Bộ GTVT đang đẩy cái khó cho người sử dụng dịch vụ chỉ vì để cứu các trạm BOT giao thông đang còn trong vòng nghi vấn về sự chưa minh bạch.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có đề xuất với Chính phủ về việc cho phép các doanh nghiệp BOT được phép tăng giá vé, nhằm cứu các dự án BOT giao thông. Lý do được bộ này đưa ra là các chủ đầu tư đang gặp khó khăn do hụt doanh thu, sau đại dịch Covid-19.
Vậy xin hỏi, Bộ GTVT có liên hệ “nhân quả” trong câu chuyện đề xuất này không?
Nguyên nhân doanh thu các trạm thu phí sụt giảm do lượng xe lưu thông sụt giảm, vậy số xe đang kinh doanh phải tạm ngừng lưu thông do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì doanh thu lại tăng? Để từ đó đề xuất cứu dự án BOT?
Hay doanh nghiệp có xe kinh doanh vận tải được hỗ trợ hoàn toàn thiệt hại do ngưng hoặc hạn chế lưu thông? Ngân hàng sẽ miễn hoặc giảm lãi suất? Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ khấu trừ thời gian xe lưu thông? Bảo hiểm sẽ gia hạn thêm thời gian tham gia bảo hiểm? Xe nằm không kinh doanh không bị tính khấu hao tài sản? Tài xế không có việc làm, doanh nghiệp kinh doanh vận tải được miễn đóng bảo hiểm? Hoặc không phải trả lương cho tài xế?….
Mới nhìn tiêu đề các bài báo, đa số bạn đọc nghĩ rằng Bộ GTVT đang kiến nghị các “ông chủ” BOT giảm giá vé để trợ giúp doanh nghiệp kinh doanh vận tải như Bộ Công Thương từng đề nghị giảm giá điện; Ngân hàng Nhà nước đề nghị giảm hoặc giãn thời gian trả nợ… Thì hỡi ôi, đọc xong hóa ra là Bộ GTVT đang đề nghị theo hướng ngược lại.
Nói thẳng, cách đi “ngược dòng” của Bộ GTVT chẳng khác nào lấy của người nghèo san sẻ cho người giàu hoặc người nghèo cứu người khó! Bởi, các trạm thu phí BOT giao thông khó mà bị lỗ (suốt chiều dài thực hiện dự án), vì khó khăn phát sinh trong giai đoạn này có thể bù đắp vào một giai đoạn khác – không thiếu một đồng, bằng các văn bản đề nghị được kéo dài thời gian thu phí theo hợp đồng, dự toán ban đầu…
Cứ nghĩ, sau bao lùm xùm, tắc trách xoay quanh các trạm thu phí BOT, thì năm nay người dân sẽ thấy được “thiện chí sửa sai” để người tham gia giao thông nói chung cũng như các doanh nghiệp hay tư nhân đang kinh doanh vận tải, không còn cho rằng Bộ GTVT luôn “đứng” về các dự án BOT; nhưng cuối cùng đó vẫn chỉ là mơ ước, dù là mơ ước chính đáng!.
Thiết nghĩ, những người đang làm công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT, hãy chịu khó lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía, chứ không nên chỉ nghe các doanh nghiệp BOT “tố khổ” để rồi quay lưng lại với chính những “chủ nhân” thật sự đứng sau các dự án BOT này. Chính người tham gia giao thông, doanh nghiệp kinh doanh vận tải mới là người đang bỏ tiền mua lại dự án, chứ không phải một ai khác…
Tăng giá vé qua các trạm thu phí BOT trong thời điểm này là đồng nghĩa với tăng giá thành vận chuyển, rồi lại được tính vào giá hàng hóa, đẩy giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng cả nước tăng cao trong bối cảnh cả xã hội đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh – là hoàn toàn không nên, bởi nó tác động lên cả nền kinh tế.
Bộ Công Thương ít ra đã công tâm hơn khi đề nghị công ty điện lực giảm giá điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hoặc Chính phủ đề xuất các ngân hàng giãn nợ, tạo điều kiện cho người vay đang khó khăn, thì Bộ GTVT lại đi ngược chiều, đẩy cái khó cho người sử dụng dịch vụ chỉ vì để cứu các trạm BOT giao thông đang còn trong vòng nghi vấn về sự chưa minh bạch.
Theo NLD