Làm việc tại nhà, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng thật bất tiện. Nhưng cũng chẳng ít kẻ mở cờ trong bụng vì đây chính là dịp để họ thoát ra khỏi tầm kiểm soát của cấp trên. Và nếu bạn đang suy nghĩ như vậy, thì chia buồn, bạn xứng đáng bị đuổi việc.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến quá phức tạp để chắc chắn vào một ngày chúng ta được quay trở lại văn phòng làm việc. Nhiều công ty dẫu biết nếu làm việc tại gia sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu nhưng vì lợi ích sức khỏe nên họ vẫn cho phép nhân viên được ở nhà. Tưởng như tình thế khó khăn sẽ làm các nhân viên hiểu được và cố gắng, nhưng đâu đó vẫn có những kẻ không biết tự đặt giới hạn và buông lơi với nhiệm vụ được giao phó. Vậy nguyên nhân là vì đâu?
Tất cả xuất phát từ suy nghĩ sai lầm: Làm việc ở nhà thì sếp khó nắm được tình hình.
Hồng Hạnh là nhân viên tư vấn online của một công ty chuyên về mỹ phẩm. Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, công ty này làm ăn phát đạt, đời sống nhân viên tốt vì doanh số khá cao. Tuy nhiên, với tình hình kinh tế suy giảm, lượng khách ngày một vơi đi, cấp trên ngày đêm đau đầu nghĩ ra các phương pháp bán hàng hiệu quả mà vẫn đảm bảo nhân viên sale được làm việc tại nhà.
Khi nhận được thông tin làm việc tại nhà, Hạnh cảm thấy vui, đơn giản là vì cô có thể xả hơi sau chuỗi ngày dán mắt vào máy tính trên công ty. Khi còn làm văn phòng, Hạnh dù muốn lướt Facebook, quay Tik Tok lắm nhưng sợ sếp và đồng nghiệp bàn tán nên chỉ dám tập trung toàn tâm vào công việc. Hạnh cho rằng giờ ở nhà là lúc cô sẽ giải tỏa bởi trước đây cô làm việc cũng nghiêm túc, chắc sếp không để ý và cũng khó mà biết được.
Tuy nhiên, những ngày làm việc tại nhà, Hạnh liên tục để lộ ra sự thiếu sót của bản thân. Trong thời gian sếp giao nhiệm vụ qua các ứng dụng trò chuyện, Hạnh còn mải mở YouTube xem phim, lướt Facebook nên không nắm bắt rõ tình hình. Vì thế nên khi nội dung bán hàng thay đổi, Hạnh không nắm bắt được và mắc lỗi sai. Bị đồng nghiệp nhắc, Hạnh nghĩ là chẳng mấy quan trọng mà ngó lơ, một lúc sau mới trả lời tin nhắn theo kiểu tỏ ra “mình không biết, không có tội.”
Thế rồi sau tuần làm việc tại nhà đầu tiên, Hạnh đã bị đích danh sếp “dằn mặt” ngay trong group chat của nhóm. Cấp trên phủ đầu luôn bằng một câu khiến cô gái trẻ câm nín:
“Đừng tưởng ở nhà mà tôi không biết mọi người đang làm gì! Các bạn nghĩ rằng các bạn đang chú tâm vào công việc lắm sao? Không hề! Có quá nhiều bằng chứng để khẳng định bạn đang mải chơi và không tập trung chút nào. Thứ nhất, khi tôi ra thông báo, các bạn không tuân theo. Tức là các bạn chỉ trả lời xác nhận cho có chứ không hề đọc.
Thứ hai, tôi nhắn tin mà phải tận 25-30 phút sau mới rep trả lời. Các bạn nghĩ công việc này là trò đùa à? Rõ ràng trong nội quy làm việc tại nhà có ghi rõ nhân viên phải trả lời nhiệm vụ của cấp trên trong vòng 10-20 phút cơ mà? Vậy đó không phải là vô trách nhiệm thì là gì? Tôi đặc biệt nhắc bạn Hồng Hạnh nghiêm túc xem lại thái độ làm việc của mình. Bằng không thì nghỉ việc đi!”
Sau những dòng tin nhắn thẳng nhưng thật như vậy, Hồng Hạnh thức tỉnh và nhận ra thái độ của mình là vô cùng sai trái.
Bài học dân công sở phải nằm lòng: Làm việc tại nhà không có nghĩa là được thoải mái với chính mình
Câu chuyện trên của cô gái làm nghề sale chỉ là đại diện cho rất nhiều những người đang buông thả bản thân mình. Xin được khẳng định lại một lần nữa: Dẫu sếp không thể kiểm soát nhân viên như lúc ở trên văn phòng nhưng thái độ làm việc của bạn khó mà che giấu đi được.
Lúc này là một thời điểm nhạy cảm, đặc biệt là với những ai giữ cương vị lãnh đạo. Họ không chỉ lo cho tình hình của công ty suy giảm, mà còn phải đảm bảo để lương của nhân viên không bị hao hụt, và hơn cả là để không một ai bị ngừng việc. Vì thế, điều quan trọng là nhân viên phải hiểu tình cảnh và cố gắng hết mình kể cả khi làm việc tại nhà.
Trả lời tin nhắn chậm, không nắm bắt thông tin chỉ là hai trong số nhiều biểu hiện của sự chểnh mảng khi làm việc tại gia. Nhưng hiệu quả công việc sẽ là bằng chứng rõ nhất mà khó có thể cãi lại. Với những ai làm sếp, họ càng có thêm sự nhạy cảm để biết cấp dưới có đang tận tụy vì công việc hay không.
Hi vọng chị em công sở sẽ không vì cám dỗ của mạng xã hội, của ti vi, của nhiều tác động ngoại cảnh mà đánh mất chính mình. Bằng không, bạn xứng đáng bị nghỉ việc. Đến lúc đó, chắc chắn bạn sẽ thấy tiếc nuối vì đã không cống hiến hết mình đấy! Bởi trong tình cảnh kinh tế như hiện tại, không một ai dám đảm bảo bạn có thể dễ dàng tìm một công việc mới đâu!
Theo Trí Thức Trẻ