Dự kiến sinh viên năm thứ nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội được học lồng ghép các môn thể thao hiện đại kết hợp dân gian như: Khiêu vũ thể thao, Zumba, Golf, Aerobic, Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền, Điền kinh, Võ cổ truyền, Đá cầu, Bắn cung, … và các trò chơi dân gian.
Bảo tồn, phát huy văn hóa thể thao dân gian
Chương trình giáo dục thể chất gắn với phát triển thể thao dân tộc và trò chơi dân gian qua các hoạt động trải nghiệm môn học là một hướng đi mới trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thể chất và thể thao cho sinh viên ĐHQGHN. Việc này còn góp phần giữ gìn và lan toả giá trị truyền thống.
Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), PGS. TS Nguyễn Hoàng Hải cho biết, chương trình giáo dục thể chất gắn với phát triển thể thao dân tộc và trò chơi dân gian là nhịp cầu kết nối tâm huyết, trí tuệ của tất cả những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục thể chất cho sinh viên ĐHQGHN.
TS Trần Văn Lam, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT, cho hay: Thực trạng trò chơi dân gian và các tài liệu về những môn thể thao này đang dần bị mai một. Vì vậy, Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao ĐHQGHN khởi xướng và chủ trì thực hiện chương trình này dạy học cho sinh viên là một bước đột phá và tiên phong trong cả nước.
“Tin rằng với lợi thế về cơ sở vật chất, môi trường đào đạo thuận lợi tại Khu đô thị ĐHQGHN Hòa Lạc sẽ giúp việc triển khai môn học này thành công hơn. Trong thời tới, mô hình giáo dục phát triển toàn diện thể chất cho sinh viên cần được nhân rộng tới các cơ sở đào tạo trong cả nước nhằm góp phần phát triển mục tiêu của quốc gia”, ông Lam nói.
Theo ông Nguyễn Việt Hòa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao, ĐHQGHN, để bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã đưa ra các chủ trương và biện pháp thiết thực, được cụ thể hóa trong Luật Thể dục, Thể thao và những đề án quan trọng như: ưu tiên đầu tư phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc.
Đồng thời, Nhà nước có chính sách sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, bảo đảm đủ giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho các cấp học và trình độ đào tạo; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc; thành lập câu lạc bộ thể thao của học sinh, sinh viên.
Ông Hòa nhấn mạnh, định hướng khi đưa các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên ĐHQGHN đã được Trung tâm phân định rõ mục tiêu học tập là: xác định mục tiêu của các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian trong chương trình; nâng cao hiểu biết về các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian; cung cấp kiến thức cơ bản về lịch sử, tư tưởng triết học, giá trị văn hóa và những nguyên lý căn bản trong các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian.
Điều này giúp sinh viên hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và văn hóa của các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian, cũng như có khả năng thực hành và rèn luyện kỹ năng. Sinh viên cần được cung cấp các phương pháp, nguyên tắc và công cụ thích hợp để rèn luyện và nâng cao kỹ năng các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian.
Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao cũng đang xây dựng và thiết lập bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả học tập và phát triển của sinh viên trong các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian. Đồng thời, lắng nghe ý kiến phản hồi từ sinh viên, giảng viên và nguyên tắc của Đề án để cải tiến và hoàn thiện chương trình đào tạo.
“Khi đưa các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên ĐHQGHN, chúng ta cùng kỳ vọng sinh viên sẽ thu về cho mình những kiến thức bổ ích giáo dục đại học toàn cảnh cũng như bảo tồn và phát triển di sản các môn thể thao này” – Ông Hòa nhấn mạnh.
Trải nghiệm môn thể thao hiện đại kết hợp trò chơi dân gian
Dự kiến sinh viên năm thứ nhất của ĐHQGHN tại Hòa Lạc được học lồng ghép các môn thể thao hiện đại kết hợp dân gian như: Khiêu vũ thể thao, Zumba, Golf, Aerobic, Bóng đá, Bóng rổ, Bóng chuyền, Điền kinh, Võ cổ truyền, Đá cầu, Bắn cung, Đua thuyền, … và các trò chơi dân gian.
Việc đưa các môn thể thao dân tộc và các trò chơi dân gian vào giảng dạy cho sinh viên ĐHQGHN không chỉ làm đa dạng hóa nội dung môn học giáo dục thể chất mà còn kết nối giới trẻ với các hoạt động truyền thống, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa, đồng thời cũng khẳng định ĐHQGHN là đơn vị đào tạo tiên phong lĩnh vực này.
ĐHQGHN xác định mô hình giáo dục cho sinh viên gồm 3 toàn diện: khỏe về thể chất – mạnh về tinh thần – giỏi về kỹ năng xã hội. Chương trình xác định mục tiêu xây dựng sinh viên ĐHQGHN học tập tại Hòa Lạc với những đặc trưng khác biệt cùng 4 phẩm chất: Tự tin, có hiểu biết về văn hóa truyền thống; Tự định hướng; Quan tâm đến vấn đề của ĐHQGHN và của đất nước; Biết đóng góp cho xã hội một cách chủ động.
Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc đưa các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục thể chất cho sinh viên ĐHQGHN là một việc làm có ý nghĩa và hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp sinh viên được rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe để học tập, lao động tốt, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.