Theo thống kê của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tính đến thời điểm ngày 17/4, có 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn.
Trong khi 24 doanh nghiệp khác từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với số lượng 172.100 tấn, 2 doanh nghiêp ký kết cung cấp một phần số lượng đã ký.
Theo ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), Thủ tướng có quyết định số 05 giao chỉ tiêu kế hoạch đề ra năm 2020 cho tổng cục là phải mua được 190.000 tấn gạo. Tuy nhiên, qua triển khai đấu thầu, đến thời điểm này tổng cục mới chỉ ký hợp đồng được 7.700 tấn gạo, số còn lại 182.300 tấn.
Theo thống kê của đơn vị này, tính đến thời điểm ngày 17/4, có 28 doanh nghiệp đã trúng thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có 2 doanh nghiệp ký hợp đồng toàn bộ số lượng đã trúng thầu là 7.700 tấn.
Trong khi 24 doanh nghiệp khác từ chối thương thảo hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng với số lượng 172.100 tấn, 2 doanh nghiêp ký kết cung cấp một phần số lượng đã ký.
Cụ thể, Công ty cổ phần lương thực Hà Tĩnh trúng thầu 17.855 tấn; Công ty cổ phần lương thực Cao Lạng trúng 14.080 tấn; Công ty cổ phần lương thực Đông Bắc trúng 2.400 tấn; Công ty cổ phần lương thực Yên Bái trúng 1.000 tấn; Công ty cổ phần lương thực Thái Nguyên 1.320 tấn.
Ngoài ra, còn có Công ty cổ phần lương thực Hà Nam Ninh 27.640 tấn; Công ty Thương mại Minh Khai 21.350 tấn; Công ty TNHH Thương mại Chuong Cho 13.675 tấn; Công ty cổ phần xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang 13.720 tấn; Công ty TNHH Thủ Long Hà Nam 11.920 tấn; Công ty TNHH Hưng Cúc 2.550 tấn;
Bên cạnh đó là Công ty cổ phần Liên Bảo Thành 1.000 tấn; Công ty TNHH Thùy Dương 2.400 tấn; Công ty TNHH Liên Hạnh 1.700 tấn; Công ty TNHH Phú Minh Hưng 1.000 tấn; Công ty TNHH Minh Thu 1.000 tấn; Công ty TNHH Lôc Vân 1.050 tấn; Công ty cổ phần thương mại và du lịch Bắc Hà Tĩnh 900 tấn; Công ty TNHH xuất nhập khẩu lương thực Bình Minh Hai 4.600 tấn; Công ty TNHH MTV Đức Thắng 1.300 tấn.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp An Thịnh trúng 2.000 tấn nhưng mới ký hợp đồng 1.000 tấn; Công ty cổ phần lương thực Thanh Nghệ Tĩnh trúng 3.300 tấn mới ký 800 tấn.
Đáng chú ý, theo rà soát trên hệ thống khai báo hải quan điện tử mới đây, Tổng cục Hải quan phát hiện có 4 doanh nghiệp từ chối thương thảo hợp đồng và từ chối ký hợp đồng nhưng lại đăng kí xuất khẩu là Tổng công ty Lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại đăng ký 8 tờ khai xuất khẩu số lượng 7.200 tấn.
Hay Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn, doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu với tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Hai doanh nghiệp khác gồm: Công ty cổ phần Mỹ Tường trúng thầu 900 tấn và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thuận Minh trúng 1.000 tấn cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Cục Dự trữ Quốc gia khu vực. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Có hai doanh nghiệp ký hợp đồng là Công ty TNHH Tự lực với 4.600 tấn; Công ty TNHH Phước Hồng 1.300 tấn.
Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các doanh nghiệp gửi văn bản từ chối ký hợp đồng với lý do diễn biến giá trên thị trường tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được.
“Theo quy định của Luật đấu thầu, đối với những nhà thầu đã trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng sẽ thực hiện thu bảo đảm dự thầu (tiền cọc) theo quy định của Luật đấu thầu, mức thu từ 1 – 3% giá trị gói thầu tùy theo quy mô và giá trị gói thầu”, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết.
Cũng theo vị lãnh đạo này, đơn vị đã báo cáo Bộ Tài chính chuẩn bị phương án đấu thầu lại, thực hiện trong tháng 5 và tháng 6 là nhập kho dự trữ Nhà nước, đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu 190.000 tấn gạo, Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020.
Theo Tiền Phong