Chủ tịch Hà Nội nhận định trên địa bàn bắt đầu có hiện tượng lây nhiễm chéo Covid-19, tuy nhiên thành phố khẳng định đang chủ động và kiểm soát tốt tình hình, sẵn sàng cơ sở vật chất để cách ly tập trung số lượng lớn.
Tính đến tối 18/3, Việt Nam ghi nhận 76 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 16 người đã được chữa trị khỏi và cho xuất viện.
Tại Hà Nội, 21 trường hợp (chủ yếu trở về từ châu Âu) được xác nhận dương tính, hiện đang được điều trị tại các bệnh viện và cơ sở y tế.
Trong cuộc họp của BCĐ phòng chống Covid-19 của thành phố chiều 18/3, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đánh giá “con đường phía trước còn gian nan, Hà Nội đã chính thức bước vào tuần thứ 2 của giai đoạn 2”, không loại trừ thời gian tới sẽ có những ca nhiễm mới.
Hiện nay, nguồn lây nhiễm trên địa bàn không chỉ từ 3 nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thành phố đang phải đối mặt với nguồn lây nhiễm từ rất nhiều quốc gia, đặc biệt, bắt đầu có hiện tượng lây nhiễm chéo trên địa bàn.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh công việc chính hiện nay là phát hiện và cách ly nhanh chóng. Những người dân có triệu chứng ho, sốt, Sở y tế phải nhanh chóng điều các đội phản ứng nhanh, có đầy đủ trang thiết bị y tế, tiến hành đưa bệnh nhân vào trung tâm cách ly tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Không để bệnh nhân tự đi, không gọi taxi.
Những người đi từ vùng dịch về nhưng chưa được phát hiện và khai báo y tế, chủ động tự cách ly tại nhà. Và khi phát hiện có dấu hiệu không bình thường, thì phải báo cáo ngay.
Ảnh minh họa.
Ông Chung yêu cầu tiếp tục đào tạo nguồn y tá, bác sĩ đi lấy mẫu xét nghiệm. Huy động tất cả các bệnh viện đảm bảo lấy từ 1.500-2.000-3.000 mẫu/ngày. Muốn được như vậy, cần phải có 800 cán bộ y tế. Yêu cầu, các đội cơ động tại các quận/huyện/phường/ xã phân công trực cụ thể 24h/7 ngày, bất kể lúc nào có người dân phản ánh phải giám sát ngay.
Lãnh đạo Hà Nội cho biết, hằng ngày, thành phố đang tiếp nhận 600-800, 1.000 công dân về nước. Thời gian tới, con số này có thể tăng lên 10.000 người. Vì vậy, thành phố quyết định tổ chức cách ly tập trung để phòng ngừa. Những trường hợp cần phải cách ly là những người từ nước ngoài tại các khu tập trung; cách ly F1 tại bệnh viện; cách ly F2 tại nhà. Từ ngày 19/3, TP chính thức kích hoạt giám sát cộng đồng bằng GPS để giám sát tại nơi ở.
Để đáp ứng yêu cầu cách ly công dân trở về từ vùng dịch, UBND thành phố đã quyết định thành lập thêm 2 khu cách ly tập trung để đón các trường hợp về từ vùng có dịch.
Khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (Khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp, quận Hoàng Mai) với quy mô 2.000 chỗ lưu trú. Khu cách ly này triển khai thực hiện tiếp nhận người dân vào cách ly từ ngày 19/3 cho đến khi kết thúc dịch.
Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội (Phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), có quy mô 800 chỗ lưu trú; triển khai thực hiện tiếp nhận người dân vào cách ly từ ngày 20/3 cho đến khi kết thúc dịch.
Đồng thời, Bộ Quốc phòng bổ sung cho Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội 1 khu cách ly tập trung tại Trung tâm Đào tạo nghề Thành An, Binh đoàn 11 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) với quy mô 500 chỗ lưu trú.
Đến 17 giờ ngày 18/3, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tiếp nhận hơn 600 công dân trở về từ châu Âu và các nước có dịch qua Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Công dân trở về được đưa đến các khu cách ly tập trung theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chủ động thành lập bộ máy, tổ chức quản lý, vận hành và phục vụ khu cách ly tập trung; bố trí lực lượng điều hành và phục vụ cho khu cách ly; đảm bảo về hậu cần, phục vụ cho người cách ly và nhân viên phục vụ (giường, chiếu, nhu yếu phẩm, nấu ăn…); đảm bảo xe vận chuyển, đưa đón người cách ly; nhận và bàn giao người cách ly đúng theo quy định.
Chủ tịch UBND TP khẳng định Hà Nội đang chủ động và kiểm soát tốt tình hình, xác minh nhanh trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo, bóc tách ngay lập tức các trường hợp có khả năng lây nhiễm chéo.
Theo NHỊP SỐNG VIỆT