Với tình trạng căng thẳng, lo lắng và bất ổn của phần đông lực lượng nhân viên hiện nay thì điều quan trọng là các doanh nghiệp nên có các biện pháp để nâng cao tinh thần làm việc của họ. Điều này rất cần thiết để duy trì lực lượng lao động hạnh phúc và văn hóa công ty tích cực.
Trong một nghiên cứu gần đây cho biết, tinh thần nhân viên là động lực thúc đẩy sự thành công của doanh nghiệp. Tinh thần nhân viên tích cực và có sự gắn kết có thể tăng lợi nhuận lên đến 21%.
Nếu doanh nghiệp của bạn đang gặp phải tình trạng tinh thần nhân viên thấp thì hãy tham khảo 6 cách cải thiện tinh thần, nâng cao sự hài lòng của nhân viên trong bài viết dưới đây!
Tinh thần nhân viên là gì? Tại sao lại quan trọng với tổ chức?
Tinh thần làm việc là quan điểm, sự hài lòng, thái độ và sự tự tin mà các thành viên trong nhóm có tại nơi làm việc. Nếu nhân viên có tinh thần làm việc, hăng hái trong công việc, luôn vui vẻ, nhiệt huyết thì nó sẽ phản ánh được văn hóa công ty tích cực, môi trường làm việc tốt…
Hơn nữa, việc sở hữu một đội ngũ có tinh thần tích cực sẽ mang lại rất nhiều giá trị dành cho doanh nghiệp như giữ chân nhân viên, tăng hiệu suất làm việc, tăng động lực, cải thiện giao tiếp, tăng khả năng làm việc nhóm…
Làm thế nào để thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân viên?
Nhân viên có tinh thần làm việc thấp ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của tổ chức. Theo trường Cao đẳng Roberts Wesleyan, hơn 350 tỷ USD hằng năm có thể bị mất bắt nguồn từ tinh thần làm việc của nhân viên.
Nếu nhân viên không vừa lòng, họ sẽ ít có khả năng thực hiện nhiệm vụ công việc với khả năng tốt nhất của mình. Theo nghiên cứu của Đại học Warwick, những nhân viên hạnh phúc có năng suất cao hơn 12% so với những đồng nghiệp không hài lòng.
Do vậy, để thúc đẩy tinh thần làm việc nhằm thay đổi tinh thần làm việc của mọi người trong công ty theo hướng tích cực, có một số biện pháp quan trọng như:
1. Điều chỉnh nhân viên có sự phù hợp với giá trị, văn hóa công ty
Đảm bảo rằng tất cả nhân viên đều làm việc theo những giá trị cốt lõi và đồng tình với văn hóa doanh nghiệp. Chính sự phù hợp ấy là yếu tố xây dựng một đội ngũ nhân viên có tinh thần làm việc mạnh mẽ.
Ví dụ như khi nhân viên làm việc theo những giá trị cốt lõi của công ty, họ thường có xu hướng làm việc với sự cam kết và đam mê hơn. Điều này tạo ra một tinh thần làm việc tích cực và đạt được mục tiêu của tổ chức. Bên cạnh đó, nhân viên thường dễ dàng hòa nhập và cảm thấy hài lòng với công việc của mình, tỷ lệ nghỉ việc cũng thấp hơn.
2. Khuyến khích nhân viên trình bày ý kiến, ý tưởng trong sự thoải mái
Nhân viên không dám nói ra, không dám bày tỏ quan điểm, ý kiến tức là họ đang lo sợ nếu nói sai sẽ bị phản bác, chỉ trích hoặc không ai quan tâm đến ý kiến của mình. Vì vậy tổ chức nên tạo nên một tinh thần chia sẻ, cởi mở để bất kỳ ai cũng thoải mái đưa ra quan điểm của bản thân.
3. Tổ chức các hoạt động gắn kết
Nếu một môi trường làm việc chỉ đơn thuần là đến để làm việc mà không có các hoạt động chung thì sẽ gây ra sự nhàm chán và buồn tẻ. Nghiêm trọng hơn là nhân viên không có sự gắn kết với những thành viên khác trong công ty, họ không được giao tiếp và củng cố tinh thần làm việc, lâu ngày sẽ dẫn đến mệt mỏi và tỷ lệ nghỉ việc tăng.
Việc tổ chức các hoạt động gắn kết là một trong những cách hiệu quả để củng cố tinh thần làm việc và tạo ra môi trường làm việc tích cực. Một số hoạt động mà công ty có thể thực hiện như tổ chức sinh nhật, du lịch, liên hoan, đào tạo nhân viên, ghi nhận, tặng quà dịp lễ…
4. Tăng cường huấn luyện nhà quản lý
Có một sự thật đó là người quản lý có tác động trực tiếp đến tinh thần và sự gắn kết tại nơi làm việc của nhân viên. Bởi vì nhân viên thường xuyên phải làm việc và chịu sự trách nhiệm bởi người quản lý của mình trong công việc. Chắc hẳn bạn cũng đã nghe qua câu nói rất phổ biến trên các diễn đàn, mạng xã hội đó là “nhân viên không rời bỏ công ty, họ rời bỏ người quản lý”.
Có nhiều nhà quản lý họ có thể rất giỏi và vững vàng về chuyên môn nhưng kỹ năng quản lý của họ lại chỉ ở mức bình thường. Vì vậy hãy đào tạo cho các nhà quản lý về cách quản trị nhân sự, quản lý cảm xúc, hỗ trợ tinh thần làm việc của nhân viên, đưa ra phản hồi và ghi nhận, cách giao tiếp cũng như phong cách lãnh đạo hiệu quả.
5. Ưu tiên sức khỏe tâm thần nhân viên
Theo một nghiên cứu của Mind Share Partners cho biết, 78% nhân viên thuộc thế hệ 8x-10x và 91% thuộc thế hệ Gen Z đã nghỉ việc vì những lý do liên quan đến sức khỏe tâm thần. Họ cho rằng công ty nên có trách nhiệm hỗ trợ sức khỏe tâm thần của nhân viên.
Còn theo thống kê của Deloitte, các công ty Vương quốc Anh đã phải chịu thiệt hại do sức khỏe tâm thần nhân viên kém đã tăng 25% kể từ năm 2019, đạt mức £56 tỷ trong giai đoạn từ năm 2020 – 2021.
Vì vậy yêu cầu đặt ra là các tổ chức nên có các chính sách để cải thiện vấn đề này nếu không muốn làm tồi tệ hơn nữa tinh thần nhân viên và xa hơn là sự phát triển của doanh nghiệp.
Một số cách để tổ chức cải thiện vấn đề này là tạo ra môi trường làm việc tích cực, khuyến khích tương tác xã hội, hỗ trợ họ trong công việc nếu xảy ra bất cứ khó khăn gì, tạo điều kiện cho nhân viên được nghỉ ngơi, đồng cảm và lắng nghe, củng cố sự cân bằng hợp lý giữa công việc và cuộc sống, đo lường sức khỏe tâm thần…
Thông qua sự quan tâm một cách chân thành, nhân viên sẽ giảm được sự lo âu, căng thẳng, trầm cảm… và có tiến triển tốt hơn về mặt cảm xúc, góp phần vào việc thực hiện công việc một cách tốt nhất với khả năng của mình.
6. Khuyến khích sự phát triển của nhân viên
Để giữ cho đội ngũ nhân sự có động lực và cảm thấy hài lòng, điều cần thiết là đầu tư vào sự phát triển nghề nghiệp cá nhân của họ. Hơn nữa, những nhân viên được đào tạo tốt hơn sẽ tự tin hơn trong công việc và nơi làm việc.
Nếu như nhân viên đó cảm thấy mình không phát triển được, không được học các kỹ năng mới, không được thực hành công nghệ mới, không biết sử dụng công cụ để phục vụ công việc thì phần lớn họ sẽ cảm thấy chán nản, tinh thần làm việc đi xuống và khả năng cao họ tìm kiếm cơ hội ở những công ty khác.
Tổ chức nên cung cấp cho nhân viên cơ hội học tập như tổ chức những buổi training đào tạo kỹ năng, chia sẻ kiến thức, cung cấp các khóa học trực tuyến liên tục để giúp họ nắm bắt kiến thức, nâng cao kỹ năng và tự tin trong công việc. Khi họ được trang bị đầy đủ kiến thức phục vụ cho công việc, họ sẽ có tinh thần làm việc cao với tâm thế luôn nỗ lực và cố gắng hết mình để đạt được được mục tiêu.