ra ngay trong phòng giám thị trường học, nhiều người chứng kiến nhưng không can ngăn. Trong vụ việc này, các cơ quan tố tụng cần phải xử lý nghiêm minh. Nếu không làm đến nơi đến chốn thì còn các cơ quan giám sát khác vào cuộc” – bà Hồng đề nghị. P.Dũng |