1. Đặt câu hỏi
Khi đối diện với vấn đề, bạn đừng vội trả lời ngay. Thay vào đó, hãy bắt đầu đặt câu hỏi thiên về những hướng chưa từng nghĩ đến trước đây.
Ví dụ, khi sản xuất Tesla Truck, thay vì quan sát những chiếc xe tải hiện có trên thị trường, Musk chỉ tập trung vào những khía cạnh quan trọng tạo nên một chiếc xe tải tốt. Tư duy của Musk lúc đó không phải là tạo ra chiếc xe tải tốt hơn các đối thủ mà là hình dung về chiếc xe tải tốt nhất mà Tesla có thể sản xuất được.
Lối tư duy này biểu hiện rõ hơn bằng sự khác biệt giữa hai cách đặt câu hỏi sau:
– Tôi có thể cải thiện chiếc xe tải hiện nay như thế nào?
– Đâu là những yếu tố cần thiết tạo nên một chiếc xe tải tốt?
Musk chọn lối suy nghĩ thứ hai, điều cho phép ông có thể bắt tay vào công việc với cái đầu trống rỗng và tạo ra một sản phẩm mới hoàn toàn.
2. Thu thập nhiều bằng chứng nhất có thể
Trước khi đưa ra bất kỳ giả thuyết nào, bạn cần trải qua giai đoạn thử nghiệm.
Trong bài viết về Elon Musk, tờ Rolling Stone đã tiết lộ Musk đã từng yêu cầu các nhân viên của mình đào một đường hầm thực sự trong chính bãi đỗ xe của công ty. Đường hầm này nhằm thử nghiệm ý tưởng xây dựng đường ống cải thiện giao thông Los Angeles. Musk đã lập ra công ty The Boring Company để thực hiện ý tưởng này.
Bằng cách đào đường hầm thử nghiệm, Musk có thể nắm được chính xác công ty của mình có thể đào được bao nhiêu mét đường hầm trong một khoảng thời gian nhất định, cũng như ước lượng quy mô của dự án này trên thực tế.
3. Phát triển lý thuyết dựa trên các bằng chứng đã có
Với những thử nghiệm đã thực hiện, ở bước này, bạn có thế bắt đầu phác thảo ra giả thuyết có thế cho vấn đề đang cần giải quyết. Đồng thời, hãy thử tính khả thi của mọi giả thuyết bạn đưa ra.
Nhiều người thường ước lượng tính khả thi vào khoảng 50-50 hoặc tỷ lệ thấp vào khoảng một phần triệu cơ hội. Ngược lại, bạn cần cẩn trọng xem xét từng giả thuyết đưa ra có đi cùng những bằng chứng cụ thể, rõ ràng không? Nếu không cẩn trọng ở giai đoạn này, bạn có thể rơi vào thói quen suy diễn.
4. Phác thảo kết luận
Theo Musk, khi đưa ra các kết luận, bạn nên tư duy theo hướng: Các bằng chứng tìm thấy có chính xác chưa; chúng có liên quan với nhau như thế nào; mức độ thực tế của mỗi bằng chứng ra sao. Và quan trọng hơn, liệu các bằng chứng này có nhất thiết dẫn đến kết luận như bạn đang nghĩ không?
Nói cách khác thì hãy xem bạn tự tin đến mức nào về các bằng chứng bạn đưa ra cho kết luận này?
5. Cố gắng bác bỏ kết luận
Tốt nhất hãy nhờ một ai đó thử bác bỏ kết luận của bạn.
Ngay cả khi bạn có đủ các bằng chứng để đưa ra kết luận, bạn vẫn nên tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Nếu không, bạn có thể rơi vào chiếc bẫy của “niềm tin mù quáng”. Chiếc bẫy này sẽ che mờ lý trí, khiến bạn chỉ nhìn thấy những điều phù hợp với quan điểm của bạn, thay vì mặt trái của vấn đề.
Là người đưa ra quan điểm, bạn rất có thể sẽ chỉ thường nhìn thấy một khía cạnh của vấn đề. Việc có thêm góc nhìn mới sẽ giúp bạn tìm ra những lỗ hổng trong giả định của mình.
6. Nếu không ai có thể bác bỏ kết luận, khi đó, bạn có thể đúng
Dù không ai có thể bác bỏ được kết luận của bạn thời điểm đó thì bạn cũng không hẳn sẽ đúng hoàn toàn.
Đây là một điều quan trọng bạn cần nhớ. Các thông tin mới sẽ luôn nảy sinh và có khả năng bác bỏ lý thuyết của bạn trong tương lai. Vì vậy, đừng bám chặt vào một lối suy nghĩ nhất định khi hoàn cảnh sẽ luôn thay đổi qua thời gian.
Vì vậy, theo Elon Musk, lãnh đạo doanh nghiệp khi ra quyết định cần bám sát thực tế của vấn đề, thay vì chỉ phản ứng dựa vào các suy diễn chủ quan.