Chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” tái khởi động bằng sự kiện trao cờ, động viên ngư dân tàu cá Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm hôm 2-4 vừa qua ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Sáng 24-5, tại UBND xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Báo Người Lao Động phối hợp cùng UBND xã Bình Châu, Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu tổ chức trao tặng cờ Tổ quốc và quà hỗ trợ từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” (do Báo Người Lao Động phát động) cho ngư dân của xã này.
Kịp thời động viên
Sau 1 năm triển khai, Ban Biên tập Báo Người Lao Động quyết định tiếp tục đưa chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” đến với đông đảo ngư dân trên cả nước.
Trong đợt trao mới này, chương trình đến với 8 ngư dân xã Bình Châu – làm việc trên tàu QNg 90617TS của hai anh em ngư dân Trần Hồng Thọ, Trần Hồng Thiên bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm ở gần đảo Phú Lâm thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam vào rạng sáng 2-4. Đại diện Báo Người Lao Động cùng chính quyền địa phương đã trao cờ Tổ quốc, tủ thuốc y tế, tiền mặt (mỗi suất 1 triệu đồng) cho 8 thuyền viên trên tàu QNg 90617TS.
Các ngư dân rất xúc động khi nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng như chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao Động. Đây là nguồn động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm động lực cho ngư dân vượt qua khó khăn trước mắt, có điều kiện vươn khơi trở lại.
Ông Phùng Bá Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Châu, cho biết chỉ riêng xã Bình Châu hiện có gần 500 tàu cá, trong đó khoảng 50% tàu đánh bắt xa bờ ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Dù vất vả, khó khăn, bà con ngư dân vẫn can trường, đoàn kết bám biển. “Mỗi năm, ở Bình Châu xảy ra rất nhiều vụ việc tàu cá của ngư dân bị tàu Trung Quốc xua đuổi, quấy phá, đâm – va ở Hoàng Sa, gây thiệt hại nặng nề, như trường hợp tàu QNg 90617TS. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, ngư dân Trần Hồng Thọ rất khó có điều kiện trở lại vươn khơi, bám biển… Tôi cho rằng việc tặng cờ, ủng hộ quà và tiền cho bà con ngư dân trong lúc khó khăn như chương trình của Báo Người Lao Động hôm nay là việc làm hết sức ý nghĩa, là nguồn động viên tinh thần to lớn cho bà con ngư dân” – ông Vương khẳng định.
Ông Đặng Hoàng Dũng, Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Người Lao Động tại miền Trung (bìa phải), trao cờ Tổ quốc từ chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho các ngư dân
Mong sớm được vươn khơi
Trong lễ trao cờ lần này, hai anh em Trần Hồng Thọ, Trần Hồng Thiên không có mặt vì bận chuyến đi bạn cho tàu khác. Nhận được lá cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động trao tặng, ông Võ Tấn Hoàng Anh, cha dượng của hai ngư dân, cho biết ông sẽ giúp hai anh cất giữ cờ Tổ quốc thật kỹ, đợi chừng nào có tàu mới sẽ treo cờ lên nóc tàu, tiếp tục ra Hoàng Sa đánh bắt.
Trước chuyến đi biển này, chúng tôi cũng đã có dịp trò chuyện với ngư dân Trần Hồng Thọ.
Theo cha chú đi biển từ năm 17 tuổi, bao bão táp phong ba giữa muôn trùng khơi, ngư dân Thọ đều nếm đủ. Thậm chí, chuyện đụng độ, va chạm tàu nước ngoài gặp như cơm bữa. “Làm biển không những đối mặt với sóng gió mà còn đối mặt với sự hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc nhưng không vì vậy mà mình bỏ biển. Nghĩ vậy nên cách đây 4 năm, tôi cùng em trai Trần Hồng Thiên dốc hết tài sản dành dụm rồi vay mượn thêm chủ nậu để mua lại con tàu gần 500 CV, giá 1,8 tỉ đồng… Bây giờ, khoản nợ gần 1 tỉ đồng chưa trả xong, con tàu đã bị đâm chìm, không biết phải làm sao” – anh Thọ lo lắng.
Ngư dân Phạm Vĩnh là một trong 8 người có mặt trên tàu QNg 90617TS lúc bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công. Những ngày trở về, sống cùng nhau ở khu cách ly dịch bệnh Covid-19, anh thường xuyên an ủi, động viên chủ tàu kiêm thuyền trưởng – cũng là người bạn thân của mình. “Sau chuyến biển bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Thọ như người mất hồn. Tiền nợ gần cả tỉ đồng chưa trả xong, giờ tàu mất rồi, đi làm cá cho họ cả đêm đến sáng chỉ đủ sống qua ngày… Nhưng tôi tin bằng ý chí, nghị lực, Thọ sẽ vượt qua khó khăn để tiếp tục ra khơi” – anh Vĩnh nói.
Khi nghe chúng tôi hỏi về ý định có tiếp tục vươn khơi, bám biển, các thuyền viên trên tàu QNg 90617TS đều quả quyết rằng nghề đi biển đã ăn sâu vào máu. Họ mong muốn ngư dân Trần Hồng Thọ có con tàu mới để anh em cùng nhau trở lại ngư trường Hoàng Sa.
Theo NLD