Hãng logistics ITL cho biết, hai chuyến bay thuê bao (charter) tuần qua đã chuyển lô hàng 30 triệu chiếc khẩu trang y tế Việt Nam đi Bắc Mỹ. Chuyến đầu tiên cất cánh từ Hà Nội vào ngày 3/6 và quá cảnh tại Hong Kong trước khi đến Bắc Mỹ. Chuyến thứ hai cũng thực hiện đường bay tương tự và đến Bắc Mỹ vào rạng sáng ngày 6/6.
Nhà vận chuyển này cho biết, để đáp ứng số lượng hàng hóa lớn, yêu cầu thời gian vận chuyển gấp rút, công ty phối hợp cùng hãng AirBridge Cargo Airlines sử dụng hai máy bay chở hàng lớn nhất thế giới hiện nay là 747-800 F để chở gần 12.000 thùng hàng hóa, tương đương 220 tấn theo trọng lượng hàng hóa và 1.250 cbm theo trọng lượng quy đổi của kiện hàng.
ITL dẫn nguồn tin từ một nhà sản xuất khẩu trang y tế lớn trong nước cho biết, chính phủ Mỹ đang có nhu cầu 3 tỷ khẩu trang y tế đạt chuẩn và Việt Nam là một trong những thị trường nhập khẩu được nhắm đến.
“Tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu trong giai đoạn này như khẩu trang y tế và thiết bị bảo hộ cá nhân của Việt Nam được đánh giá là rất lớn khi nhu cầu của các nước Bắc Mỹ tiếp tục dâng cao”, đại diện công ty đánh giá.
Trước đó, trong tháng 5, ITL cũng đã vận chuyển bằng máy bay charter 1,5 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân đến New York (Mỹ) để phục vụ cho nhu cầu của người dân và các chuyên gia y tế chống Covid-19.
Trung tuần tháng 5, Thương vụ Việt Nam tại Morocco nhận định, mức giá khẩu trang do các doanh nghiệp Việt Nam chào bán tương đương giá chào bình quân của các nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… nhưng dịch vụ của các nước kia có phần nhạy bén hơn. Vì thế, theo cơ quan này, bên cạnh chất lượng, giá cả sản phẩm và vấn đề pháp lý, các công ty xuất khẩu khẩu trang Việt Nam cần xem xét lưu ý thêm khía cạnh dịch vụ cung ứng để đảm bảo khả năng cạnh tranh tốt hơn.
Tuần qua, Bộ Công Thương đánh giá, mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ cá nhân phòng dịch có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng có dấu hiệu tăng trưởng “nóng”, không kiểm soát được chất lượng, nguy cơ ảnh hưởng đến hình ảnh hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Một số sản phẩm khẩu trang vải, khẩu trang y tế không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn, đặc điểm của người nước ngoài. Có doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận được phát hành bởi đơn vị không chuyên nghiệp, không đủ thẩm quyền hoặc không được ủy quyền cấp xác nhận”, Bộ Công Thương nhận định.
Bộ này khuyến cáo các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ về các đơn vị có chức năng tư vấn, thử nghiệm, kiểm định và chứng nhận tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, đặc biệt khi doanh nghiệp muốn cấp chứng nhận CE để xuất EU và chứng nhận FDA để bán vào Mỹ.
Theo VnExpress