Tất cả những gì đang diễn ra cho thấy tuyến biên giới Tây Nam đang rất “nóng” vì dịch Covid-19. Vậy làm sao để bịt kín các lỗ hổng?
Việt Nam đã khống chế được dịch Covid-19. Tính đến hết ngày 16-4, TP HCM đã 62 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Hà Nội đã 59 ngày và Hải Phòng 52 ngày, Hải Dương 22 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Nếu nhìn vào tình hình đó, gần như Covid-19 đã tạm lùi ở nước ta.
Nhưng, đó chỉ là sự bình yên tạm thời.
Dịch Covid-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào, khi mà toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta đang rất “nóng” vì Covid-19 đang bùng phát ở nước láng giềng Campuchia và cả Thái Lan cũng đang trong đợt bùng phát dịch thứ ba, lây lan ra 70 tỉnh của nước này.
Số ca dương tính Covid-19 mới công bố ngày 15-4 của Thái Lan vừa lập kỷ lục buồn với 1.543 ca, ngày thứ hai liên tiếp số ca nhiễm mới ở mốc 4 chữ số.
Với Campuchia, cả năm 2020 chỉ có gần 500 ca Covid-19, nhưng ngay trong đợt bùng phát này đã có hơn 5.480 ca nhiễm trong cộng đồng, rất nguy hiểm với biến chủng Anh, Nam Phi lây lan rất nhanh.
“Chúng ta đang bên bờ vực sinh tử. Nếu chúng ta không chung tay với nhau, chúng ta sẽ lao vào chết chóc thật sự” – Thủ tướng Hun Sen cảnh báo trên truyền hình Campuchia vào tối 14-4.
Cần lưu ý, Phnom Penh chỉ cách TP HCM 230 km, cách cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) 170 km – rất gần, gần bằng khoảng cách TP HCM đi Phan Thiết!
Điều này có nghĩa là ổ dịch lớn ở Phnom Penh rất gần TP HCM.
Đó là chưa kể đa số các tỉnh biên giới của Campuchia giáp Việt Nam đều có ca nhiễm cộng đồng, đặc biệt khu vực từ Bình Phước đến Hà Tiên – Phú Quốc. Toàn tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia dài 1.270 km, dịch bệnh rất dễ xâm nhập vì tỉnh nào cũng có nhiều cửa khẩu lớn nhỏ, nhiều đường mòn, lối mở và người dân hai bên vẫn thường giao lưu, mua bán, làm ăn.
Tất cả cho thấy tuyến biên giới Tây Nam đang rất “nóng” vì dịch Covid-19. Vậy làm sao để bịt các lỗ hổng?
Trong cuộc họp sáng 12-4, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng dịch Covid-19 rất gần với TP HCM, và cảnh báo: “TP HCM phải dồn sức tập trung kiểm soát chặt người nhập cảnh trái phép. Khả năng dịch Covid-19 xâm nhập vào TP HCM từ nước bạn là rất lớn”.
Sáng 16-4, trong cuộc họp trực tuyến về việc tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 với các địa phương, Bộ Y tế đã cảnh báo khẩn biên giới Tây Nam và Tây Nam bộ là khu vực có nguy cơ rất cao bùng phát dịch Covid-19 và yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra chặt chẽ biên giới.
Một vấn đề rất đáng quan tâm là nhiều người Việt làm ăn ở Campuchia hoang mang trước dịch Covid-19, đang muốn quay về Việt Nam. Đây là nguyện vọng chính đáng, không thể cấm được mà cần hướng dẫn họ làm thủ tục nhập cảnh hợp pháp để được cách ly đúng quy định. Có một khó khăn thực tế, là Việt kiều từ Campuchia về cách ly phải trả phí, trong khi nhiều người khó khăn về kinh tế, nên họ tìm cách nhập cảnh trái phép, rất khó kiểm soát và đây là nguy cơ nhãn tiền, cần có giải pháp thực tế.
Biện pháp răn đe, là cần đưa ra tòa nhanh những trường hợp tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép như tỉnh Cà Mau đã làm. Ngày 15-4, tòa án tỉnh này tuyên phạt Lê Văn Thảo 9 năm tù. Chỉ vì ham tiền, Thảo tổ chức đưa 38 người từ Malaysia về Việt Nam bằng đường biển trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Hành vi phạm tội này rất nhiều, xảy ra ở hầu hết các địa phương có đường biên giới, cần phải nghiêm trị làm gương.
Kiểm soát được toàn bộ tuyến biên giới Tây Nam và Tây Nam bộ mới đảm bảo ngăn chặn được dịch Covid-19 lan sang nước ta. Trách nhiệm này không chỉ của lực lượng Biên phòng, của các tỉnh biên giới mà còn của các bộ, ban ngành liên quan và cả TP HCM, nếu cần phải chi viện bằng những hình thức thích hợp.
Còn nhớ hôm 26-3, hai người nhập cảnh trái phép qua tàu cá về Phú Quốc, sau đó về TP HCM và Hải Phòng, đã làm hàng ngàn người phải cách ly, du lịch Phú Quốc chưa kịp hồi sinh đã lao dốc vì dịch bệnh.
Mới nhất, ngày 13-4, hai vợ chồng người Việt ở An Phú, tỉnh An Giang làm ăn ở Phnom Penh về nước xin cách ly cũng làm hàng trăm người rơi vào diện F1, F2.
Đây là những cảnh báo từ thực tế!
Theo nld.com.vn