Các nhà lập pháp và quan chức Mỹ đang chuẩn bị các đề xuất nhằm khuyến khích các công ty Mỹ chuyển hoạt động hoặc các nhà cung cấp chủ chốt ra khỏi Trung Quốc. Các biện pháp thúc đẩy bao gồm giảm thuế, các quy định mới và trợ cấp.
Reuters cho hay các cuộc phỏng vấn nhiều quan chức và cựu quan chức chính phủ, giám đốc điều hành các ngành và các thành viên của quốc hội cho thấy thảo luận rộng rãi đang diễn ra – bao gồm ý tưởng về một quỹ đầu tư mạo hiểm, ban đầu với 25 tỷ đô la – để khuyến khích các công ty Mỹ cải tổ mạnh mẽ mối quan hệ với Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump từ lâu đã cam kết sẽ đưa ngành sản xuất trở về từ nước ngoài, nhưng sự lây lan của coronavirus và những lo ngại liên quan đến sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng y tế và thực phẩm của Mỹ vào Trung Quốc càng khiến ý tưởng này sôi sục hơn ở Nhà Trắng.
Hôm thứ Năm tuần trước, ông Trump ký một sắc lệnh trao cho cơ quan chuyên trách đầu tư ở nước ngoài quyền hạn mới nhằm giúp các nhà sản xuất tại Mỹ. Mục tiêu, theo lời ông Trump, là “sản xuất mọi thứ Mỹ cần cho chính mình và sau đó xuất khẩu ra thế giới, bao gồm cả thuốc men”.
Nhưng chính quyền Trump vẫn chia rẽ về chuyện tiến hành như thế nào là tốt nhất và vấn đề khó có thể được giải quyết trong gói kích thích tài khóa tiếp theo nhằm giảm thiểu thiệt hại từ sự suy thoái do coronavirus. Quốc hội Mỹ đang nghiên cứu một gói kích thích tài chính khác nhưng vẫn chưa rõ khi nào nó có thể được thông qua.
Các diễn tiến này xuất hiện trong bối cảnh không khí đặc biệt của một năm bầu cử ở Mỹ. Nhưng mặc dù các hành động chống Trung Quốc hay đề xuất tạo việc làm cho người Mỹ có thể ghi điểm với cử tri. Việc trao tiền thuế mà người dân đóng góp hoặc giảm thuế cho các công ty chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc vào thời điểm mà doanh nghiệp nhỏ không thể hoạt động không phải là điều dễ thực hiện.
Mặc dù vậy, vấn đề ở đây là cách thức, còn người Mỹ dường như đang thống nhất về việc giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bằng chứng là cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều đang xây dựng các dự luật nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, chiếm khoảng 18% tổng lượng nhập khẩu trong năm 2019. Ưu tiên cao là chuỗi cung ứng y tế và hàng hóa liên quan đến quốc phòng.
“Coronavirus là một lời cảnh tỉnh đau đớn rằng chúng ta quá phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc về các loại thiết bị y tế quan trọng”, thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói trong một thông cáo báo chí hồi tuần trước.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley đang thúc đẩy các quy định đối với chuỗi cung ứng y tế, đòi hỏi tăng yếu tố địa phương và “trợ cấp mạnh” để khuyến khích tăng sản xuất trong nước một loạt các loại hàng hóa và linh kiện. Hôm 10/5, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu một dự luật cấm bán một số hàng hóa nhạy cảm cho Trung Quốc và tăng thuế đối với thu nhập của các công ty Mỹ có được từ Trung Quốc.
Một dự luật lưỡng đảng được giới thiệu bởi nghị sỹ Anna Eschoo thuộc đảng Dân chủ và Susan Brooks phe Cộng hòa, đề xuất các cách để cắt giảm sự phụ thuộc nguồn cung dược phẩm Trung Quốc.
Nghị sỹ Cộng hòa Mark Green giới thiệu dự luật “SOS”, đề xuất tài trợ cho các công ty Mỹ có vai trò quan trọng đối với an ninh quốc gia.
Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, nói công khai về việc sử dụng các ưu đãi thuế thay vì trợ cấp trực tiếp để thúc đẩy các công ty Mỹ chuyển sản xuất về nước.
Việc dùng ngân sách chi trực tiếp cho các công ty để chuyển các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc có thể sẽ vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ngăn cản các công ty nước ngoài kinh doanh tại Mỹ, những người phản đối ý tưởng này nhận định. |
Theo Tiền Phong