Trong những ngày trước khi xảy ra vụ đụng độ chết người ở biên giới Trung – Ấn, Trung Quốc đã đưa các loại máy móc, mở rộng một con đường trên sườn núi Himalaya và thậm chí xây đập trên một con sông, Reuters đưa tin.
Những bức ảnh chụp hôm 16/6, một ngày trước khi binh lính hai bên ẩu đả ở khu vực thuộc thung lũng Galwan cho thấy hoạt động gia tăng của Trung Quốc trong 1 tuần trước đó.
Ấn Độ nói rằng 20 lính của họ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công do Trung Quốc khơi mào trong tối 15/6, vào thời điểm chỉ huy quân đội hai nước đã đồng ý tháo ngòi căng thẳng ở khu vực dọc đường kiểm soát thực tế, một khu vực không được phân định rõ ràng giữa hai cường quốc hạt nhân.
Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc và đổ lỗi cho binh lính tiền phương của Ấn Độ khơi mào xung đột ở nơi có độ cao 4.300m và thời tiết lạnh đến mức đóng băng.Thung lũng Galwan là một khu vực có thời tiết khô lạnh khắc nghiệt với con người, nơi các binh lính phải làm nhiệm vụ trên các dốc núi. Khu vực này được đánh giá là quan trọng vì nó dẫn tới Aksai Chin, một vùng cao nguyên tranh chấp do Trung Quốc kiểm soát nhưng Ấn Độ cũng có yêu sách.
Reuters dẫn các ảnh vệ tinh do hãng vệ tinh Planet Labs chụp cho thấy các dấu hiệu thay đổi trên bề mặt địa hình thung lũng vì những hoạt động mở rộng đường, chở đất và tạo lối qua sông.
Các bức ảnh cho thấy máy móc hiện diện dọc những ngọn núi trọc và trên sông Galwan.
“Nhìn vào ảnh vệ tinh, có vẻ Trung Quốc đang làm đường ở thung lũng và có thể xây đập qua sông”, Reuters dẫn lời ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình chống phổ biến vũ khí Đông Á thuộc Viện Quốc tế học Middlebury, Mỹ.
“Có hàng tấn thiết bị ở cả hai phía (của đường kiểm soát thực tế), dù phía Trung Quốc có vẻ nhiều hơn hẳn. Có khoảng 30-40 phương tiện của Ấn Độ, còn Trung Quốc có trên 100 phương tiện”, ông Lewis nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng ông không biết rõ chi tiết ở thực địa nhưng nhắc lại quan điểm rằng quân Ấn Độ đã vượt qua đường phân chia để sang lãnh thổ Trung Quốc ở nhiều vị trí trong những ngày gần đây, và rằng Ấn Độ cần phải rút quân.
Còn Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc điện đàm ngày 17/6 rằng Trung Quốc đang cố dựng lên một “cấu trúc” ở thung lũng Galwan bên phía của Ấn Độ.
Không rõ từ “cấu trúc” mà ông Jaishankar là công trình gì.
Mâu thuẫn bắt đầu từ khi một lính tuần tra Ấn Độ đến khu vực gần một đỉnh núi để kiểm tra xem quân Trung Quốc đã rút về sau đường phân chia như họ nói hay chưa, Reuters dẫn lời các nguồn tin nắm được tình hình cho biết.
Quân Trung Quốc đã giảm bớt số lượng hiện diện và để lại 2 lều cùng các trạm quan sát nhỏ. Phía Ấn Độ phá hai trạm quan sát này và đốt lều, các nguồn tin cho biết.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy rác và mảnh vỡ còn lại từ hai trạm quan sát sáng 16/6 trên đỉnh núi phía Ấn Độ. Không có cấu trúc nào như vậy xuất hiện trong bức ảnh chụp 1 tuần trước đó.
Một nhóm đông lính Trung Quốc đến hiện trường và đối đầu với nhóm lính Ấn Độ – dẫn đầu là đại tá Santosh Babu. Hai bên chỉ mang vũ khí hạng nhẹ để bảo đảm tuân thủ quy tắc thực thi nhiệm vụ dọc đường phân chia, một nguồn tin cho biết. Ấn Độ và Trung Quốc không đấu súng kể từ chiến tranh biên giới năm 1967. Binh lính chỉ được phép đeo súng trên lưng.
Không rõ điều gì xảy ra sau khi hai bên giáp mặt nhau, nhưng xung đột đã xảy ra. Phía Trung Quốc dùng thanh sắt và dùi cui, một nguồn tin cho biết.
Đại tá Babu là một trong 20 người thiệt mạng. Ấn Độ điều thêm quân đến hiện trường và cuộc đối đầu kéo dài nhiều giờ với sự tham gia của 900 lính, các nguồn tin cho biết. Nhưng cả hai bên đều không nổ súng.
Ông Triệu Lập Kiên bác bỏ mô tả của phía Ấn Độ về sự kiện đó. “Tính đúng sai của vụ việc đã rõ ràng. Trách nhiệm không nằm ở phía Trung Quốc”, ông Triệu nói.
- Người Ấn Độ sục sôi lửa giận với Trung Quốc
- Ấn Độ “bồi đòn” lên Trung Quốc giữa căng thẳng
- 5.000 binh sĩ Trung Quốc đến biên giới với Ấn Độ, căng thẳng lên tới đỉnh điểm
Theo Reuters